Món quà ánh sáng - Truyện ngắn dự thi của Hiền Dương

16/10/2022 08:30 GMT+7

Đây là một trường hợp rất đặc biệt.

Tôi nhìn đồng hồ. Mười lăm giờ hai mươi bảy phút. Sẽ mất ba mươi phút đến thôn M. Cậu kỹ thuật viên còn khá trẻ nhưng lành nghề đã chuẩn bị xong những y cụ cần thiết. “Tất cả đã sẵn sàng”. Tôi hít một hơi sâu. Lẽ nào mình lại ít can đảm hơn một đứa bé bảy tuổi?

Chiều ấy không lạ hơn những buổi chiều của những ngày giáp tết. Mưa phùn. Chà, tôi ghét kiểu thời tiết này vô cùng. Thứ hạt nhỏ li ti tưởng thoảng lướt như bóng mây, ấy mà chỉ cần hơi chủ quan một chút là thấm ướt vào tận áo lót. Tôi quờ tay lấy áo khoác. Mùa xuân chưa tới nhưng có lẽ vừa đi qua rồi. Cả một con phố dài hun hút bụi sương. Đâu đó vẳng lên bài thánh ca lúc bổng khi trầm, càng khiến tâm trạng người thêm khắc khoải. Đồng sự rì rầm cùng người tài xế nào giá xăng dầu, giá điện, giá nông sản bánh mứt, đến những kế hoạch dài hơi cho đôi ba ngày nghỉ ngắn ngủi, tôi nghe câu được tiếng mất, không mấy bận lòng. À mà cậu ta vừa nói gì kia nhỉ? “Lạ lắm anh ạ, từ đầu đường vào đây người ta bán tuyền hoa cúc, không một cánh hoa đào”.

Căn nhà ẩn sau giàn hoa giấy đủ màu sắc, cửa mở nhưng thăm thẳm buồn. Tôi cùng đồng sự cắp đồ nghề bước qua mấy bụi cúc tần, gia chủ từ cổng chính chạy ra đón chúng tôi, bắt tay tôi rồi không dưng ôm mặt khóc. Tôi vỗ vai trấn an anh ấy, không có gì để phải xấu hổ cả đâu. Tôi biết anh đã khổ sở và chịu đựng nhiều rồi.

Chúng tôi cố bước thật nhẹ lên gác hai. Qua ô cửa thông gió cầu thang, bầu trời giăng mây mù, chưa bớt ảm đạm. Tôi muốn tạm quên những gương mặt rầu rĩ nơi phòng khách bên dưới để hoàn toàn tập trung cho ba mươi phút sắp tới đây. Người đồng sự từ nãy giờ vẫn im lặng bỗng dưng quay phắt sang phía tôi cất giọng khẽ khàng.

“Cô bé đáng yêu quá, cháu đang dẫn đường cho chúng ta lên. Có ba bàn chân trên từng nấc thang một”.

Nếu là ai khác hẳn đã thấy rùng mình trước những lời vừa rồi của cậu đồng sự. Nhưng đâu có gì lạ đối với những người mà số thời gian tiếp xúc người chết còn nhiều hơn cả người sống như chúng tôi. Vô hình trung, chúng tôi đã xem cuộc gặp gỡ và đối thoại với người ở thế giới bên kia là chuyện thường ngày dù chỉ thông qua tiềm thức.

Cánh cửa phòng mở. Người phụ nữ hãy còn trẻ nằm gục bên giường. Bàn tay người mẹ vẫn nắm chặt bàn tay đứa con gái bé bỏng. Hồi chiều này chính người mẹ ấy đã gọi cho chúng tôi. Thật không dễ dàng gì. Như hàng biết bao nhiêu lần đứng trước cánh cửa vào phòng mổ tử thi, chúng tôi đã chứng kiến thân nhân người quá cố lặng từng tiếng nấc. Chúng tôi thường sợ điều đó hơn âm thanh gào khóc, cái sự im lặng mà đau đớn ấy, không hiểu vì lẽ gì.

Trái ngược với người ở lại, kẻ ra đi có vẻ đang thanh thản hơn nhiều. Như lúc này, cô gái bé nhỏ nhảy phốc lên giường, rón rén bước qua cơ thể chính mình, ngồi tựa lưng vào tường, hai tay nhỏ xíu chống cằm, trổ ánh mắt hiếu kỳ về phía chúng tôi. Đôi mắt cô bé đen lay láy, to tròn vừa ngây ngô lại vừa say mê chăm chú. Cảm tưởng cứ nhìn vào đó người đối diện sẽ không cách nào dám hời hợt, phải hết sức nghiêm cẩn đặt tâm trí vào việc mình làm. Có đau lắm không hả bác? Cô bé cất giọng non nớt. Tôi nhoẻn cười, bác sẽ cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể, sẽ không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của cháu đâu.

