KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHẠC SĨ VĂN CAO (15.11.1923 - 15.11.2023)

Mong ước một thư viện thơ, nhạc, họa Văn Cao

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/11/2023 07:27 GMT+7

Một thư viện thơ, nhạc, họa Văn Cao để hình dung rõ về ông, về di sản nghệ thuật của ông là mong muốn của nhiều người.

Con người văn nghệ trong lớp mù sương

PGS-TS Phạm Xuân Thạch (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chỉ thấy một Văn Cao mờ ảo trong "lớp sương thời gian" khi bắt đầu tìm kiếm nghiên cứu về ông. "Văn Cao có một giai đoạn lưu văn dài, và chính giai đoạn lưu văn ấy làm cho rất nhiều phần của con người ông bị khuất lấp, bị thời gian vùi phủ lên và rồi con người văn nghệ của ông trở nên mờ ảo, như một bóng hình bị chìm trong lớp sương mù của thời gian. Dẫu sau năm 1986, vị trí của Văn Cao trong đời sống văn nghệ đã được khôi phục, nhiều tác phẩm của ông, đặc biệt là thơ đã được tập hợp, in lại hoặc công bố lần đầu dần giúp người đọc có một cái nhìn rõ hơn về tác giả, nhưng dường như sự phục hồi đó vẫn còn đang trong một trạng thái dang dở", PGS-TS Thạch cho biết.

Mong ước một thư viện thơ, nhạc, họa Văn Cao - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Văn Cao

Nguyễn Đình Toán

Cũng theo PGS-TS Phạm Xuân Thạch: "Dường như một toàn tập Văn Cao vẫn là giấc mơ xa vời. Không ít tác phẩm của ông vẫn chưa được tập hợp đầy đủ, điển hình như phần hội họa, đặc biệt là hội họa ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, xuất bản của ông. Ngay cả âm nhạc, phần tưởng như đã được tìm kiếm đầy đủ, nhất là khi sau năm 1986, nhạc của ông được diễn lại dày đặc, thì cho đến gần đây, vẫn có những bản nhạc mới của Văn Cao được tìm thấy".

Nhà nghiên cứu văn học Phong Lê cũng rất chú ý đến một Văn Cao bị mờ sau "lớp sương thời gian" đó ở vị trí họa sĩ. Văn Cao còn có một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa, trong tư cách một họa sĩ, ngay từ trước năm 1945, với các bức tranh có tên Thái Hà ấp đêm mưa, Cuộc khiêu vũ của những người tự tử trong một triển lãm nghệ thuật năm 1943.

Trong nhiều năm, Văn Cao đã chỉ có thể kiếm sống bằng các tranh minh họa cho báo, sách và làm bìa cho sách. "Tôi nhớ, vào những năm ấy, tác giả nào được Văn Cao vẽ bìa cũng đều rất vui sướng và hãnh diện, vì sự sáng tạo và nét tài hoa qua một chữ "Văn" trên một góc nhỏ của trang bìa", nhà nghiên cứu Phong Lê đánh giá.

TS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, đánh giá Văn Cao như một người từ những năm 1960 đã mở ra hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa. TS Sơn dẫn lời nhà sưu tập Nguyễn Bình Phương "chưa ai công nhận Văn Cao là họa sĩ, nhưng ông lại là người xây dựng nên lĩnh vực minh họa sách ở VN". Nhưng TS Sơn cũng phải bùi ngùi công nhận: "Những tác phẩm trong lĩnh vực hội họa của Văn Cao hiện diện ngày nay còn lại không nhiều".

Ở lĩnh vực âm nhạc, "làn sương thời gian" và tư liệu còn thiếu đã khiến nhiều tác phẩm của Văn Cao viết, trong đó có Quốc ca, chưa được biểu diễn đúng như ý định của ông.

Thậm chí, PGS-TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN, còn coi đó như món nợ với Văn Cao. Theo đó, hiện chưa có được bản chuẩn về bản phổ cũng như diễn tấu đúng tinh thần của Văn Cao, đúng tinh thần của bài hát Quốc ca. "Làm sao để cả nước và quốc tế cảm nhận khi Tiến quân ca thể hiện bằng nhạc cụ nào cũng giữ nguyên được tinh thần của ca khúc. Hiện nay, các bản Quốc ca đều đang được hòa âm phối khí khác nhau", ông Quân nói.

Cần một tổng tập, một thư viện về Văn Cao

PGS-TS Phạm Xuân Thạch cho rằng: "Lượng lớn tác phẩm văn học của Văn Cao ở dạng bản thảo rất mong được in lại. Thơ tuy đã được Nhà xuất bản Văn học in khá đầy đủ nhưng số bản thảo vẫn còn. Nhạc nên có một khảo cứu để phục dựng lại các văn bản đầy đủ để có được tính nguyên bản của bản nhạc với các đặc thù về kỹ thuật thanh nhạc. Cuối cùng, cái khó nhất là toàn bộ các minh họa và bìa sách. Những cái đó đến giờ rất khó để tìm được đầy đủ toàn bộ".

Mong ước một thư viện thơ, nhạc, họa Văn Cao - Ảnh 2.

Một số bìa sách do nhạc sĩ Văn Cao vẽ

Trinh Nguyễn

Cũng theo PGS-TS Phạm Xuân Thạch, nên có các nghiên cứu mang tính hàn lâm về Văn Cao vì cho đến nay chưa có các nghiên cứu như vậy. "Chúng ta cứ mặc định là Văn Cao "lớn" thế thôi, nhưng thơ ông ấy thế nào so với phong trào đổi mới thơ; họa của ông ấy ra sao; cách ông ấy tạo ra một phong cách minh họa, một phong cách trong đồ họa thế nào, cũng như về âm nhạc? Thế nên, bên cạnh tập hợp tổng tập thì việc có được một nghiên cứu mang tính hàn lâm là cần thiết", PGS-TS Thạch nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, việc thực hiện một tổng tập Văn Cao đúng là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, nếu có thể, rất nên xây dựng một thư viện về ông, trong đó có những bản ghi âm âm nhạc để người dân được nghe miễn phí, hay những bản Quốc thiều mà người dân có thể được sử dụng miễn phí. Với một thư viện như thế, thế hệ sau có thể nhìn thấy Văn Cao trong một tổng thể nhà thơ - nhạc sĩ - họa sĩ. "Văn Cao là một người tài năng ở nhiều lĩnh vực. Và một tổng tập như vậy có thể cho thấy con người toàn diện nhất, hoàn chỉnh nhất về ông", PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.