Nhưng tôi đã nhầm. Ngay từ ngày họp phụ huynh đầu năm, phụ huynh được nghe một vài con số mục tiêu như: lớp có 35 em thì cần có 20 em là học sinh giỏi, còn lại là học sinh khá, không có học sinh trung bình... Và từ con số đó, những cô bé cậu bé đáng thương bị cô giáo ép để chạy theo thành tích mà cô mong muốn.
Đầu tiên, con bé về nhà làm sai bài tập, không hẳn là sai, nó chỉ chép bài nhiều hơn yêu cầu. Thay vì để nguyên hoặc nhắc nhở, thì cô đã xé bài tập đó của con và yêu cầu con viết lại. Khi tôi tức giận vì cho rằng hành động xé vở là hành động phản giáo dục thì cô giáo bảo vì vở đó phải nộp về trường và chấm điểm gì gì đó. Vì một thành tích gì đó chưa rõ ràng, giáo viên bất chấp hành động phản giáo dục, bất chấp cảm giác của học sinh.
Một việc làm thường thấy nhất là “dự giờ”, trước ngày lớp được các thành viên của đoàn thanh tra kiểm tra vào lớp “dự giờ” thì cô giáo đã căn dặn học sinh đủ thứ: từ mặc quần áo chỉnh tề, đến chuẩn bị bài tập thật tốt, nếu gọi học sinh lên bảng thì gọi học sinh giỏi của lớp... Đó là dạy cho trẻ tinh thần đối phó, chỉ khi nào có thanh tra, kiểm tra mới học hành thật tốt và quần áo chỉnh tề. Hoặc khi kiểm tra hay thi, cô giáo dặn học sinh học bài A, bài B rồi thi ở chính những bài thi đó. Và điều thường thấy nữa là các em phải làm quá nhiều bài tập Toán và tiếng Việt mà không học các kỹ năng sống, hoặc những tiết dạy kỹ năng sống cũng chỉ là lý thuyết suông và bảo bé học thuộc chứ không biết cách thực hành. Tình trạng đối phó từ nhỏ đã đi theo các bé ở các lớp lớn hơn, thậm chí tới khi đi làm, cũng chỉ làm việc khi có “sếp” ở đó.
Về dạy thêm tại nhà, mặc dù đã có quy định cấm, tuy nhiên bằng cách này hay cách khác các cô giáo vẫn mở lớp dạy thêm tại nhà, hoặc “hợp thức hóa” dạy thêm bằng cách gọi là “học tăng buổi”, phụ huynh phải đóng tiền và trước đó phải ký vào một tờ giấy có tên “đơn xin học tăng buổi”. Tuy nhiên, các cô giáo dạy thêm ở nhà sẽ dặn học sinh của mình rằng “ai hỏi, các con đừng nói đi học thêm!” và yêu cầu chúng cho sách vở vào túi ni lông đen. Khi tôi nghe được và phản ứng với một số phụ huynh khác có con đi học thêm về việc tại sao cô giáo dạy trẻ nói dối, thì họ đều ngó lơ, có người bảo “lâu lâu nó nói một lần thôi mà, có sao đâu”. Tôi không biết rồi vài năm nữa, một trong những đứa trẻ được dạy nói dối hôm nay, nó sẽ ôm cặp và ... đi chơi game, hay ra quán net làm những bảng điểm giả về nộp để đối phó với cha mẹ, họ sẽ nghĩ gì?
Có lẽ tôi gần như cô độc trong việc dạy con mình nói thẳng, nói thật. Tôi cho phép con mình học dở nhưng được chơi, tôi cho phép nó bỏ những ngày cuối tuần để chơi thỏa thích và học những bài học kỹ năng như vào bếp nấu ăn cùng mẹ, làm việc nhà... Và những bà mẹ như tôi, bị xem là những bà mẹ gàn dở trong quá trình nuôi dạy con của chính mình.
Bình luận (0)