Thầy Bình sống một mình. Trước đây thầy từng có một gia đình nhỏ, nhưng hai vợ chồng thầy không có con. Ở với nhau gần chục năm, vợ thầy đổ bệnh rồi mất. Thầy không đi bước nữa mà cứ tiếp tục sống như vậy tới bây giờ.
Lớp học thân yêu của thầy Bình |
tgcc |
Thầy Bình hiền và rất yêu trẻ con. Thầy là giáo viên cấp 1 tại một trường tiểu học gần nhà. Sau khi vợ mất, thầy tiếp tục dạy thêm vài năm rồi xin nghỉ hưu sớm. Người ta ai cũng tiếc cho thầy vì thầy là một giáo viên dạy giỏi, có tâm huyết. Có lẽ, thầy là người hiếm hoi khiến cho các học sinh ở độ tuổi đó ấn tượng lâu dài. Là bởi, nhiều người sau này thành đạt vẫn tìm thăm lại người thầy năm xưa dạy họ những con chữ đầu đời. Mấy chục năm dạy học, tài sản lớn nhất của thầy là chiếc xe Dream đã cũ. Thầy thường hay cười và tự hào vì nó là thứ đã gắn bó với thầy suốt từ thời tuổi trẻ với nhiều hoài bão, khát vọng.
Về hưu, thầy có nhiều thời gian hơn để thực hiện những dự định còn dang dở. Lúc trẻ, thầy từng mong sẽ đem con chữ đến cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, địa vị, tuổi tác. Cái thời mà một cậu sinh viên vừa tốt nghiệp trường sư phạm thành phố trở về quê hương lập nghiệp với nhiều dự định. Rồi vòng xoáy “cơm, áo, gạo, tiền” đã làm giấc mơ đó tạm gác lại. Trong suốt nhiều năm, nó không mất đi mà vẫn luôn trong suy nghĩ của thầy. Đến một ngày, những người dân trong xóm Chợ Chiều thấy ông thầy giáo về hưu xin được ở đâu những bàn ghế cũ. Rồi thì giấy tập, bút viết, bảng đen, phấn trắng xuất hiện trở lại trong căn nhà đã lâu không có tiếng giảng bài. Bà con làng xóm lại hỏi thăm. Thầy Bình cười và nói về những dự định ngày trẻ. Thầy muốn trở lại với nghề.
Nhưng, trở lại với nghề thì học sinh của thầy sẽ là những ai? Đó là điều đã được thầy dự định từ trước. Mấy năm trước đây khi còn đi dạy, thầy thường xuyên tham gia làm thiện nguyện cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi trong vùng. Có lần, thầy hỏi bọn trẻ về những ước mơ. Chúng chỉ ước mơ một điều giản dị: được đi học, được biết chữ như mọi người. Trông những ánh mắt hồn nhiên ngây thơ ấy, thầy lóe lên một dự định mà cũng là thiêng chức cao cả mà cả đời mình theo đuổi. Ngày hôm nay, thầy sẽ thực hiện điều đó.
Từ trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi đến lớp học thầy Bình chỉ cách nhau một con đường nhỏ. Cứ sáng đến, quản sinh lại dắt các bạn nhỏ đến lớp học của thầy. Có những bạn chỉ 7, 8 tuổi. Cũng có những bạn đã lớn, “dư tuổi” vào cấp hai. Nhưng số phận không được may mắn như những bạn đồng trang lứa. Thầy Bình dạy từ những điều căn bản nhất. Từ học đếm số, học bảng chữ cái, đánh vần,…Có những bạn tiếp thu rất nhanh, thầy dạy chỉ một loáng sau là có thể hiểu được ngay. Nhưng cũng có những bạn không thể nhớ nổi con số, mặt chữ nên cáu kỉnh, vò đầu bứt tai thường xuyên. Thầy cười, kiên nhẫn giảng lại từng chút một cho bạn nào chưa hiểu.
Thầy Bình đưa cả lớp đi nhận thưởng cuối năm |
tgcc |
Lớp học cứ trôi qua những ngày như thế. Cho đến tầm một tháng sau, bên ngoài cửa lớp xuất hiện thêm những gương mặt lạ. Một bọn nhóc không biết từ đâu đến, đầu tóc lấm lem, tay chân đen nhẻm nhưng đôi mắt sáng trưng. Chúng chen nhau đứng trước cửa lớp, mắt nhìn về phía bảng đen thầy đang viết chữ. Thầy Bình thấy thế liền quay ra, hỏi thăm bọn nhóc lạ mặt này. Té ra chúng là con cái của những hộ dân hẻm kế bên, có đứa từ cả xóm khác. Chúng theo cha mẹ bán vé số ở khu gần đây mà có dạo thầy đã gặp. Nhưng không ngờ hôm nay bọn chúng lại tìm đến thầy. Không hẳn, là bọn chúng tìm đến con chữ.
