Phép ngụy biện

09/10/2019 04:49 GMT+7

Trong báo cáo với Chính phủ, UBND tỉnh lại ngụy biện rằng cái nhà nghỉ 7 tầng chính là điểm dừng chân phục vụ du khách tại Mã Pì Lèng theo yêu cầu của Tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Trước câu hỏi của báo chí về việc tại sao một công trình 7 tầng giật cấp với lối kiến trúc thô kệch, phá vỡ cảnh quan như Mã Pì Lèng Panorama lại có thể mọc lên chễm chệ ngay trên ngọn đèo đẹp nhất của cao nguyên đá Đồng Văn, ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND H.Mèo Vạc,viện dẫn cái thế huyện này phải ưu tiên “kêu gọi đầu tư”.
Dù không nói ra trực tiếp, nhưng cách trả lời của ông Cường cho thấy có phần “biết ơn” và muốn bảo vệ doanh nghiệp tư nhân đã đứng ra xây dựng công trình này cho địa phương (trong khi địa phương muốn xây nhiều năm nhưng không có kinh phí).
Hôm qua, trong báo cáo với Chính phủ, UBND tỉnh lại ngụy biện rằng cái nhà nghỉ 7 tầng ấy chính là điểm dừng chân phục vụ du khách tại Mã Pì Lèng theo yêu cầu của Tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu trước đó!
Thật ra, lời ngụy biện “thu hút đầu tư”, “phục vụ người dân thuận tiện tham quan”… xem ra không phải là mới. Cũng bằng lý lẽ và những “thao tác” như thế, rất nhiều cơ quan hữu trách ở các địa phương trên đất nước này đã bức tử nhiều tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn một cách oan uổng.
Những bản quy hoạch bỏ qua khía cạnh giá trị di sản để có thể “rước” những nhà đầu tư “cá mập” đến, biến đổi cảnh quan văn hóa, những dự án chướng tai gai mắt mọc lên ngang nhiên chiếm lấy công sản lại được chính quyền địa phương đứng phía sau bảo vệ bằng lập luận của kẻ có quyền trong khi các cơ quan quản lý chuyên môn ở trung ương thì im tiếng khó hiểu. Không chỉ ở vùng sâu vùng xa như Mèo Vạc, mà thực tế trên còn ở những thành phố lớn, đặc biệt, những vùng du lịch phát triển.
Nhìn rộng ra, cơn lốc đầu tư du lịch chà đạp trên các giá trị tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa đang tạo ra một thứ cảnh quan xây dựng kiến trúc hoang dã, hỗn loạn ở Đà Lạt, Sa Pa… và bây giờ đến cao nguyên đá Đồng Văn. Sự nhốn nháo đó không cho thấy gì ngoài tầm nhìn thực dụng đoản hạn trong quản lý phát triển, mặc báo chí nhiều lần cảnh báo rằng, liệu du khách có còn đến Sa Pa, Đà Lạt hay Đồng Văn, Mèo Vạc nếu một ngày, những nơi này đánh mất vẻ đặc thù của cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, kéo theo đó là những biến đổi về khí hậu? Câu hỏi “liệu ai có thể trả về những gì đã mất?” cũng sẽ không tìm thấy được câu trả lời khi mọi chuyện được đặt vào “thế đã rồi”.
Các nhà đầu tư vì nguồn lợi trước mắt, có thể làm liều, bất chấp. Nhưng bản thân những cơ quan quản lý, giám sát chuyên môn ở địa phương phải nhìn thấy được bản chất và định hướng phát triển bền vững, không thể trải thảm “tiếp đón” nhà đầu tư bằng mọi giá.
Ngoài ra, có một điều đáng lo hơn, đó là trong cuộc chạy đua có tên “thu hút đầu tư”, chẳng mấy lãnh đạo và cơ quan thẩm định chuyên môn ở các địa phương đủ tâm và tầm để biết chọn lựa phát triển bền vững. Sự hào nhoáng của những thành tích trên báo cáo “thu hút đầu tư” hằng năm của địa phương cộng với rất nhiều khả năng chia sẻ lợi ích qua các dự án, họ dễ dàng bỏ qua cơ chế sàng lọc và thẩm định minh bạch. Họ dễ dàng bị các nhà đầu tư dẫn dắt vào ma trận của tư lợi trước mắt.
Công trình Mã Pì Lèng Panorama đang thu hút sự chú ý của dư luận. Đó là một dẫn chứng tiêu biểu trong bức tranh chung về quản lý đầu tư du lịch thiếu trách nhiệm với cộng đồng và tương lai phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước.
Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đang bị xử bạc. Và còn bị xử bạc bằng tham vọng và tư duy thiển cận như vậy đến bao giờ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.