Trong một báo cáo mới đây gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Liên quan vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay dữ liệu cá nhân của khoảng hơn 2/3 dân số VN (hơn 68 triệu người sử dụng internet) đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên internet với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.
Đủ kiểu xâm phạm dữ liệu cá nhân
Mới đây, ngành công an triệt phá nhiều vụ mua bán trái phép thông tin cá nhân, phơi bày thực tế là hàng triệu thông tin cá nhân đã bị thu thập, phát tán khắp nơi. Bạn đọc (BĐ) Khuôn Việt đặt câu hỏi: "Nguồn dữ liệu khổng lồ như vậy ở đâu mà có? Bị mua bán dễ dàng như vậy là do bị tuồn ra hay do kẽ hở bảo mật thông tin?"…
Phân tích thêm về tình trạng dữ liệu cá nhân bị xâm phạm, mua bán tràn lan hiện nay, BĐ Minh Nghĩa viết: "Tôi thấy hiện nay việc thu thập dữ liệu thông tin cá nhân trở thành một chiến lược marketing mà hầu hết doanh nghiệp đều theo đuổi. Điều này tất yếu dẫn đến một thị trường mua bán dữ liệu cá nhân".
Không chỉ từ các giao dịch trên internet mới có nguy cơ rò rỉ dữ liệu, nhiều BĐ lưu ý tình trạng dữ liệu cá nhân còn bị "bên thứ ba khai thác sâu". BĐ Thanh nêu: "Tôi lãnh lương qua ngân hàng nhưng bên công ty nọ lại biết rành rành mức lương, chức vụ, công ty nơi làm việc của tôi, rồi nhắn tin mời gọi cho vay...". Tương tự, BĐ hai tran van bức xúc: "Ngày xưa muốn biết được thông tin và số chứng minh thư đâu phải dễ. Giờ mình mua bán hay sử dụng bất cứ dịch vụ gì là y rằng hôm sau có người gọi điện chào mời các dịch vụ khác, mà thông tin cá nhân họ đọc vanh vách".
Tự bảo vệ và được bảo vệ
Phát biểu trên Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, nhận xét Hiến pháp, bộ luật Dân sự, bộ luật Hình sự và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã quy định khái quát về quyền bất khả xâm phạm đối với quyền cá nhân, thông tin bí mật đời tư của cá nhân, cách thu thập xử lý thông tin cá nhân, chế tài xử phạt..., nhưng vẫn chưa đề cập, cập nhật đầy đủ các nội dung liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đa số BĐ đều tin tưởng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân nếu được chính thức áp dụng từ 1.7 thì sự phiền toái về những cuộc gọi "đọc vanh vách thông tin cá nhân" sẽ không còn tồn tại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong khi người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt…
Nhắc đến ý thức "tự bảo vệ mình", BĐ Tường Lan chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: "Tôi chỉ cung cấp thông tin nếu đó là yêu cầu bắt buộc khi làm việc với cơ quan chức năng, hoặc khai báo dịch vụ công. Còn ra cửa hàng mua sữa cho con, các bạn bán hàng có hỏi số điện thoại, tôi cũng đều từ chối, bảo là không cần đâu". Tương tự, BĐ Hoang Van cho biết: "Hầu hết khi giao dịch hiện nay người cung cấp đều xin thông tin cá nhân, thậm chí còn đưa ra "miếng mồi" khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng… để thu thập. Tuy nhiên, tôi không bao giờ cung cấp để tránh phiền phức".
Trong khi đó, BĐ Pham lankhanh lại cho rằng trước nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân, người dân "cần được bảo vệ trước khi tự bảo vệ". "Tốt nhất là song song cả hai, vì công cụ quản lý Nhà nước phải mạnh mẽ hơn năng lực người dân nhiều chứ", BĐ này ý kiến.
Mấu chốt vấn đề này vẫn là một hành lang pháp lý để bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân. Có vẻ như hành lang pháp lý chạy chưa kịp diễn biến chóng mặt của thực tế cuộc sống.
Tuấn An
Chúng ta đang hướng đến xã hội số, công nghiệp 4.0 và hơn thế nữa, nên cơ quan chức năng phải ngăn chặn, xử lý kịp thời, công khai cho mọi người biết những trường hợp xâm phạm dữ liệu cá nhân và biện pháp xử lý để răn đe, cảnh giác. Mỗi cá nhân cũng phải biết tự bảo vệ dữ liệu của mình.
Nhat 490
Bình luận (0)