Vậy là lớp phải kê thêm mấy dãy bàn mới. Sống kham khổ là thế, nhưng khi học tụi nhỏ rất nghiêm túc. Tụi nhỏ thích cách dạy của thầy Bình. Một phần vì kinh nghiệm đã qua giúp thầy có phương pháp dạy thích hợp với bọn chúng. Lớp chỉ học một buổi. Tới chiều thầy cho nghỉ, cả bọn đứa thì về lại trung tâm đứa thì lại tất tả ra đường phụ ba mẹ bán vé số, bán rong.
Thầy thường hay tổ chức những hoạt động trong lớp. Có lần thi kể chuyện, thầy ra đầu đề về món quà trong mơ của từng đứa. Tụi nhỏ tủm tỉm cười. Được nói ra điều mình thích, còn gì bằng. Có đứa muốn một hộp bánh Choco-pie. Có đứa lại muốn được một lần mua vé vào công viên một cách đường hoàng không phải đi chui. Có đứa lại ước rằng có đủ tiền để mua thuốc tốt cho mẹ đang điều trị ung thư. Từng món quà trong mơ được nói ra đó, thầy Bình cho tụi nhỏ ghi hết vào những lá thư. Đứa nào chưa biết chữ thì để đứa biết chữ ghi dùm. Rồi cả lớp cầm những lá thư đó bỏ vào một thùng thư được thầy đặt ngay ngắn ở lối vào. Thầy nói, một ngày nào đó, những tâm nguyện của tụi nhóc sẽ được thực hiện. Chỉ cần các con tiếp tục viết tiếp ước mơ.
Có một điều trong suốt quãng đời dạy học mà thầy Bình muốn tránh gặp. Đó là những buổi chia tay. Từ lớp chủ nhiệm đầu tiên cho đến ngày cuối cùng còn đứng lớp ở mái trường tiểu học, thầy đều ghi nhớ. Với lớp học đầu tiên này cũng vậy, thầy biết rồi sẽ tới lúc. Nhưng điều thầy băn khoăn là tụi nhỏ sau này sẽ thế nào. Liệu có một tương lai nào tốt hơn mà thầy có thể giúp bọn chúng?
Hôm nay là buổi học cuối. Thầy Bình không kiểm tra bài như thường lệ, chỉ hệ thống lại những phép tính, những bài tập đọc đã học qua cho tụi nhỏ. Những gương mặt thân quen ấy ngày hôm nay vẫn nhìn thầy bằng đôi mắt long lanh đầy kính mến. Bọn chúng hú hí ở phía sau nhiều hơn mọi ngày. Thầy gõ khẽ viên phấn lên bảng, yêu cầu cả lớp trật tự. Nhưng được một lúc, đã thấy Huy – lớp trưởng và cũng là học sinh “nhiều tuổi” nhất lớp, đứng lên. Nó thay mặt cả lớp để nói lời cảm ơn thầy Bình. Không có thầy, cuộc sống của những đứa nhỏ bán rong như tụi nó bớt ý nghĩa đi rất nhiều. Nói đoạn, nó giơ tay bắt nhịp cho cả lớp đồng thanh: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi,…”. Thầy Bình xúc động. Tụi nhỏ đem từ dưới lớp lên một hộp quà nhỏ trao tận tay thầy Bình, còn cẩn thận dặn thầy tụi nó về rồi thầy mới được mở.
Chiều hôm ấy, bà con trong xóm thấy thầy Bình bắt đầu sơn sửa lại lớp học. Có vẻ như, ngày mai lớp học ấy sẽ lại sáng đèn. Nó sẽ lại tiếp tục sứ mệnh đi gieo con chữ cho những trẻ em nghèo luôn khao khát đến trường. Ở trong căn phòng đó, người ta thấy một hộp quà đã mở. Bên trong là cuốn sổ tay ghi lại những dòng lưu bút của tất cả học trò khóa đầu tiên. Và trên tường, thầy Bình đang dán cẩn thận hình vẽ tập thể lớp mà bọn nhóc đã tặng thầy. Niềm hạnh phúc đó, với thầy, không gì đánh đổi được.
Bình luận (0)