Đại dương đen là hành trình nhẫn nại của tác giả cùng người trầm cảm. Cuốn sách kể lại những câu chuyện vừa dữ dội vừa tê tái về những số phận vì định kiến và sự thiếu hiểu biết của gia đình và xã hội mà mất đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương và hạnh phúc.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chia sẻ tại tọa đàm |
Phúc Kha |
Giúp người trầm cảm cất lên tiếng nói
Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, cuốn sách này dành tặng cho những người trầm cảm, những con người nhỏ bé, vô danh, không có tiếng nói. Đồng thời, Đại dương đen còn dành cho người thân của người trầm cảm để có được sự hiểu biết và quan tâm đúng đắn đối với vấn đề này, cùng đồng hành với người bệnh trong những lúc khó khăn nhất. “Tôi hy vọng rằng, qua cuốn sách, tôi sẽ giúp cho họ cất lên tiếng nói để những người xung quanh có thể hiểu được số phận của họ, hiểu được câu chuyện của họ”, tác giả của Đại dương đen cho biết.
Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ nhiều câu chuyện đặc biệt xung quanh quá trình viết sách. Ông cho hay những năm gần đây, khi có dịp được làm việc cùng các bạn trẻ ở nhiều dự án, ông đã bắt gặp khá nhiều bạn có vấn đề về tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Và điều mà ông trăn trở là: “Tôi nhận thấy rất ít người trong số họ nhận được sự hỗ trợ, động viên và có được sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn từ những người xung quanh”. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nghĩ rằng vấn đề này cần được đưa ra ánh sáng với mong muốn giúp đỡ họ kể câu chuyện của bản thân khiến cho cộng đồng có cái nhìn đúng đắn hơn về trầm cảm.
Sinh viên đặt câu hỏi và trình bày những ý kiến xoay quanh vấn đề trầm cảm |
Phúc Kha |
Làm thế nào để người trầm cảm chia sẻ câu chuyện của họ?
Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ đối thoại với độc giả, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã trả lời các câu hỏi liên quan về quá trình tiếp cận câu chuyện của những người trầm cảm.
Để có được những câu chuyện cho Đại dương đen, ông đã có cách tiếp xúc với nhân vật rất đặc biệt. Đó chính là có sự quan tâm và sự tò mò trên cơ sở tôn trọng đối với nhân vật, dù là những chi tiết nhỏ nhất, ông đều dành toàn bộ tâm trí để lắng nghe câu chuyện từ họ. Bởi khi nhân vật cảm nhận được thái độ tôn trọng đó, sẽ cảm thấy những hành xử của mình không bị phán xét và thoải mái chia sẻ câu chuyện của mình.
“Đây là một quá trình rất khó khăn, vì nhân vật phải kể lại những trải nghiệm đau buồn của bản thân. Nên có nhiều trường hợp nhân vật đã hẹn phỏng vấn, bỗng dưng biến mất mấy tháng trời và chỉ trở lại khi đã cảm thấy tốt hơn. Đây là công việc cần sự kiên nhẫn rất nhiều. Chính những vấn đề bất cập của nhân vật lại càng khiến tôi mong muốn truyền tải câu chuyện về ảnh hưởng của trầm cảm đến cộng đồng nhiều hơn nữa”, ông bộc bạch.
Cuộc trò chuyện giữa tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và nhân vật chỉ diễn ra khi nhân vật ở trong trạng thái đủ khỏe mạnh để có thể chia sẻ câu chuyện của bản thân. Trong từng buổi nói chuyện, ông luôn quan tâm đến những điều bên trong của họ, nếu như có khó khăn trong việc kể câu chuyện ấy thì họ không cần phải cố gắng để bày tỏ. Ông không quá sa lầy vào câu chuyện, không tự đặt cho mình trọng trách quá lớn là phải giúp hay phải làm điều gì để cứu vớt cuộc đời họ. Bởi đơn giản, nhân vật sẽ tự tìm đến ông dựa trên sự tin tưởng cần một người biết lắng nghe để họ tự kể câu chuyện của chính mình và điều ông làm là chia sẻ cùng họ.
Buổi tọa đàm thu hút nhiều sinh viên các trường đại học ở TP.HCM đến tham dự |
Phúc Kha |
Khi được hỏi về những điều mà mình mong muốn, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho biết: “Tôi hy vọng quá trình đọc sách sẽ giúp các bạn có thêm thông tin, kiến thức và sự chiêm nghiệm mới. Tôi mong cuốn sách sẽ hữu ích cho độc giả, dù là người trầm cảm, người thân của người trầm cảm hoặc người may mắn không bị trầm cảm. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có nhiều kiến thức hơn, nhiều nỗi thấu cảm hơn để sống, để giúp đỡ những người không may mắc vấn đề này trong xã hội”.
Là một độc giả của sách Đại dương đen, Trần Thanh Hậu, sinh viên Trường Đại học RMIT Việt Nam, chia sẻ: “Mình thấy những vấn đề nêu ra trong sách rất hay. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã bước vào thế giới người trầm cảm để lắng nghe họ và bước ra kể những câu chuyện ở góc nhìn nhẹ nhàng hơn, khoa học hơn”.
Bình luận (0)