Moody's hạ đánh giá triển vọng nợ công của Mỹ xuống mức tiêu cực

Moody's hạ đánh giá triển vọng nợ công của Mỹ xuống mức tiêu cực

Phương Thúy
Phương Thúy
13/11/2023 07:31 GMT+7

Tình hình tài chính ngày càng tồi tệ và sự phân cực chính trị là nguyên nhân khiến triển vọng nợ công của Mỹ bị hạ xuống mức tiêu cực.

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã hạ triển vọng nợ công của Mỹ từ mức "ổn định" xuống mức "tiêu cực”. Tình hình tài chính ngày càng xấu đi và sự phân cực chính trị là những mối lo ngại lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ, là nguyên nhân dẫn đến quyết định của Moody’s.Tuy nhiên, Moody's vẫn giữ hạng tín dụng của nợ công Mỹ ở mức cao nhất là AAA.

Theo đài CNN, Moody's dự đoán thâm hụt tài chính của Mỹ vẫn sẽ rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng chi trả nợ khi Mỹ chưa có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu hoặc tăng doanh thu của chính phủ trong bối cảnh lãi suất ở mức cao.

Bộ Tài chính Mỹ ngay lập tức đã thể hiện sự không đồng tình với quyết định của Moody's. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo khẳng định nền kinh tế vẫn vững mạnh và các loại trái phiếu kho bạc vẫn là tài sản đầu tư an toàn, ưu việt về thanh khoản.

Moody's là cơ quan cuối cùng trong ba cơ quan xếp hạng lớn duy trì xếp hạng cao nhất cho Chính phủ Mỹ. Mức xếp hạng duy trì từ năm 1917. Trước đó, Fitch Ratings đã thay đổi xếp hạng của Mỹ từ AAA thành AA+ vào tháng 8, sau khi S&P hạ xếp hạng của Mỹ xuống AA+ lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu đã được coi là một tài sản cực kỳ an toàn, là nền tảng của thương mại toàn cầu, được xây dựng trên nhiều thập kỷ tin tưởng vào nước Mỹ. Một vụ vỡ nợ có thể phá vỡ thị trường nợ Kho bạc trị giá 24.000 tỉ USD, khiến thị trường tài chính đóng băng và gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế.

Việc hạ mức xếp hạng có thể khiến lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên, khi các nhà đầu tư nhận thấy có nhiều rủi ro hơn khi cho chính phủ vay tiền.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, đặc biệt là kỳ hạn 10 năm, ảnh hưởng đến tất cả các loại nợ, từ lãi suất thế chấp đối với những ngôi nhà mà người Mỹ mua, cho đến các hợp đồng được ký kết trên khắp thế giới.

Bước tiếp theo của Moody’s là xem xét kỹ lưỡng hơn về khoản nợ của Mỹ để xác định có hạ xếp hạng hay không. Hiện tại, Cả Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo đều chưa thông qua dự luật gia hạn tài trợ của chính phủ, dự kiến hết hạn vào nửa đêm ngày 17.11. Nếu không có thỏa thuận trước thời điểm đó, chính phủ của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải đóng cửa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.