Phạt để làm gương

07/10/2019 04:38 GMT+7

Các cụ nói "phạt để làm gương", ý là để cho người sau thấy mà sợ, mà tởn, mà không dám vi phạm.

Chậm xử lý “ổ trâu”, “ổ gà” ở đường cao tốc trị giá hàng tỉ USD nhưng chỉ bị phạt... 4 triệu đồng, chuyện tưởng đùa nhưng 100% sự thật ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lại dậy sóng dư luận xung quanh việc phạt cho có, phạt như đùa này.
Thực tế thời gian qua, bất cập của quy định xử phạt, mức phạt cũng như việc "chọn" hình thức xử phạt hành chính đã gây bức xúc cho nhiều người. Ồn ào nhất là vụ xử phạt 200.000 đồng đối với người đàn ông sàm sỡ phụ nữ trong thang máy hồi đầu năm nay. Dư luận lúc đó đã lên tiếng mạnh mẽ, nào là phạt như vậy là xúc phạm nhân phẩm phụ nữ; nào là phạt rẻ thế chẳng khác nào khuyến khích người khác vi phạm. Chẳng biết có đúng thế không nhưng đến tháng 7, một người đàn ông 3 lần sờ ngực phụ nữ trên xe buýt cũng bị Công an H.Thanh Oai (Hà Nội) xử phạt hành chính 200.000 đồng. Mới nhất cuối tháng 9, mức phạt 200.000 đồng này lại được áp dụng với một đối tượng ở Quảng Nam đi xe máy có hành vi sàm sỡ cô gái đang phơi áo quần ngoài đường... Phạt không đủ răn đe nên chẳng ai sợ, chỗ này chỗ kia những kẻ xấu vẫn sàm sỡ và đóng phạt 200.000 đồng.
Trở lại với mức phạt 4 triệu đồng ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tất nhiên chuyện sàm sỡ phụ nữ và ổ trâu trên đường cao tốc chẳng có gì liên quan.
Thế nhưng điểm giống nhau là ở cái mức phạt "cho có" và nguy cơ lây lan sau đó. Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trị giá 34.500 tỉ đồng, tương đương gần 1,5 tỉ USD nhưng nhiều hư hỏng, “ổ voi, ổ gà” gây nguy hiểm cho xe cộ lưu thông, nhất là khi đang mưa gió.
Thế nhưng dù đã được nhắc nhở, Ban quản lý dự án cao tốc này vẫn chậm trễ khắc phục...; cuối cùng thì bị phạt 4 triệu đồng. Phạt thế này chắc chắn sẽ "làm gương" cho các chủ đầu tư, các ban quản lý cao tốc ở những nơi khác. Rằng cứ chây ì, cứ mặc kệ hư hỏng, “ổ voi”, “ổ trâu”... cùng lắm thì cũng chỉ bị phạt vài triệu đồng. Trong khi khắc phục thì tốn tiền hơn nhiều. Thực tế, các công trình đường bộ xuống cấp, hư hỏng, mới đưa vào sử dụng đã nứt, lún đang rất nhiều... Sau vụ phạt 4 triệu đồng ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, rất có thể chúng ta phải đối diện với tình trạng đường sá lồi lõm kéo dài không được sửa chữa vì các chủ đầu tư, các ban quản lý chọn cách chậm trễ, chây ì rồi đóng phạt.
Tất nhiên cơ quan ra quyết định xử phạt có đầy đủ lý do chính đáng cho việc này, đó là áp dụng đúng quy định xử phạt hành chính. Nhưng thực tế cùng lỗi này, cũng có khá nhiều hình thức răn đe khác nhau. Có dự án chậm sửa chữa đường hỏng, bị kiến nghị dừng thu phí; có dự án kiến nghị "cấm cửa" nhà thầu... Cũng như tội sàm sỡ, có nơi phạt 200.000 đồng nhưng cũng có người bị phạt hàng chục triệu. Có vẻ như phạt cũng "nhìn mặt".
Các cụ nói "phạt để làm gương", ý là để cho người sau thấy mà sợ, mà tởn, mà không dám vi phạm. Nếu quy định xử phạt không đáp ứng được yêu cầu này thì phải sửa, phải điều chỉnh, phải đề xuất các biện pháp mạnh tay hơn chứ không chỉ "đúng quy định" là xong như thế này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.