Có phải gỏi đu đủ tiềm ẩn... “triết lý” về sự no đủ mang màu sắc tâm linh? Chưa cần tới già làng, mấy “già xóm” hậu thuẫn cho gỏi đu đủ hay tranh thủ dạy con cháu một câu già chát: “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?”... Bọn trẻ nghệch mặt ra vì không hiểu. Tới khi nghe các cụ rề rà giải thích: Biết đủ là đủ. Đợi cho đủ khi nào mới đủ, thì lứa 8X, 9X mới vỗ đùi khen hay. Ừ nhỉ! Làm chăm chỉ, thấy đủ là chơi xả hơi vài ngày. Chờ cho hầu bao rủng rỉnh thì biết đến bao giờ?
Nghĩ cũng lạ! “Đu đủ” là danh từ chỉ tên trái cây, nhưng lại được hiểu thành tính từ với nghĩa “đầy đủ”. Cũng vui thôi, vì đây là “loại” niềm tin không cắn mổ gì ai, tin để mà tin, tin cho ấm lòng, kiểu như “tin thì tin, không tin không sao”. Thí dụ như chiều 30 tết, các cụ hay quăng mớ rau muống vô tủ để cả năm... muốn gì được nấy, dù “muốn” và “muống” không liên quan với nhau. Cũng có chuyện nhà nọ đơm bàn thờ tết với 4 loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài, với ý nghĩ “cầu vừa đủ xài”!
Có cặp vợ chồng kia là giáo viên. Chồng hay càm ràm bà vợ mê tín. Con ôn thi đại học thì “chống rớt” bằng cách cho ăn xôi đỗ (đậu) ngày này qua ngày khác, làm thằng nhỏ ớn tận cổ. Nó thèm canh tôm bí đao thì không cho, lý do đã “bí” còn “đao” thì sao làm bài cho tốt? Nhưng chồng lại ủng hộ món gỏi đu đủ với niềm tin không gì lay chuyển là đầu năm thưởng thức món gỏi này thì cả năm cứ túc tắc, rỉ rả, thong thả làm thôi, cũng đạt mức từ đủ tới... đủ.
Chồng nói gỏi đu đủ là thứ gỏi của niềm tin chính đáng. Làm gì làm cũng phải “đu” cho được chữ “đủ”. Đừng có mà mơ của nả dư thừa cho nhọc xác. Vợ được dịp... trả đũa, nói anh cũng mê tín dữ. Chồng chống chế liền, nói ai cũng muốn đủ chớ ai muốn thiếu bao giờ? Vợ xỏ, nói anh không mê tín nhưng cũng hay tin một cách mơ hồ. Mà thôi, tết nhứt cãi nhau không nên. Chứ em biết mười mươi là anh ưng lai rai với bạn món này mà.
Ở quê hầu như nhà nào cũng trồng đu đủ gần nhà bếp, bên cạnh ảng nước, sát bờ rào, chắc cũng không ngoài ý nghĩa cầu mong cho gian bếp đủ đầy, luôn có cái để mà đỏ lửa. Sát tết, người ta chọn trái phổng phao hái xuống, gọt vỏ, rửa sạch rồi nạo thành sợi cùng củ cà rốt. Để “nâng cấp” đĩa gỏi, bà con hay trộn vào một ít tôm hấp và thịt ba chỉ. Chút lá rau răm, nhúm đậu phộng rang để sẵn, chờ chén nước mắm chua ngọt nữa là tất cả hòa trộn, ấp ôm nhau để thành món gỏi “tổng hợp” hương vị làng quê.
Nhìn đĩa gỏi đu đủ là thấy sắc xuân mơn mởn. Sợi đu đủ xanh non. Sợi cà rốt hồng nhạt. Lá rau răm xanh sẫm. Hạt đậu phộng vàng nâu. Con tôm thì đỏ au cái màu... phú quý. Thịt ba chỉ xắt sợi gợi lên “nỗi niềm” ngọt béo. Nước mắm chua ngọt giờ đã tan vào nguyên liệu gỏi, chỉ còn để lại cái vị chua thanh thanh, vị ngọt phơn phớt, vị mặn mong manh của bộ ba mắm - chanh - đường. Ngoài hương vị “gây mê” vừa kể, âm thanh vui vui đọng lại có lẽ là khi từng cọng đu đủ, cà rốt sừn sựt giòn giòn lên tiếng khi nhai.
Mấy ông bạn thân đi thăm xuân tới nhà nhau vừa chúc mừng năm mới vừa “đòi” thẳng: “Tiên” là chúc gia đình an khang. “Hậu” là... gỏi đu đủ đâu, đem ra anh em ta lai rai mừng tết chứ!
Bình luận (0)