Khi cử tri lên tiếng

10/10/2019 04:57 GMT+7

Việc cử tri TP. HCM, tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 8.10, lên tiếng yêu cầu xem xét tư cách đại biểu (HĐND TP.HCM) của ông Tất Thành Cang gửi đi một thông điệp chính trị rằng: chính quyền của dân, do dân, vì dân thì dân không nên là “cửa” cuối cùng trong chu trình xử lý cán bộ sai phạm. Cán bộ, trước khi chịu kỷ luật Đảng , phải chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Tháng 12.2018, ông Tất Thành Cang bị T.Ư kỷ luật cách các chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vì những sai phạm rất nghiêm trọng. Như vậy là ông Cang đã không còn được Đảng tín nhiệm. Khi không còn uy tín trong Đảng, mà vẫn là “đại biểu của dân” là một hình ảnh rất phản cảm.
Tình huống này rất giống trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai) trước đây. Tháng 3.2017, bà Thanh với tư cách Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã bị UBKT T.Ư kỷ luật cảnh cáo. Nhưng phải đến hơn 1 năm sau mới tiếp tục thi hành kỷ luật cách các chức vụ trong Đảng và bãi miễn tư cách ĐBQH. Trong hơn một năm đó, dù không còn uy tín trong Đảng, bà Thanh vẫn tiếp xúc cử tri, vẫn giữ vai “đại biểu” của dân.
Phải hiểu rằng, ông Cang hay bà Thanh hoặc nhiều cán bộ bị kỷ luật thời gian vừa qua không chỉ vi phạm kỷ luật Đảng (mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật) thì đương nhiên các vị không còn đủ uy tín và cả tư cách để đại diện cho dân.
Quy trình xử lý kỷ luật Đảng trước khi xử lý các chức vụ bầu cử đang dẫn đến tình huống trớ trêu này; chưa nói đến việc các bước quy trình này lại không kịp thời, đồng bộ. Rõ ràng, không còn uy tín trong Đảng mà vẫn để là đại biểu của dân là rất khó giải thích với cử tri.
Nếu dân thấy cán bộ của họ khi đã sai phạm mà vẫn còn xuất hiện trước dân như trường hợp ông Tất Thành Cang hay nhiều cán bộ khác, chắc chắn họ sẽ không đồng tình. Lúc này không chỉ là uy tín cá nhân của cán bộ không còn để nói công việc của Đảng, để giải quyết công việc của dân mà sự xuất hiện của họ còn làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức.
Làm thân cán bộ, sự nghiệp chính trị được xác lập bằng lá phiếu cử tri thì không có quy trình nào lớn hơn uy tín trước dân. Nếu thấy không còn đủ uy tín thì nên tự rút lui trước khi bị xử lý theo quy trình kỷ luật Đảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.