Cô bé nhìn tôi vẻ tin cậy, nhưng khi tôi đặt túi y cụ xuống, con chim nhỏ che miệng cười khúc khích vì nhìn thấy sự run rẩy rất vi tế từ đôi bàn tay tôi mà nếu là người thường hẳn sẽ khó lòng nhận ra được. Cháu biết nhiều hơn những gì một cô bé bảy tuổi có thể biết từ khoảnh khắc cháu về thế giới bên này. Thực ra cháu không còn biết đau nữa, bác đừng lo cho cháu. Cô bé nói rồi hơi chồm tới, bàn tay nhỏ nhắn đặt lên bàn tay tôi. Một luồng thực khí ấm áp như đang truyền sang tôi, từng chút một.

Người mẹ trở mình, hai mắt đỏ hoe nhìn thẳng tôi như cầu khẩn. Tôi hiểu, không cần phải nói gì với nhau nữa, như thế đã đủ rồi. Chúng ta sẽ làm tất cả để đáp lại sự dũng cảm và tấm lòng nhân hậu của cô bé. Sẽ xong cả thôi. Nhưng có lẽ mười lăm phút sẽ không đủ cho sự nâng niu cuối cùng này.

Người mẹ cúi xuống ôm hôn con gái lần nữa, giọng chị nghẹn ngào. “Con tặng lại ánh sáng cho người khác nhé”. Cô bé mỉm cười ngoan ngoãn gật đầu rồi vòng tay ôm lấy cổ mẹ, hôn khắp gương mặt đã hốc hác đi nhiều từ những chịu đựng, đau đớn và mất mát ngày qua. Người mẹ sững sờ, đôi mắt đờ đẫn. Tôi đứng như mặc niệm. Làm sao nỡ cướp chút thời gian chỉ còn vô cùng ngắn ngủi trước một cuộc chia lìa.

Hôn mẹ lần nữa, cô bé ngọng nghịu: Đợi năm trăm năm nữa mẹ sẽ gặp lại con thôi mà. Cô bé như đã chuẩn bị sẵn sàng cho lời vĩnh biệt, từ từ rời vòng tay khỏi mẹ. Tôi không nhớ đã có câu chuyện cổ tích nào kể về mối nhân duyên sẽ tái ngộ sau một phần hai thiên niên kỷ hay không. Cô bé như lướt thấy ý nghĩ của tôi, gương mặt phụng phịu một chút. Bác ạ, sẽ có một nơi mà người ta vẫn sống sau khi chết cuộc đời thứ nhất để chờ gặp những người mà ta vô cùng thương mến phải vậy không?

Không phải điều mà tôi thực sự nghĩ, nhưng lưỡng lự một chút, tôi gật đầu. Bác tin là có, cháu ạ. Bởi tôi biết chắc ít nhất cô bé sẽ còn sống trong lòng chúng tôi rất lâu về sau nữa.

Đồng sự giúp tôi bày kíp phẫu theo cách đơn giản nhất nhưng vẫn đảm bảo những gì cần làm được diễn ra trơn tru. Bầu không khí lúc này nặng nề hệt như bị nén lại. Tôi đeo găng tay ngồi xuống bên giường. Con chim nhỏ nhìn cơ thể chính mình qua tấm chùng trắng chỉ còn để lộ đôi mắt hãy còn biếc xanh, theo dõi từng nhất cử nhất động.

Chúng ta trò chuyện như thế này không ảnh hưởng đến thao tác của bác chứ? Cô bé hỏi, vẻ trầm tư. Tôi lắc đầu. Cháu biết đấy, tất cả chỉ là tiềm thức. Vậy thì cháu sẽ nói với bác một bí mật. Chúng ta đã từng gặp nhau hồi cháu hãy còn nhỏ, chắc bác đã quên rồi phải không? Tâm tưởng tôi nhắm mắt lại. Không, bác không quên. Trong màn sương ký ức, tôi bắt gặp hình ảnh cô bé lẽo đẽo theo chân mẹ khi ấy vào học tập chuyên sâu tại bệnh viện. Thì ra là cháu. Tôi đưa tay vỗ trán. Trí nhớ đang dần bỏ tôi đi theo tuổi tác tăng dần. Nhưng ánh mắt cô bé thì không. Bởi nó vẫn trong veo như hai giọt nước mưa và ấm áp như một tia nắng buổi sớm.

