Mong con cao khỏe: Bố mẹ chi tiền triệu cùng con học trượt patin

Lê Cầm
Lê Cầm
13/07/2023 04:08 GMT+7

19 giờ tại sân Trung tâm Thể dục thể thao quận Gò Vấp, TP.HCM, vợ chồng anh Diệp Thanh Nghĩa (50 tuổi, ngụ phường 14, quận Gò Vấp) lần lượt mang giày và trang bị bảo hộ gối, đầu, cổ tay chân cho hai con 5 tuổi và 8 tuổi để chuẩn bị học trượt patin.


Bố mẹ chi tiền triệu học trượt patin để mong con cao khỏe

Vừa vận động, vừa tránh xa điện thoại 

Anh Nghĩa cho biết vợ chồng anh đã cho 2 con đi học trượt patin được 3 tháng. Chi phí giày cho mỗi bé là 2,5 triệu, thêm các dụng cụ bảo hộ là 500.000 đồng, học phí tháng đầu mỗi bé là 1.500.000 đồng, các tháng sau ở mức 500.000 đồng. Vợ chồng anh ước tính tốn khoảng gần 5 triệu đồng để đầu tư cho một bé khi bắt đầu học trượt patin, những tháng sau thì chi phí thấp hơn.

"Nhưng chi phí là hợp lý bởi lẽ mong muốn của vợ chồng là cho hai con làm quen với một bộ môn thể thao phù hợp giúp bé nhanh nhẹn khỏe mạnh, cao lớn, chắc khỏe. Các bé được vận động linh hoạt, tránh xa được tivi, điện thoại, iPad là điều quá tuyệt vời", anh Nghĩa bộc bạch.

Mong con cao khoẻ, linh hoạt: Bố mẹ chi tiền triệu cùng con học trượt patin - Ảnh 1.

Các bé luyện tập trượt patin tại Trung tâm Thể dục thể thao quận Gò Vấp

LÊ CẦM

Tương tự anh Châu Huy Cường (38 tuổi, ở phường 14, quận Gò Vấp), cha bé Châu Huy Nhật, cho biết anh đã cho con đi học trượt patin được hơn 1,5 năm. Từ những ngày đầu làm quen, bé nhút nhát sợ té ngã, đến nay bé đã thành thục và tham gia vào đội tuyển năng khiếu của quận Gò Vấp dự thi giải toàn quốc.

"Khi bắt đầu học, con nặng 40 kg cao 141 cm, sau 1,5 năm học thì giờ con nặng 49 kg, cao lên 151 cm, người săn chắc hơn", Huy Nhật chia sẻ.

Mong con cao khoẻ: Bố mẹ chi tiền triệu cùng con học trượt patin - Ảnh 2.

Huấn luyện viên Lý Trường Vũ theo sát trẻ trong quá trình tập patin

LÊ GIA HUẤN

Học trượt patin có khó không?

Huấn luyện viên Nguyễn Vũ Hoàng Khanh, Trưởng câu lạc bộ Roller Sport (Patin) Gò Vấp, cho biết trung bình mỗi buổi có khoảng 40 bé đến học và tham gia tập luyện trượt patin. Câu lạc bộ được thành lập chính thức được gần 3 năm theo quyết định của Trung tâm Thể dục thể thao quận Gò Vấp với khoảng 100 bé sinh hoạt thường xuyên. 

"Thông thường cả trẻ và phụ huynh đều sợ té ngã khi học bộ môn này. Tuy nhiên trước khi học các bạn đều được trang bị bảo hộ và được hướng dẫn té, ngã có kỹ thuật. Tức trong trường hợp không giữ được thăng bằng thì sẽ để cơ thể ngã sao cho tiếp đất an toàn", anh Khanh phân tích.

Trung bình các bé sẽ mất 1-2 tháng để làm quen với việc giữ thăng bằng đi đứng trên giày, sau đó khoảng 3 tháng các bé sẽ thành thục hơn. Khó khăn nhất với các bé khi mới bắt đầu học trượt patin là cần vượt qua tâm lý sợ hãi, khi trẻ quen với giày, nắm vững kỹ thuật té ngã thì sẽ tự tin hơn.

Mong con cao khoẻ, linh hoạt: Bố mẹ chi tiền triệu cùng con học trượt patin - Ảnh 3.

Huấn luyện viên Nguyễn Vũ Hoàng Khanh trao đổi với bé Châu Huy Nhật về một số kỹ thuật trước khi tập luyện

LÊ CẦM

Lợi ích của trượt patin 

Huấn luyện viên Nguyễn Vũ Hoàng Khanh cho biết, ngoài những lợi ích như rèn luyện cơ cánh tay và chân, tăng chiều cao, thì trượt patin còn giúp trẻ tăng khả năng giữ thăng bằng, khả năng tập trung, hòa nhập với bạn bè...

ThS-BS Nguyễn Xuân Hảo, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết trẻ trượt patin thường xuyên phải sử dụng cơ bắp chân và khớp gối, khớp bàn chân. Điều này giúp các cơ và khớp được kích thích thường xuyên, trở nên linh hoạt hơn, xương phát triển thuận lợi, chiều cao tăng nhanh.

Ngoài ra, khi chơi patin, cơ xương khớp được vận động liên tục, cơ thể trở nên dẻo dai, giúp cơ thể săn chắc cũng như tăng quá trình trao đổi chất giúp trẻ ăn ngon miệng hơn nhờ vậy sức khỏe cũng tốt hơn.

"Tuy nhiên thời gian vận động sinh hoạt cần được sắp xếp hợp lý khoa học. Việc tập luyện cần đảm bảo đúng kỹ thuật có sự giám sát của huấn luyện viên để đảm bảo an toàn cho trẻ", bác sĩ Hảo khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.