Báo The Times of Israel hôm qua 2.5 đưa tin Hamas có vẻ không chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin mà Israel đã bật đèn xanh, nhưng việc đàm phán vẫn tiếp tục và lực lượng tại Dải Gaza sẽ sớm có phản hồi.
Chưa có gì chắc chắn
Thỏa thuận do các bên trung gian gồm Qatar, Ai Cập và Mỹ đề xuất đã được gửi đến Hamas vào cuối tuần qua. Theo đề xuất, các bên ngừng bắn trong 6 tuần, Israel dần rút khỏi Dải Gaza để cho phép hàng viện trợ nhân đạo được đưa đến và dân thường Palestine quay về nhà. Hamas sẽ thả ít nhất 33 con tin để đổi lấy tù nhân người Palestine đang bị giam trong các nhà tù của Israel, với số lượng nhiều hơn gấp hàng chục lần. Sau khi hoàn thành giai đoạn này, các bên mới bắt đầu bước thứ hai của thỏa thuận là khôi phục "sự yên bình bền vững" tại Dải Gaza.
Reuters ngày 2.5 đưa tin nội các chiến tranh của Israel sẽ được triệu tập vào tối cùng ngày (giờ địa phương) để thảo luận các bước kế tiếp của việc đàm phán giải cứu con tin tại Dải Gaza cũng như kế hoạch tấn công trên bộ tại khu vực miền nam vùng đất này. Nội các an ninh với nhiều thành viên hơn sẽ họp ngay sau đó. Cuộc họp diễn ra trong lúc Israel đang chờ phản hồi của Hamas đối với đề xuất ngừng bắn mới nhất do các bên trung gian đưa ra.
Ngoại trưởng Mỹ nói Hamas nên chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn 'cực kỳ hào phóng' từ Israel
"Quan điểm của chúng tôi về văn kiện đàm phán hiện tại là tiêu cực", quan chức cấp cao Osama Hamdan của Hamas nói với một đài truyền hình tại Li Băng. Cơ quan phát ngôn chính thức của Hamas sau đó làm rõ rằng điều này không đồng nghĩa việc đàm phán chấm dứt. Theo các nguồn tin, lực lượng tại Gaza sẽ đưa ra các đề xuất sửa đổi thỏa thuận, nhưng ông Hamdan cảnh báo cuộc đàm phán sẽ chấm dứt nếu Israel triển khai chiến dịch quân sự trên bộ tại TP.Rafah ở miền nam Dải Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đó đã thông báo với Mỹ rằng sẽ thực hiện kế hoạch này để tiêu diệt các tiểu đoàn còn lại của Hamas cho dù có đạt thỏa thuận con tin hay không. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Israel ngày 1.5 ra sức hối thúc Hamas chấp nhận thỏa thuận và cho rằng "Israel đã có những nhượng bộ rất quan trọng". Tuy nhiên, ông Blinken cũng nhấn mạnh Mỹ phản đối chiến dịch tại Rafah khi Israel đến nay chưa đề ra được kế hoạch hiệu quả nhằm bảo vệ dân thường tại đó.
Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đối diện sức ép ngày càng tăng từ đảng Dân chủ về việc phải ngăn cản Israel thực hiện chiến dịch này. Theo Reuters, 57 hạ nghị sĩ Dân chủ đã ký vào bức thư kêu gọi chủ nhân Nhà Trắng dùng mọi quyền hạn của mình để ngừng viện trợ quân sự cho Israel nhằm ngăn nước này tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào Rafah.
Biểu tình sục sôi tại Mỹ
Cùng lúc đó, Tổng thống Biden cũng đang bị đối thủ chính trị công kích bởi thái độ thờ ơ trước một trong những đợt biểu tình phản chiến lớn và kéo dài nhất tại các trường đại học Mỹ kể từ sau chiến tranh ở Việt Nam. Tối qua (giờ VN), Tổng thống Biden có bài phát biểu tại Nhà Trắng về các cuộc biểu tình. Theo CNN, nhà lãnh đạo cho rằng quyền tự do ngôn luận và việc thượng tôn pháp luật đều phải được đảm bảo. Ông tuyên bố người biểu tình có quyền tự do bày tỏ quan điểm nhưng không nên đến mức xâm nhập bất hợp pháp hoặc bạo lực.
Sức nóng biểu tình được thổi bùng từ giữa tháng 4 sau khi Chủ tịch ĐH Columbia Minouche Shafik điều trần trước quốc hội về phản ứng của nhà trường đối với những cáo buộc bài Do Thái trong trường. Nhiều sinh viên đã biểu tình và dựng lều trại trong các trường đại học, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza và yêu cầu các trường Mỹ cắt đứt quan hệ với những công ty ủng hộ chính quyền Israel.
Tổng thống Biden lần đầu lên tiếng về phong trào biểu tình phản chiến ở Mỹ
Làn sóng biểu tình và đụng độ bạo lực đã lan ra ít nhất 30 đại học, buộc nhiều trường kêu gọi cảnh sát hỗ trợ. Theo thống kê của CNN, hơn 1.500 sinh viên đã bị bắt trên cả nước. Nhiều người trong số đó đã bị buộc tội xâm nhập trái phép và chống đối lệnh bắt giữ. Tại ĐH California ở Los Angeles (UCLA), cảnh sát hôm qua tuyên bố việc sinh viên ủng hộ Palestine dựng lều trại bên trong khuôn viên trường để biểu tình là tụ tập trái phép, báo hiệu khả năng bị bắt giữ nếu họ không giải tán.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chống bài Do Thái
Ngày 1.5, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật mang tên Đạo luật nâng cao nhận thức về chủ nghĩa bài Do Thái. Theo báo The Hill, dự luật quy định Bộ Giáo dục Mỹ sử dụng định nghĩa về "hành vi bài Do Thái" của Liên minh tưởng niệm nạn nhân diệt chủng người Do Thái quốc tế (IHRA) khi điều tra những cáo buộc vi phạm tại các trường học ở Mỹ. Theo định nghĩa của IHRA, những hành vi "nhắm đến nhà nước Israel, vốn được coi là một tập thể Do Thái" cũng có thể bị coi là bài Do Thái. Những người phản đối cho rằng cách diễn giải như vậy là quá rộng và sẽ làm cản trở tự do ngôn luận, khi những tuyên bố chính trị chỉ trích chính phủ Israel thông thường cũng có thể bị quy kết là bài Do Thái. Dự luật đang chờ được Thượng viện xem xét.
Colombia cắt quan hệ với Israel
Tổng thống Colombia Gustavo Petro ngày 1.5 thông báo nước ông sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel vì hành động của Israel tại Dải Gaza, theo AFP. Phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ tại thủ đô Bogota, ông Petro nói rằng thế giới không thể chấp nhận việc người Palestine tiếp tục bị mất mạng vì xung đột. Đáp lại, giới chức Israel cáo buộc ông Petro có phát ngôn gây thù hằn và bài Do Thái, còn Hamas hoan nghênh quyết định của vị lãnh đạo. Bolivia, Belize hay Nam Phi đã cắt đứt hoặc đình chỉ quan hệ với Israel trong khi một số nước khác triệu hồi đại sứ tại Israel về nước.
Bình luận (0)