Đó là Lê Anh Tiến và Nguyễn Phương Thảo. Họ đã chia sẻ những tâm huyết của mình trước khi tham gia sự kiện này.
Hỗ trợ khởi nghiệp
Lê Anh Tiến (30 tuổi) là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Tiến đã sáng lập nhiều dự án cộng đồng có giá trị như kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật giao tiếp với máy tính bằng mắt; đồng thời có rất nhiều sáng kiến trong khoa học, công nghệ. Đặc biệt, Tiến nổi bật trong lĩnh vực khởi nghiệp khi là quán quân của nhiều cuộc thi khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Hiện Tiến là CEO Công ty cổ phần Chatbot Việt Nam.
Trong các ngày 25 - 26.6, T.Ư Đoàn và Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức lễ tiếp kiến lãnh đạo cấp cao ASEAN và các hoạt động bên lề nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36. Tham gia chương trình là 20 thanh niên tiêu biểu, đại diện cho gần 220 triệu thanh niên của ASEAN. Các đại biểu thanh niên sẽ thông qua một phát biểu chung để trình lên Tổng thư ký ASEAN và Thủ tướng Chính phủ các nước ASEAN tại lễ tiếp kiến lãnh đạo cấp cao ASEAN.
Theo T.Ư Đoàn, mục tiêu của chương trình nhằm thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Kế hoạch hoạt động thanh niên ASEAN giai đoạn 2016 - 2020; tạo cơ hội cho lãnh đạo thanh niên các nước ASEAN được tiếp kiến lãnh đạo cấp cao của các nước ASEAN; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những lĩnh vực mà thanh niên quan tâm.
|
“Khi khởi nghiệp, mình muốn mở rộng thị trường ra các nước ASEAN nhưng còn thiếu rất nhiều thông tin. Vì vậy, mình rất mong muốn các lãnh đạo ASEAN có thể hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp. Các lãnh đạo ASEAN cần hỗ trợ người trẻ tiếp cận được các mạng lưới về khởi nghiệp ở ASEAN, để mọi người có thể hiểu hơn về thị trường ở khu vực, hiểu hơn về văn hóa, con người của từng quốc gia”, Tiến chia sẻ.
Tiến cũng đề xuất các lãnh đạo ASEAN nên tạo ra sân chơi chung cho người trẻ trong khu vực. “Cần tạo ra nhiều mạng lưới, cộng đồng để thanh niên các nước giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tạo điều kiện cho việc tìm hiểu văn hóa trong khối ASEAN, từ đó nâng cao kỹ năng chung cho thanh niên mỗi nước”, Tiến đề xuất.
Theo Tiến, các lãnh đạo nên đưa ra các dự án tiềm năng, có thể sử dụng được lực lượng trẻ của nhiều nước chung tay thực hiện. Thông qua các dự án, sẽ giúp cho sự gắn kết tình hữu nghị của các thanh niên trong ASEAN được chặt chẽ hơn, giúp cho khối phát triển, vươn mình ra khu vực châu Á và toàn cầu.
Tổ chức nhiều diễn đàn khoa học
Sinh viên Nguyễn Phương Thảo (20 tuổi) từng đoạt huy chương vàng Olympic sinh học quốc tế 2018 với số điểm cao nhất thế giới, đoạt huy chương bạc Olympic sinh học quốc tế 2017, được trao Huân chương Lao động hạng ba và bằng khen của Chủ tịch nước. Thảo đang là sinh viên hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội.
Chia sẻ về việc tham gia lễ tiếp kiến, Thảo cho biết rất tự hào khi được mang tiếng nói của sinh viên Việt Nam đến với lãnh đạo các nước ASEAN. Thảo mong muốn qua cuộc gặp gỡ này sẽ kiến nghị các nước tăng cường hợp tác để có nhiều hơn các diễn đàn khoa học dành cho thanh niên. Từ các diễn đàn này, người trẻ mới có cơ hội chia sẻ thông tin và các kết quả nghiên cứu khoa học, để có thể đưa ra những nghiên cứu có tầm cỡ của khu vực, cạnh tranh trên toàn cầu.
Thảo mong muốn lãnh đạo các nước trong khu vực tạo điều kiện để sinh viên đi thực tập, nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm hiện đại của các nước. “Có như vậy, sinh viên mới được học hỏi, giao lưu nhiều hơn và tận dụng lợi thế của mỗi nước, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với môi trường tốt hơn, để cùng nhau phát triển”, Thảo nói.
Thảo cũng cho rằng trong khu vực ASEAN cần có những cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho người trẻ và có thể hợp tác thực hiện, từ đó tạo động lực để sinh viên mỗi nước phát huy khả năng của mình.
Bình luận (0)