'Mỗi tỉnh 1 công trình văn hóa cấp châu lục, cả đất nước sẽ là công trình'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/06/2024 16:45 GMT+7

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nhiều mục tiêu của chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đặt ra quá dàn trải, cần cân nhắc tính khả thi.

Sáng 19.5, góp ý chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (chương trình), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP.Hà Nội) đề nghị chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa cần thu hẹp mục tiêu vì đang quá dàn trải. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cũng cần cân nhắc đến tính khả thi.

Dẫn chứng chương trình đặt chỉ tiêu hằng năm 100% các tỉnh, thành phố phải có 2 công trình điêu khắc, 3 công trình mỹ thuật, bà Mai tính toán, như vậy trong 10 năm, mỗi tỉnh sẽ có 20 công trình điêu khắc, 30 công trình nghệ thuật. Cả nước có 63 tỉnh, thành, như vậy trong 10 năm chúng ta sẽ có 1.260 công trình điêu khắc, 1.980 công trình nghệ thuật.

"Liệu có nhất thiết phải như vậy không, trong khi chúng ta còn rất nhiều mục tiêu khác cần ưu tiên?", bà Mai nêu.

'Mỗi tỉnh 1 công trình văn hóa cấp châu lục, cả đất nước sẽ là công trình'- Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên thảo luận

GIA HÂN

Một chỉ tiêu khác được chương trình đặt ra là 100% thành phố trực thuộc T.Ư phải xây dựng tối thiểu 1 công trình văn hóa cấp châu lục, quốc tế. "Nếu như thế này thì cả đất nước sẽ là một công trình và kinh phí rất lớn", bà Mai nhìn nhận.

Chương trình cũng dự kiến 100% các lĩnh vực có bộ quy tắc ứng xử; 100% các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cần ban hành quy chế, nội quy giao tiếp. Theo bà Mai, việc ban hành quy chế trong nhiều trường hợp là cần thiết. Nhưng Hiến pháp cũng quy định rất rõ người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Do đó, nữ đại biểu đề nghị cần cân nhắc để có mức độ hợp lý, tránh lạm dụng.

Dẫn thêm quy định hằng năm phải có 70 đề tài khoa học cấp bộ và 80% các tỉnh phải có ít nhất 1 đề tài khoa học về văn hóa, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nói, từ thực tế giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề này cho thấy, đây là lĩnh vực rất tốn kém do tính ứng dụng thấp.

Từ các dẫn chứng trên, đại biểu Mai đề nghị cần rà soát, thu hẹp mục tiêu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả và không vi phạm luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Khẳng định văn hóa là lĩnh vực hết sức đặc thù, có tiền có thể xây dựng được một con đường, bệnh viện, trường học nhưng chưa chắc có được giá trị văn hóa, bà Mai cho rằng, cùng với đầu tư nguồn lực thì rất cần những giải pháp đặc thù phù hợp, có cách làm đúng đắn, hiệu quả để chúng ta đạt được mong muốn.

Chỉ tiêu không cao nhưng đạt được lại không dễ

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) thì quan tâm chỉ tiêu của chương trình đặt ra là đến 2035 phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước, có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%.

'Mỗi tỉnh 1 công trình văn hóa cấp châu lục, cả đất nước sẽ là công trình'- Ảnh 2.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng giải trình cuối phiên thảo luận

GIA HÂN

Ông cho rằng, chỉ tiêu đề ra như vậy là không cao, tuy nhiên để đạt được là không dễ. Không cao, theo ông Trí là vì chỉ 2 đêm biểu diễn của 4 ca sĩ Hàn Quốc trong nhóm Blackpink trình diễn ở Việt Nam đã thu được khoảng 600 tỉ đồng. Ở Việt Nam đã có những bộ phim đưa lại doanh thu 500 - 600 tỉ đồng và những đạo diễn đã làm ra được loạt phim thu được hàng nghìn tỉ.

Dù vậy, việc này cũng không dễ vì Việt Nam chưa có một nền công nghiệp văn hóa thực thụ, bài bản và nhanh nhạy. Ông Trí đề nghị cần chú ý đến thị trường văn hóa, đối tượng phục vụ, chủ đề, kịch bản, công tác tổ chức triển khai, tiếp thị, đặc biệt phải hết sức chú ý đến hiệu quả đầu tư.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) nhìn nhận, vì mong muốn bao trùm tất cả các lĩnh vực liên quan nên khi đưa ra các nội dung thành phần, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể lại quá nhiều, thành ra dàn trải. Trong khi đó, nguồn lực còn hạn chế, nhiều chỉ tiêu đưa ra chưa đủ cơ sở về tính thiết thực, tính khả thi trong thực tế, thiếu tính liên kết với các nhiệm vụ cụ thể.

Bà Thái đề nghị, chương trình cần chọn lọc, gộp các nội dung thành phần và tập trung 3 nội dung lớn: phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận các ý kiến đóng góp rất xác đáng và đồng tình cần phải rà soát về chỉ tiêu của chương trình.

"Chúng tôi sẽ tiếp thu để làm sao đó không tuyệt đối hóa, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đảm bảo tính hài hòa tổng thể", ông Hùng khẳng định.

Các mục tiêu cụ thể của chương trình

Đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau: 

Hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa.

100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn.

100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.

Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Hàng năm có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố.

Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.

Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa.

80% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Hằng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đến năm 2035 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau: 

Phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của luật Thư viện.

85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật.

100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 

Có ít nhất 10 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN.

Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%.

Hoàn thiện thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế.

100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Hàng năm, có ít nhất 4 - 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.