Hồi bác dạy mẹ cháu giải phẫu, bác có bảo, ai rồi cũng trở thành nắm tro hạt bụi; nhưng vẫn có cách để sự sống được tiếp nối ấy là cho đi phần còn sống trên cơ thể đã chết não của mình. Lúc đó cháu không hiểu lắm, chỉ biết ngồi vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy nháp. Phải nói là buồn chết đi được.

Đó là một cô bé hết sức ngoan ngoãn. Tôi nhớ lại và như nhìn thấy cả những bước chân lon ton chạy quanh khoảnh sân nhỏ xíu trước phòng thực hành khoa. Những buổi học mổ xẻ nồng mùi phoóc-môn và những trận nôn mửa của đám sinh viên mới tập tành làm quen với “trò chơi” thể xác. Những cơ thể mới xinh đẹp đó, sang trọng đó, danh tiếng đó rồi vụt cái trở thành những thực thể mồ côi, xấu xí, thối hôi. Giàu nghèo, cao thấp, hèn sang phút chốc không còn ranh giới nào nữa.

Lúc ấy, cháu không hề sợ gì à? Tôi hỏi. Cô bé nghiêng đầu, giá mà lúc ấy cháu biết thì chắc là cháu sẽ sợ... chút xíu. Cô bé đưa hai ngón tay bé tẹo làm thành một ký hiệu, trông thật tinh nghịch. Nhưng bác ạ, cô bé thoảng buồn, khi cháu đến với thế giới này đây, bác thấy đấy, cháu không hề mang theo gì cả. Để làm gì khi chiếc váy cháu thích cháu không còn mặc được. Đôi giày rất dễ thương cháu cũng chỉ có thể nhìn. Đến món đồ chơi cháu thường chơi cháu cũng không cách nào cầm lấy được. Ở đây không có sợ hãi. Và cháu nhận ra nỗi sợ chỉ đến khi ta giữ vật gì đó bên mình.

Mẹ cháu luôn dạy cháu, cho đi thì còn. Ấy nên cháu đã muốn khi cháu mất khi, những bộ phận vẫn tồn tại và sống trong cơ thể người khác. Nhưng cháu rất lấy làm tiếc khi các bác chỉ chịu nhận mỗi giác mạc từ cháu.

Đây đã là món quà tuyệt diệu nhất mà cháu gửi lại cho thế giới này rồi. Tôi nói. Cô bé có vẻ hài lòng, nheo mắt cười. Chúng tôi cần nhưng không thể lấy hơn từ một cô bé bảy tuổi.

Tròn ba mươi phút và công việc bóc tách giác mạc bệnh nhi qua đời bởi u thần kinh đệm cầu não lan tỏa hiếm gặp hoàn tất. “Chất lượng giác mạc rất tốt anh ạ! Sẽ có hai người sắp tìm được ánh sáng đây rồi”. Tiếng người đồng sự nhũn nhặn. Tôi hướng mắt về phía bức tường. Cảm ơn cháu. Cô bé lắc đầu. Còn một công việc thiêng liêng, tôi nhường cho người mẹ đến vuốt mi mắt con gái. Một lần sau cuối.

“Mẹ tự hào về con”.

Lời người mẹ thật xúc động. Tạm biệt cháu. Tôi nói trong lúc thu dọn y cụ. Chỉ là vài ba thứ rất gọn nhẹ, vốn không mất nhiều thì giờ. Cảm ơn và tạm biệt bác. Những con người thật tốt rồi sẽ còn gặp lại nhau.

Khi tôi bước ra cửa và người đồng sự theo sau, vẫn còn thấy ánh mắt âu yếm của cô bé dặn dò người mẹ. Mẹ nhớ những lời con viết trong tập ghi chú của mẹ nhé. Mẹ đừng buồn nữa vì mẹ sẽ sớm được gặp em. Em sẽ chơi với mẹ, làm mẹ vui... nhưng mẹ hãy đừng quên con nhé!

Tôi bước xuống sảnh trước, mưa đã tạnh, trời đã quang. Đằng đông vén mây, để lộ một mống hình vòm nhiều màu sắc.

Theo lối ấy, có một vì thiên sứ vừa bay về trời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.