Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Sở dĩ dự án này bị Chính phủ yêu cầu tạm dừng khai thác vào năm 2011 là do các yếu tố khoa học, kỹ thuật khai thác của chủ đầu tư chưa đảm bảo.
Một người dân ở khu tái định cư xã Đỉnh Bàn (H.Thạch Hà) quay về nơi ở cũ để mượn lại nhà ở, đất nông nghiệp để sản xuất |
PHẠM ĐỨC |
Hiện nay, phía chủ đầu tư mong muốn Chính phủ sớm cho khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê vì đã bỏ một lượng tiền lớn đầu tư cho việc thăm dò. Tuy vậy, theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, công nghệ khai thác mới của TKV đề xuất vẫn chưa rõ ràng, chưa khẳng định được việc khởi động lại dự án có đảm bảo không gây tác động đến môi trường hay không.
Bởi vậy, lãnh đạo Hà Tĩnh và các bộ ngành T.Ư vẫn kiên quyết giữ quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, đề nghị Chính phủ cho dừng dự án để tránh những hệ lụy có thể xảy ra nếu tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, đến nay việc dừng hay tiếp tục dự án vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Khi tôi đến khu vực này để nắm thông tin, phỏng vấn người dân, nơi mà hàng nghìn hộ dân của 5 xã ở H.Thạch Hà tiếp tục phải chịu những hệ lụy mà dự án này gây ra do nằm trong vùng quy hoạch dự án, rất nhiều lời than. Đó là cảnh nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ phải sống chung với nhau trong một mái nhà vô cùng chật hẹp, bức bối nhưng không được tách hộ, cấp đất ở. Trong khi đó, số hộ dân đã được di dời lên khu tái định cư từ mấy năm trước cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy vì không có việc làm do không có đất đai để sản xuất. Đó còn là cảnh người dân nằm trong khu vực mỏ sắt đang “khát” nước sạch do nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn từ việc khai thác mỏ gây ra.
Chính vì vậy, người dân cũng như chính quyền địa phương nơi đây rất mong muốn dừng dự án để phát triển du lịch.
Bình luận (0)