Cô giáo của những lớp học "đặc biệt"
Bước vào lớp học văn hoá (Dự án Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ của Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em) ở số nhà 17, ngách 4,ngõ 163 Nguyễn Khang, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi bị thu hút bởi tiếng giảng bài truyền cảm của một cô giáo trẻ tầm 25 tuổi.
Lớp học chỉ vỏn vẹn 5 học sinh từ 12 - 15 tuổi. Các em đang nắn nót cố gắng viết từng con chữ. Nhẹ nhàng đi về phía cuối lớp, chúng tôi ngồi theo dõi tiết học, cô giáo ân cần đi từng bàn, cầm tay chỉnh chữ cho từng em. Được chừng khoảng 10 phút, bỗng một em đứng bật dậy hét lớn, cô giáo vội vàng đến gần an ủi, dỗ dành; em bình tĩnh trở lại và tiết học tiếp tục diễn ra.
Cô Thảo ân cần cầm tay chỉnh chữ cho từng học sinh |
qv |
Hết tiết học, chúng tôi tiến lại phía cô để trò chuyện. Cô Thảo kể, mỗi lớp học chỉ có 3 - 5 em, nhưng mỗi em lại có tính cách khác nhau, một biểu hiện đặc biệt. Có em cả ngày cười không ngớt, có em lại thờ ơ vô cảm, có em tăng động, có em chậm nói… Do đó, với mỗi em, cô Thảo phải có những phương pháp giáo dục đặc biệt, khác nhau để vừa truyền đạt kiến thức văn hoá, vừa giáo dục hành vi, vừa động viên, vỗ về học sinh.
Cô Thảo tâm sự: “Các bạn ở đây tuổi thì từ lớp 1 đến lớp 5, nhưng chương trình học chỉ lớp 2 thôi. Vì các bạn đặc biệt nên tôi gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giảng dạy, tôi phải nói đi nói lại nhiều lần thì các bạn mới có thể nhớ được kiến thức đã học”.
Tại lớp học vẽ, các em được thoả sức sáng tạo trên các chất liệu từ giấy; túi xách từ cỏ bàng, cói;… đến cả những tấm gỗ |
QV |
Ngước nhìn tấm biển “Lớp học kỹ năng”, chúng tôi tò mò với sự yên tĩnh khác lạ. Mở cửa bước vào, lớp học chỉ có 2 học sinh đang chăm chú vẽ tranh và gấp giấy. Cô Trang (một giáo viên trẻ tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, đã quyết định ở lại gắn bó với dự án sau khi thực tập) đang đứng lớp. Cô Trang chia sẻ, 2 học sinh này khả năng giao tiếp kém, chậm hơn nhiều so với các bạn nên phải kèm riêng.
Nhắc về những kỷ niệm với nghề, cô Trang vui vẻ: “Các em đáng yêu, tình cảm lắm. Chỉ cần yêu nghề, yêu trẻ cùng với kiến thức chuyên môn thì khó mấy cũng vượt qua được. Có em còn đấm thẳng vào ngực tôi, tím hết ngực. Nhưng đó không phải vì các em nghịch hay ghét cô mà đó là hành động thể hiện tình yêu đối với cô. Do các em không nói được nên biểu hiện bằng hành động”.
Ngày nhà giáo Việt Nam: bà Sáu Thia - Cô giáo không bục giảng |
Tham gia vào các lớp học “đặc biệt” tại trung tâm, được tiếp xúc với các cô giáo, các em học sinh, chúng tôi cảm nhận được sự ấp áp, tình yêu thương, sự hy sinh và sự hết lòng vì các em. Tại đây, các em được học, được vui chơi, được thoả sức làm những điều mình thích, được giáo dục, được quan tâm, được chia sẻ và hơn hết là được tôn trọng, phát triển năng khiếu riêng của bản thân.
Trò chuyện với chúng tôi, T., một chàng trai 22 tuổi, học tại trung tâm được 1 năm, phấn khởi khoe: “Các bạn ở đây đoàn kết lắm. Chúng em vui lắm, cùng nhau học, làm sổ, làm cột tóc”. Vừa khâu sổ, T. vừa chỉ cho chúng tôi những thành phẩm T. cùng các bạn làm ra, trên gương mặt của cậu thanh niên ấy là một niềm vui, niềm tự hào khó tả.
Sự tiến bộ của các con là món quà vô giá
Những ngày cận kề 20.11, không khí lớp học đặc biệt cũng không mấy nhộn nhịp hơn ngày thường. Với cô Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc Dự án Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ - người mà được các em gọi tiếng “mẹ”, kể: “Buổi sáng khi nhìn thấy tôi đến lớp, các con chạy lại khoe thành phẩm đứa thì tranh vẽ, đứa thì thiệp. Có con không nói được thì chỉ tay vào thiệp với những nét chữ nguệch ngoạc có lời chúc: Nhân ngày 20.11 Nhà giáo Việt Nam con chúc cô Hương mạnh khoẻ phải xinh đẹp. Đáng yêu vô cùng!”.
Đôi khi những món quà tưởng chừng đơn giản nhưng là cả sự cố gắng của các em và cũng là những món quà ý nghĩa nhất đối với các cô giáo “đặc biệt” này.
Bên cạnh học văn hoá, kỹ năng, học nghề, tại Dự án Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, các em còn được dạy cách tái chế để bảo vệ môi trường. Các em có thể tự kiếm tiền từ các sản phẩm tái chế của mình bằng cách trưng bày tại các gian hàng, bán trên các mạng xã hội…
Các học sinh đoàn kết cùng nhau làm việc, mỗi bạn một công đoạn |
qv |
Chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy sự sáng tạo của các em qua từng sản phẩm. Từ những mảnh vải vụn từ các nhà may, các em dùng để bọc bìa sổ, làm thành những dây buộc tóc xinh xắn; các vỏ chai nhựa đã qua sử dụng được các em cắt, trang trí thành những ống đựng bút, chậu cây…
Ấn tượng hơn bởi những bức tranh với các chủ đề, màu sắc, kích cỡ và chất liệu khác nhau. Có em thì vẽ trên giấy; có em vẽ trên những chiếc túi được làm từ cỏ bàng, cói; có em vẽ trên những tấm gỗ;… cùng với những thông điệp ý nghĩa. Cô Hương cho hay, tất cả các hoạt động tại trung tâm đều hướng tới bảo vệ môi trường, dạy cho các em biết về tái chế là việc làm thiết thực để các em hoà nhập “xanh”.
Anh N.V.Hiếu, một phụ huynh có con là trẻ tự kỷ, cho biết: “Tôi rất thấu hiểu sự vất vả của các cô giáo với các học trò đặc biệt này. Tôi luôn ủng hộ các sản phẩm do các cháu làm ra, nhất là các sản phẩm tái chế. Đây là cách giáo dục rất mới”.
Dự án Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ được triển khai từ cuối năm 2018, là dự án phi lợi nhuận của Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em. Hiện tại trung tâm có 17 - 20 em học sinh với độ tuổi từ 12 - 22 tuổi và có 6 giáo viên luân phiên giảng dạy tại các lớp học: văn hoá, kỹ năng, học nghề, vẽ, pha chế.
Bình luận (0)