Đảm bảo giữ ổn định
Thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 3.8, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26.12.2018 (gọi tắt là CTGDPT 2018) của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT cho biết trước khi ban hành thông tư này, Bộ đã thành lập Ban phát triển CTGDPT, ban phát triển chương trình môn lịch sử và hội đồng thẩm định nội dung điều chỉnh chương trình tổng thể, hội đồng thẩm định chương trình môn lịch sử.
Lịch sử ở cấp THPT là môn bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 |
NHẬT THỊNH |
Theo đó, Bộ đặt ra yêu cầu: điều chỉnh một số nội dung trong chương trình tổng thể và CTGDPT môn lịch sử bảo đảm yêu cầu thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh (HS). Việc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện của CTGDPT 2018.
Môn học lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn khoa học xã hội) trở thành môn bắt buộc. Như vậy, chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; lịch sử; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương.
Không còn tổ hợp môn học lựa chọn
Lịch sử là môn học bắt buộc đối với tất cả HS với thời lượng 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn lịch sử gồm 35 tiết/năm (theo Thông tư 32/2018).
Đáng chú ý, theo thông tư vừa ban hành, Bộ GD-ĐT quyết định điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. HS chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: địa lý; giáo dục kinh tế và pháp luật; vật lý; hóa học; sinh học; công nghệ; tin học; âm nhạc; mỹ thuật.
Theo quy định trước đó, sẽ có 3 nhóm môn học cho phép HS tự chọn (mỗi HS chọn 5 môn trong 3 nhóm này) gồm: nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).
Riêng môn nghệ thuật, gồm 2 phân môn âm nhạc và mỹ thuật, thì HS được chọn một trong hai phân môn (tính là 1 môn). Trừ môn ngoại ngữ, tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi HS sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn. Nếu tính hết các phương án chọn môn học và chuyên đề thì có thể có đến 108 cách lựa chọn.
Với sách giáo khoa lớp 10 môn lịch sử đã phát hành trước khi có sửa đổi này, Bộ GD-ĐT cho rằng việc điều chỉnh chương trình đảm bảo sử dụng được sách giáo khoa lớp 10 đã biên soạn. Giáo viên đã được tập huấn thực hiện chương trình 70 tiết/năm, nên đủ năng lực để dạy 52 tiết/năm (trong số 70 tiết/năm). Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên cốt cán để triển khai tập huấn đại trà.
Đổi mới quay về gần như cũ ?
Hiệu trưởng một số trường THPT cho rằng 9 môn học lựa chọn không chia thành 3 nhóm môn như trước nữa đồng nghĩa với việc không còn chia thành hơn 100 tổ hợp lựa chọn. Nhà trường và HS bắt buộc phải chọn 4 môn trong 9 môn học lựa chọn, cộng với 8 môn học bắt buộc thành 12 môn học bắt buộc. Cơ bản là không thay đổi nhiều so với dạy học chương trình hiện hành, quyền lựa chọn của người học giảm đáng kể. Các trường đã tổ chức tuyển sinh lớp 10, cho HS lựa chọn khi nhập học giờ sẽ phải xây dựng lại kế hoạch và hướng dẫn HS chọn lại.
Các chuyên đề học tập
Thông tư của Bộ nêu: ngoài 4 môn học còn có các chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của mỗi môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp HS tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng… Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, HS chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Ngoài hệ thống các môn học bắt buộc và lựa chọn, còn có 2 môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2.
Bình luận (0)