Điều này gây lo lắng cho giáo viên (GV) nói chung, đặc biệt là GV lịch sử, vì dự báo có ít học sinh (HS) lựa chọn môn học này. Dù tình huống này có thể xảy ra nhưng không thể nói là “xóa sổ” môn lịch sử.
Lịch sử được học xuyên suốt trong chương trình
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, việc thiết kế chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm của Đảng và Nhà nước, yêu cầu của thực tế, tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế và kế thừa các chương trình giáo dục của VN.
Có nhiều cách dạy học môn sử gây thích thú cho học sinh |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT quy định: “Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).
Việc học và kiểm tra môn lịch sử ở các trường phổ thông rất đa dạng như cho học sinh làm bài thu hoạch, trải nghiệm thực tế, thực hiện các dự án về lịch sử |
ĐÀO NGỌC THẠCH - CLB LQĐ |
Trong đó, lịch sử là nội dung bắt buộc trong 9 năm giáo dục cơ bản. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lý từ lớp 1 đến lớp 5, giúp HS làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử VN và thế giới.
Ở cấp THCS, giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn lịch sử và địa lý, liên tục từ lớp 6 đến lớp 9, giúp HS có được nền tảng kiến thức thông sử của lịch sử VN và thế giới, khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay.
Học xong cấp THCS, HS đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.
Cấp THPT, lịch sử là môn học độc lập, là những chương trình chuyên sâu về lịch sử VN và thế giới. Những HS có định hướng nghề nghiệp liên quan đến sử và thích học sử sẽ chọn môn học này.
Như vậy, giáo dục lịch sử cho HS được thực hiện xuyên suốt trong Chương trình GDPT, chứ không thể nói là “xóa sổ” như dư luận nhìn nhận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có thể không nhiều HS lựa chọn môn học này.
Vì sao học sinh ít chọn môn lịch sử?
Thứ nhất, do ngành nghề liên quan đến lịch sử có ít trong xã hội. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có khoảng 9 - 10% thí sinh dự thi ĐH khối C, trong tổng số nguyện vọng xét tuyển ĐH theo nhiều tổ hợp khác nhau. Trong đó, các ngành sư phạm lịch sử, khoa học lịch sử rất ít HS lựa chọn. HS hiện nay chủ yếu dự thi/xét tuyển khối A, A1, B, D và tổ hợp có ngoại ngữ như văn - sử - Anh, văn - địa - Anh...
Kế đến, chương trình và sách giáo khoa lịch sử đã có nhiều cải tiến song vẫn còn khá nặng về sự kiện và số liệu. Một số GV hay hiệu trưởng trường THPT là GV lịch sử cho rằng kiến thức lịch sử trong chương trình quá tải đối với HS. Ngoài ra, một số vấn đề như: chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa, mở cõi của Nguyễn Hoàng… chưa được đưa vào sách giáo khoa, trong khi báo chí và các phương tiện truyền thông đề cập rất nhiều. Điều này làm giảm hứng thú cho cả thầy và trò. Chưa kể việc giảng dạy lịch sử của một số GV chưa hấp dẫn đối với HS.
Ngoài ra, do đề thi tốt nghiệp THPT môn sử vẫn còn thiên về sự kiện, chi tiết đòi hỏi HS phải nhớ nhiều, trong khi HS rất ngại học thuộc lòng. Kết quả thi tốt nghiệp THPT cho thấy lịch sử luôn là môn có điểm thi thấp nhất trong các môn thi. Trung bình điểm thi lịch sử năm 2017 (4,97 điểm), năm 2018 (3,79), năm 2019 (4,3), năm 2020 (5,19), năm 2021 (4,97) đều rất thấp. Bình quân 5 năm điểm thi môn lịch sử là 4,64, trong khi bình quân 5 năm môn giáo dục công dân là 7,79 điểm và môn toán là 6,11. Theo phản ánh của GV lịch sử, cách ra đề thi tốt nghiệp THPT môn này chưa song hành với đổi mới dạy học, đánh giá ở trường phổ thông. Việc kiểm tra đánh giá môn sử ở trường rất đa dạng như HS làm bài thu hoạch sau tham quan, trải nghiệm thực tế; HS thực hiện các dự án về lịch sử... nhưng khi kiểm tra cuối kỳ phải quay về cách thức như yêu cầu thi tốt nghiệp.
