Một bị cáo được tại ngoại sau 13 năm bị tạm giam

01/07/2024 12:22 GMT+7

Bị cáo được tại ngoại sau khi bị bắt tạm giam vào năm 2011, đến nay thời gian tạm giam đã là 13 năm.

Chánh án TAND TP.Hà Nội mới ký ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với ông Nguyễn Huy Khang (65 tuổi, trú tại Bắc Giang). Ông Khang đang là bị cáo trong một vụ án lừa đảo, giải quyết nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Đáng nói, ông Khang bị bắt tạm giam từ năm 2011. Tính đến thời điểm bị cáo được hủy bỏ biện pháp tạm giam như đã nêu ở trên, thời gian tạm giam đã kéo dài tới 13 năm. Theo quyết định của Chánh án TAND TP.Hà Nội, lý do ông Khang được thay đổi biện pháp ngăn chặn là "không cần thiết phải tiếp tục tạm giam".

Một bị cáo khác trong vụ án này là ông Nguyễn Đình Bang (73 tuổi, trú tại Hà Nội) bị bắt giam từ năm 2010, đến năm 2016 thì được tạm tha. Như vậy, thời gian tạm giam đối với ông Bang cũng lên tới 6 năm, bị cáo này đang tại ngoại.

Một bị cáo được tại ngoại sau 13 năm bị tạm giam- Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Huy Khang (áo tím) tại phiên tòa hồi tháng 4.2024

TUYẾN PHAN

Vụ án nêu trên kéo dài đến nay đã 14 năm, bị cáo nhiều lần kêu oan, tòa từng xét xử 4 lần nhưng chưa có phán quyết cuối cùng.

Năm 2016 và 2020, tòa sơ thẩm 2 lần xét xử, đều tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Khang 18 năm tù và bị cáo Nguyễn Đình Bang 16 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cả hai đều kêu oan. Năm 2017 và 2022, lần lượt 2 phiên tòa phúc thẩm đều tuyên hủy các bản án sơ thẩm.

Mới đây nhất, hồi tháng 4, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm lần 3. Ngoài ông Bang và ông Khang, có thêm bị cáo bị xét xử về cùng tội danh lừa đảo là bà Hoàng Thị Xuân (61 tuổi, trú tại Bắc Giang).

Tại tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo Bang và Khang đều vắng mặt, đại diện bị hại và nhiều người được triệu tập để tham gia phiên tòa cũng không có mặt.

Bị cáo Khang đề nghị được hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam, cho tại ngoại để đi chữa bệnh. Bị cáo Bang thì nói vụ án kéo dài đã nhiều năm, việc thiếu các "nhân vật chủ chốt" sẽ không thể làm sáng tỏ, vì vậy, đề nghị tòa hoãn để triệu tập đầy đủ.

Sau khi hội ý nhanh, hội đồng xét xử nhận định việc vắng mặt nhiều người tham gia tố tụng, đặc biệt là luật sư bào chữa cho các bị cáo, sẽ không đảm bảo quyền lợi của bị cáo và những người liên quan. Vì thế, tòa quyết định hoãn xử, thời gian mở lại sẽ thông báo sau.

Riêng với đề nghị của bị cáo Khang, hội đồng xét xử cho hay, tòa đã có lệnh tạm giam đối với bị cáo đến khi kết thúc phiên sơ thẩm, nên không chấp nhận.

Một bị cáo được tại ngoại sau 13 năm bị tạm giam- Ảnh 2.

TAND TP.Hà Nội, nơi xét xử sơ thẩm vụ án

PHÚC BÌNH


Vụ án kéo dài 14 năm chưa hồi kết

Theo hồ sơ vụ án, năm 2005, Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh (gọi tắt là Công ty Trường Sinh) được thuê 6.338 m2 đất tại Khu công nghiệp An Khánh, khi ấy thuộc tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội.

Quá trình hoạt động, chủ cũ của Công ty Trường Sinh chuyển nhượng 50% diện tích đất thuê cho ông Nguyễn Kim Hải (Giám đốc Công ty ADISCO). Đến năm 2008, chủ cũ công ty tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cùng 50% diện tích đất còn lại cho bị cáo Nguyễn Đình Bang và ông Duy Đức Tuấn.

Từ thời điểm này, Công ty Trường Sinh có 2 thành viên góp vốn là bị cáo Bang và ông Tuấn, trong đó bị cáo Bang là giám đốc. Quyền sử dụng khu đất 6.338 m2 chia đôi, một nửa của Công ty ADISCO, một nửa của bị cáo Bang và ông Tuấn.

Cũng trong năm 2008, Công ty Trường Sinh được UBND tỉnh Hà Tây giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án Khu trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở An Khánh (gọi tắt là dự án An Khánh).

Do tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, năm 2009, UBND TP.Hà Nội yêu cầu bổ sung giấy tờ về dự án tại An Khánh, nhưng Công ty Trường Sinh chưa thực hiện. Tuy nhiên, tính đến năm 2011, doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan.

Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Bang đã tạo dựng một số văn bản, bao gồm quyết định của Công ty Trường Sinh chuyển nhượng dự án An Khánh cho bị cáo Khang, ủy quyền cho bị cáo Khang chịu trách nhiệm tổ chức triển khai dự án, hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng 100% vốn góp Công ty Trường Sinh…

Sau đó, bị cáo Khang sử dụng các giấy tờ trên, tự giới thiệu là Giám đốc Công ty Trường Sinh, đến gặp ông Thái Khắc Toàn mời góp vốn vào Công ty Trường Sinh và dự án An Khánh.

Thống nhất với nhau, ông Toàn chuyển tiền cho phía bị cáo Khang, rồi bị cáo Khang chuyển cho bị cáo Bang. Nhưng mãi về sau, thấy bị cáo Khang chưa làm thủ tục để Công ty Huy Phát là thành viên góp vốn của Công ty Trường Sinh và tham gia dự án An Khánh, ông Toàn làm đơn tố cáo.

Vào cuộc điều tra, cơ quan tố tụng quy kết bị cáo Bang và Khang lừa đảo chiếm đoạt 22 tỉ đồng của Công ty Huy Phát.

Quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo nhiều lần kêu oan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.