Lịch sử thành môn học tự chọn từ lớp 10, Bộ GD-ĐT nói gì?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/04/2022 11:28 GMT+7

Xung quanh những tranh luận trái chiều thời gian gần đây khi dư luận “phát hiện” từ năm học tới, môn lịch sử trở thành một trong những môn học tự chọn với lớp 10 cấp THPT, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã lên tiếng giải thích.

Tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo T.Ư sáng nay 19.4, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết theo Chương trình giáo dục năm 2018, môn lịch sử có thế mạnh trong việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống.

Theo Bộ GD-ĐT, cấp THCS tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện

tuệ nguyễn

Trong Chương trình này, trong sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho từng môn học, môn lịch sử được bố trí dạy như sau:

Ở cấp học THCS, giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9), nội dung chương trình cung cấp những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

“Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện”, ông Độ nhấn mạnh.

Ở cấp THPT, giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.

Ở giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).

Bên cạnh đó, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho chương trình địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến đến lớp 12.

Thứ trưởng Độ khẳng định: “Với cách bố trí như vậy, môn lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông”.

Ông Độ cũng viện dẫn Nghị quyết số 29 ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng; Nghị quyết 88 của Quốc hội; Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ,... yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.