Giải pháp cho dạy và học môn lịch sử
Trước hết, nhà trường, thầy cô và HS nhận thức rằng môn lịch sử có sứ mệnh giúp HS hình thành và phát triển năng lực lịch sử, thành phần của năng lực khoa học, góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung; giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc…
Những vấn đề chưa đầy đủ của lịch sử mà các nhà sử học gọi là “các khoảng trống lịch sử” sẽ được cập nhật, bổ sung một cách khoa học, khách quan, đúng bản chất lịch sử, thời lượng phù hợp trong chương trình GDPT mới, để GV và HS có cơ hội dạy và học, tranh luận hứng thú hơn. Cách tiếp cận lịch sử nên theo phương pháp tiệm tiến, tức là đi từ gần đến xa, từ đơn giản đến phức tạp, từ địa phương đến quốc gia, từ trong nước đến quốc tế. Trước khi dạy lịch sử quốc gia, nên dạy lịch sử địa phương, cho HS tham quan các di tích lịch sử trong vùng, kể chuyện sự tích hay các bậc danh nhân địa phương để hình thành lòng tự hào đối với nơi HS sinh ra và lớn lên.
Việc học sử không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa mà mở rộng thêm nhiều hoạt động khác. Cách tiếp cận lịch sử cũng phải đa dạng, phong phú, đặt ra nhiều vấn đề để HS thảo luận, phản biện, tự mình tìm ra kiến thức. Từng bài học lịch sử cần được tiếp cận với nhiều hướng khác nhau, chắc chắn sẽ là những bài học hấp dẫn.
Nhà trường cần thay đổi hoạt động của các ngày lễ theo hướng tích hợp. Chẳng hạn kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 kết hợp với ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có thể tổ chức cho HS cắm trại 26.3 kết hợp với các hoạt động hướng về Giỗ tổ Hùng Vương...
Cách kiểm tra, đánh giá môn lịch sử phải chú trọng đến cả kiến thức, kỹ năng và thái độ (năng lực) chứ không chỉ tập trung vào ghi nhớ sự kiện, số liệu. Đề thi theo hướng đánh giá năng lực, kiến thức không phải kiểu đánh đố, nhưng HS muốn trả lời chính xác không dễ, phải có tư duy logic, tư duy lịch sử.
Điều quan trọng là GV lịch sử phải sẵn sàng đối diện với thực tế để đổi mới phương pháp, phương thức dạy và học. Vai trò của GV lịch sử cấp tiểu học và THCS rất lớn, không chỉ giúp HS phát triển các năng lực, tư duy lịch sử mà còn tạo sự hứng thú, đam mê của HS đối với môn học này. Tuyển sinh vào lớp 10 THPT, ngoài 2 môn thi bắt buộc là toán và văn, có thể cho HS lựa chọn một trong 2 môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý.
Các nước thực hiện ra sao?
Các nước thực hiện tích hợp môn lịch sử khác nhau.
- Anh duy trì lịch sử là môn học độc lập cho đến lớp 9, sau đó vẫn coi là độc lập nhưng là môn lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp.
- Pháp tích hợp môn lịch sử và địa lý nhưng vẫn coi là môn bắt buộc.
- Nhật Bản là nước tích hợp môn lịch sử vào môn tìm hiểu xã hội từ rất sớm. Hiện nay ở cấp THPT, lịch sử là môn lựa chọn nên có tới 40% HS không học môn này.
- Mỹ và Úc tích hợp nhiều nhất với các phân môn địa lý, kinh tế, giáo dục công dân nhưng càng lên cao mức độ tích hợp giảm đi và sự lựa chọn của HS tăng lên.
Nếu học sinh không chọn môn sử thì học lịch sử ở đâu?
Trong chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2020, có những nội dung liên quan đến lịch sử như: Lịch sử, truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân VN; Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN; Bảo vệ Tổ quốc VN xã hội chủ nghĩa sau năm 1975; Truyền thống và nghệ thuật đánh giặc giữ nước của địa phương.
Đối với môn ngữ văn, HS học lịch sử nước nhà qua các áng văn thơ như: Bài Thơ thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, hay bài thơ về đánh giặc của Quang Trung, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh…
Ở nội dung giáo dục địa phương sẽ có lịch sử truyền thống, văn hóa của địa phương.
Giáo dục lịch sử còn thông qua các hoạt động xã hội ở trường như kỷ niệm các ngày lễ lớn của quốc gia và địa phương…
Bình luận (0)