Mỗi tháng người Việt chi 1,3 tỉ USD cho điện thoại

Mai Phương
Mai Phương
08/12/2018 10:12 GMT+7

Chỉ còn vài ngày nữa Tập đoàn Vingroup sẽ chính thức ra mắt các mẫu điện thoại Vsmart và điều này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Hàng Trung Quốc là chủ yếu
Với mức giá dưới 3 triệu đồng hiện chỉ có một vài mẫu điện thoại smartphone để lựa chọn như thương hiệu Xiaomi, Realme, Oppo, Philips, Mobiistar... Ngoại trừ Mobiistar là thương hiệu Việt nhưng cũng được đặt hàng sản xuất toàn bộ tại Trung Quốc. Còn lại hầu hết các điện thoại trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Từ 4 triệu đồng trở lên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn với hàng trăm sản phẩm khác nhau. Ngoài những thương hiệu trên, còn có thể kể đến những cái tên quen thuộc vốn được xem dẫn đầu trên thị trường di động từ trước đến nay như Samsung, Nokia, Oppo, Sony, Vivo, Xiaomi…
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy từ tháng 1 - 11.2018, cả nước đã chi 14,4 tỉ USD để nhập khẩu các sản phẩm điện thoại và linh kiện. Tính bình quân mỗi tháng , người Việt chi khoảng 1,3 tỉ USD để nhập điện thoại và linh kiện. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam ở nhóm sản phẩm này.
Còn thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường GfK, hiện nay dẫn đầu thị phần ở các kênh bán hàng truyền thống (không tính bán hàng qua internet) vẫn là Samsung với thị phần tháng 9.2018 là 40,1%, giảm đi khoảng 5,8% thị phần so với năm trước. Sau Samsung là Oppo - hãng điện thoại đến từ Trung Quốc - chiếm 26,4% thị phần, tăng thêm gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Apple với những chiếc điện thoại iPhone thuộc hàng đắt đỏ nhất vẫn đang đứng vị trí thứ ba với 17,6% thị phần, giảm mất 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy chỉ riêng ba hãng dẫn đầu này đã chiếm 84,1% thị phần thị trường điện thoại di động Việt Nam và bỏ xa các thương hiệu sau đó. Hãng đứng thứ 4 tại Việt Nam là Huawei có thị phần 4,5%, tăng thêm gần 2% thị phần so với cùng kỳ năm trước. Ngay sau đó là Mi chiếm 2,9%, Nokia bám sát với 2,7% và tương đương là Vivo…
Những chiếc điện thoại iPhone đắt đỏ vẫn được nhiều người Việt Nam mua dùng M.Phương
Cuộc chơi của những “tay lớn”?
Sự trỗi dậy của các hãng điện thoại Trung Quốc đang khiến nhiều nhà sản xuất điện thoại khác phải e dè. Theo nhận định từ Giám đốc liên kết Counterpoint Tarun Parthak của hãng phân tích Counterpoint Research, thị trường smartphone Việt đang có sự tăng trưởng khá lành mạnh nhưng khốc liệt. Nhiều thương hiệu cả nội lẫn ngoại đình đám một thời cũng đã rút lui hoặc không còn được nhắc tới trong top 10 thương hiệu điện thoại như LG, Sony, HTC, Blackberry, Motorola… Đặc biệt, các thương hiệu Việt từng nở rộ như Q-mobile, HKPhone và hàng loạt cái tên khác đã biến mất. Giờ chỉ còn le lói vài thương hiệu vẫn còn có sản phẩm như Mobiistar, Bphone, Asanzo, Viettel... Nhưng những cái tên này khá trầm lắng, sản phẩm bán được ít và chủ yếu vẫn theo hình thức sản xuất OEM (Original Equipment Manufacturer) từ Trung Quốc. Theo đó, việc chọn sản phẩm, đặt tên và đặt đơn hàng sản xuất từ những nhà máy bên Trung Quốc sau đó mang về bán tại Việt Nam.
Chỉ mới có duy nhất Bphone được BKAV tuyên bố là thương hiệu Việt và "Made in Viet Nam". Nhưng để những chiếc Bphone tồn tại được trên thị trường không phải dễ. Bản thân ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Công ty BKAV - cũng từng chia sẻ với báo giới rằng thị trường này khá khắc nghiệt. Bphone được BKAV làm từ năm 2009 nhưng mãi đến 6 năm sau người tiêu dùng mới biết. Đến phiên bản Bphone 3 mới ra mắt ngày 10.10 vừa qua, công ty này đã bắt đầu tự tin hơn khi chỉ sau hơn một tháng ra mắt đã hơn 10.000 sản phẩm được tiêu thụ, gần bằng số máy Bphone 2 bán ra trong một năm trước đó. Nhưng so với số lượng vài chục triệu điện thoại của các hãng trên thị trường thì con số này chỉ là quá nhỏ. 
Điện thoại Vsmart sắp có mặt trên thị trường sẽ tạo thêm cơ hội lựa chọn cho người dùng T.Luân
Theo ông Mai Triều Nguyên - Giám đốc chuỗi cửa hàng thiết bị di động Mai Nguyên - thị trường điện thoại di động tại Việt Nam khá khắc nghiệt. Bằng chứng cho thấy nhiều thương hiệu tên tuổi lớn cũng phải ra đi. Nhưng nó vẫn luôn có cơ hội cho các doanh nghiệp biết cách, có tiềm lực mạnh về tài chính và đầu tư nghiêm túc để có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn ban đầu nhằm chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn như sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chí có giá tốt, cấu hình mạnh, thiết kế đẹp. Đồng thời phải nhanh chóng phủ rộng mạng lưới khắp toàn quốc.
“Thị trường di động Việt khó mà dễ, dễ mà khó. Quan trọng nhất là cách làm mà thôi. Cần làm phải "ngon" từ khâu sản xuất, sản phẩm đến marketing, truyền thông, chính sách bán hàng, hậu mãi và phải tận dụng được hệ thống đại lý hiện hữu trên toàn quốc. Luôn bám sát và luôn thay đổi, thích nghi với thị trường. Tôi nghĩ chắc chỉ có một tập đoàn lớn cỡ như Vingroup mới có thể đủ sức để phát triển được điện thoại thương hiệu Việt thật sự trên thị trường”, ông Mai Triều Nguyên chia sẻ thêm.
Theo thống kê hồi quý 1/2018 của IDC Indochina, các hãng điện thoại Việt chiếm 3% trong số 3,8 triệu điện thoại đưa ra thị trường. Hơn nửa trong số đó là của Mobiistar. Tuy nhiên, bất kể sự tham gia của Asanzo, BKAV trong năm 2017, thị phần của nhóm nội không tăng lên mà đã giảm đi một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.