Món quà ngày Doanh nhân Việt Nam

13/10/2019 07:11 GMT+7

Một cuộc khảo sát bỏ túi với nhiều doanh nhân trước lễ kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004 - 13.10.2019) với cùng câu hỏi “doanh nhân Việt Nam cần gì”, điều bất ngờ là câu trả lời khá giống nhau.

 Họ cần sự ủng hộ của Chính phủ và người tiêu dùng. Sự ủng hộ của Chính phủ, của Đảng, của Nhà nước thông qua việc tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng để doanh nghiệp có thể phát huy hết nội lực, đóng góp và cống hiến cho đất nước.
Họ cần sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước với sản phẩm, dịch vụ trong nước thay vì tâm lý sính ngoại, tâm lý nghi ngờ hàng nội vẫn còn tồn tại ở rất nhiều người. Có thể thấy, những mong muốn, những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước đã thay đổi rất lớn, đã tiến một bước rất dài.
Nếu trước đây, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp chủ yếu xoay quanh việc xin ưu đãi, xin giải cứu, xin cơ chế riêng... thì hiện nay họ tập trung vào những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Nếu trước đây, doanh nghiệp chỉ để ý đến những khó khăn nội tại trong công ty, thì giờ đây, họ quan tâm đến những nút thắt trong môi trường đầu tư nói chung.
Không thể phủ nhận hiện nay rất nhiều sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước không hề thua kém, nếu không muốn nói ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực còn hơn hẳn hàng ngoại. Nếu trước đây, khách sạn 5 sao là sân chơi của khối ngoại thì hiện nay, doanh nghiệp Việt đã sở hữu những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp hàng đầu thế giới. Nếu trước đây, Việt Nam chỉ lắp ráp thì hiện nay, chúng ta đã có thương hiệu ô tô, điện thoại... của riêng mình. Hàng sản xuất ở Việt Nam cũng tỏa đi khắp thế giới, từ thực phẩm, đồ gỗ, dệt may, da giày cho đến hàng công nghiệp, điện tử. Hơn một thập niên trước, ngành bán lẻ trong nước đã từng run sợ trước sự thâm nhập của các "ông lớn" trên thế giới thì hiện nay, không ít thương hiệu đình đám nước ngoài phải rút lui và doanh nghiệp nội đang thống trị "mạch máu" của nền sản xuất trong nước.
Nhắc lại để thấy sự nỗ lực không mệt mỏi, không ngừng nghỉ của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Tất nhiên để có được những thành quả này không thể không nhắc đến những thay đổi mang tính bước ngoặt của chính sách pháp luật. 15 năm qua, vai trò, vị trí, trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân ngày càng được khẳng định. Đầu tiên là quyền tự do kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân được mở rộng. Nếu như trước đây, người dân chỉ được kinh doanh những gì cơ quan nhà nước cho phép thì hiện nay, người dân được kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm. Nếu trước đây, khối tư nhân chỉ là "một bộ phận hợp thành quan trọng" thì năm 2017, lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng trong nền kinh tế tại Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII...
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều rào cản về thủ tục, về chính sách, đặc biệt là các rủi ro pháp lý khiến môi trường kinh doanh thiếu sự ổn định, khiến nhiều doanh nhân chưa dám và chưa thể phát huy hết nội lực của mình.
Một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, ổn định có lẽ là món quà lớn nhất, quan trọng nhất mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mong muốn trong ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.