“Món quà” cho các đạo diễn trẻ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/10/2022 07:29 GMT+7

Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho biết sẽ còn tiếp tục tổ chức các khóa học để bồi dưỡng kiến thức cho các đạo diễn trẻ.

Chiếc bục xoay và sân khấu quay

Trang Facebook của Nhà hát Kịch VN dành hẳn một bài viết về chiếc bục xoay của vở diễn Người trong cõi nhớ. Theo đó, trong vở diễn này, đạo diễn - NSƯT Trịnh Mai Nguyên đã mang đến một điểm nhấn tinh tế về đạo cụ, đó chính là chiếc bục có cách vận hành tương tự “chiếc đu quay”. Những người ở trong cõi nhớ khi trên bục xoay này đã không thể chạm vào cõi sống như một ẩn dụ âm - dương luôn song hành mà vẫn tách biệt. Bục xoay này còn là ẩn dụ về sự chi phối của bánh xe nhân quả.

Nhà hát Kịch VN tập vở Bến không chồngẢnh: Nhà hát cung cấp

Cũng là quay, sân khấu quay của Nhà hát Kịch Hà Nội lại được sử dụng để mô tả cuộc đối thoại trong tâm tưởng giữa Trương Chi và Mị Nương trong vở Trương Chi - Mị Nương. Họ không đứng đối diện, nhưng tâm tưởng luôn có những đối thoại với nhau và sân khấu quay giúp người ẩn người hiện trong cuộc đối thoại đó. Mặc dù vậy, việc sử dụng sân khấu quay trong vở diễn Trương Chi - Mị Nương này không phải lúc nào cũng thành công. Có những lúc sân khấu quay liên tục chỉ khiến người xem… chóng mặt mà không mang lại được hiệu quả sân khấu gì.

Bục xoay và sân khấu quay, nói cho cùng, cũng chỉ là một phần sân khấu dưới bàn tay đạo diễn. Ở đó, mỗi kịch bản được đạo diễn đọc và “dịch” thành diễn biến. Dấu ấn của họ mạnh đến mức mỗi bản diễn là một lần hồi hộp “đợi màn lên”. Và cũng chính vì thế, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức lớp học bồi dưỡng chuyên môn cho đạo diễn để ươm trồng những thế hệ đạo diễn mới. Giờ đây, những Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang sẽ lùi lại, để nhường thánh đường cho thế hệ mới chỉ đạo. “Các đạo diễn - giảng viên của lớp cùng với Hội Nghệ sĩ sân khấu VN mang đến những bài học cần thiết cho lớp nghệ sĩ trẻ. Sự đồng hành, sánh vai của các lứa nghệ sĩ đem lại những thay đổi đáng để kỳ vọng cho sân khấu VN”, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, nói trong lễ bế giảng khóa học vào ngày 11.10.

Vở Hedda Gabler do đạo diễn Nhật Bản dàn dựng

Những bài học sân khấu

Đạo diễn Nhật Bản Sugiyama vừa dàn dựng xong vở Hedda Gabler từ kịch bản kinh điển của Henrik Ibsen tại Nhà hát Tuổi trẻ. Ông cũng là một trong những giảng viên của lớp đào tạo đạo diễn do Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức trong 2 tuần qua. Vị đạo diễn này chia sẻ: “Cơ hội để các đạo diễn gặp gỡ, trao đổi với nhau không nhiều như chúng ta vẫn nghĩ. Đây là cơ hội để các đạo diễn học tập lẫn nhau. Điều quan trọng là chúng ta truyền tải được những ý tưởng thành hình trong đầu tới các diễn viên”.

Mỗi giảng viên lại có một nội dung bài giảng thú vị. Với PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, đó là cách phân tích kịch bản văn học để từ đó có góc nhìn riêng với nhân vật. Với đạo diễn Nhật Bản Sugiyama, đó có thể là cách dàn dựng một sân khấu với tỷ lệ bất thường và đạo cụ kỳ lạ. Sân khấu dốc là điều ông đã làm với Hedda Gabler và điều đó khiến khán giả cảm nhận rõ đời sống chông chênh của các nhân vật. Đạo diễn Lê Quý Dương cũng là người có khả năng “gói” các ẩn dụ vào đạo cụ, cũng như cắt sửa kịch bản…

NSƯT Trịnh Mai Nguyên, Nhà hát Kịch VN, cho biết bản thân khóa học là một “món quà” mà Hội Nghệ sĩ sân khấu VN dành cho các đạo diễn trẻ. Lớp học có sự kịp thời vì hai nhẽ. Một là học viên đang rất cần học bổ sung kiến thức. Hai là khi đạo diễn Nhật Bản đang ở Hà Nội, cơ hội học tập này cần được tận dụng. “Tôi mong lớp học kéo dài hơn nữa”, NSƯT Mai Nguyên nói.

NSƯT Mai Nguyên cũng cho biết ông rất mong muốn các khóa học sẽ được tiếp tục. Trong quá trình này, các học viên trẻ muốn được theo học những gì mạnh nhất, là sở trường của các đạo diễn đàn anh. Chẳng hạn, theo ông, dàn dựng những hành động nối theo nhau liên tiếp trên sân khấu là một thế mạnh của đạo diễn NSND Lê Hùng. “Không ai qua được NSND Lê Hùng ở khả năng đó, và chúng tôi muốn được anh giảng dạy về điều này”, ông Nguyên chia sẻ.

Một điều thú vị là các đạo diễn trong khóa đào tạo đạo diễn lại làm việc trên nhiều lĩnh vực sân khấu khác nhau: kịch nói, xiếc, rối… Điều này hứa hẹn sự giao thoa giữa các lĩnh vực. Thời gian gần đây, nhiều vở diễn đã kết hợp những loại hình sân khấu này, trong số đó có cải lương kết hợp xiếc, xiếc kết hợp ca múa nhạc… Điều này cho thấy sự quan trọng của tư duy đạo diễn. Họ có thể tạo ra những thế giới nhiều bất ngờ trên sân khấu.

Đạo diễn Nhật Bản Sugiyama cho biết ông trông chờ và cho rằng các đạo diễn tham gia khóa học sẽ trở thành những người gánh vác sân khấu VN tới đây. Trên thực tế, các đạo diễn mà phần nhiều xuất thân từ diễn viên này đang có nhiều cơ hội trên sân khấu. Tại hai nhà hát “anh cả” là Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ, đang thấy dần sự xuất hiện của các đạo diễn trẻ này. Họ tham gia hội diễn cũng nhiều và bắt đầu gặt hái huy chương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.