Một cái nhìn viễn kiến trong cuộc chạy đua năng lượng nguyên tử

09/09/2019 08:21 GMT+7

Gần một thế kỷ từ khi ra đời năm 1922, Nhà máy chế tạo siêu nhiên của nhà văn lừng danh người Séc - Karel Capek vẫn là một trong những tác phẩm kinh điển của văn chương khoa học viễn tưởng, tác phẩm vừa được Phạm Công Tú chuyển ngữ, NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn liên kết phát hành tháng 9.2019.

Lấy bối cảnh vào những năm giữa thế kỷ XX, Nhà máy chế tạo siêu nhiên kể về một nhà khoa học đã phát minh ra lò phản ứng đốt cháy hết vật chất để tạo ra nguồn năng lượng rẻ và dồi dào. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, khi vật chất bị tiêu diệt, bản chất tinh thần bị giam giữ trong mọi vật chất được giải phóng, lò phản ứng đã sản sinh ra một thứ khí độc “phụ phẩm” - năng lượng tự do - siêu nhiên. Từ khi "Karburator" được nhà máy sản xuất hàng loạt, thay thế hoàn toàn động cơ, máy móc trên thế giới, loài người bắt đầu xuất hiện nhiều "siêu nhiên": ông quản gia có khả năng chữa lành bệnh bằng tay, cô gái đọc được suy nghĩ người khác, các phép lạ như bay bỗng, chiếu sáng xuất hiện tràn lan… "Karburator" làm đảo lộn cả thế giới về mặt kỹ thuật cũng như xã hội. Khi siêu nhiên hay Thượng đế được giải phóng khỏi nơi giam giữ nó, vô số tôn giáo mọc lên - nhà thờ của máy móc công nghiệp - trong khi doanh nhân phát minh ra "Karburator" ẩn náu ở vùng núi cách xa các tác dụng phụ nguy hiểm của năng lượng mới. "Karburator" như một vị Thượng đế bị nhốt suốt mấy ngàn năm, bây giờ thả ra vô cùng nghịch ngợm, nó hoạt động liên tục mà không cần tiếp nhiên liệu. Công nhân thất nghiệp, sản phẩm dư thừa đến nỗi đổ ra đường không ai lấy. Nền kinh tế bắt đầu sụp đổ. Chiến tranh tôn giáo - quốc gia bắt đầu.
Giống như R.U.R hay Khi loài vật lên ngôi khắc họa nên một xã hội hoàn toàn tưởng tượng, Nhà máy chế tạo siêu nhiên tạo ra một xã hội với những "Karburator" tự động hóa cao thay thế cho sức lao động. Chỉ một mẩu than nhỏ, hay nắm đất, chiếc "Karburator" sẽ chạy liên tục hàng tháng không ngơi nghỉ. Hàng hóa được sản xuất hàng loạt, ngay cả đến các văn kiện hay tiền tệ cũng được xuất ra hàng giờ, hàng phút. Cái gì quá cũng không tốt và hệ quả chính là bộ máy chính trị bị đình trệ, hàng hóa dư thừa đến mức phải đổ đi, khủng hoảng kinh tế và tiền tệ đến mức phải mua những thực phẩm hàng ngày với giá trên trời.
Xuyên suốt tác phẩm, vấn đề tôn giáo cuồng tín được Karel Capek mang ra châm biếm đầu tiên. Khác với những Bí tích Thánh thể, Thượng đế của Capek lại được sinh ra từ một chiếc máy bé nhỏ được đặt ở trong một tầng hầm ẩm thấp và tăm tối. Không những thế, khi vị “Thượng đế”, vị siêu nhiên này xuất hiện và có những sự khai sáng đầu tiên thì bản thân Công giáo, nơi thờ phụng Thượng đế, lại từ chối sự xuất hiện ấy, và để rồi, đỉnh cao của sự châm biếm, chính là lúc Giáo hoàng công nhận và làm lễ rửa tội cho Thượng đế. Siêu nhiên ra đời, các tôn giáo mọc lên như nấm sau mưa, ai cũng cho rằng Ngài là của họ. Sự cuồng tín và mâu thuẫn bắt đầu đẩy lên cao khiến chiến tranh xảy ra:
"Đúng vậy. Để có thể tự chứng minh rằng mình có toàn bộ Ngài, người ấy phải giết những người kẻ khác. Ông biết không, vì thế đấy, anh ta rất muốn là mình sở hữu toàn bộ Thượng đế và tất cả chân lý. Vì thế anh ta không thể chấp nhận để ai đó có một Thượng đế khác và chân lý khác. Nếu anh ta thừa nhận điều này có nghĩa là phải thừa nhận rằng mình chỉ có một vài mét ngắn ngủi hoặc vài lít ít ỏi hay vài cái bao nhỏ với chân lý của Thượng đế...".
Thêm vào đó, Karel Capek không ngần ngại châm biếm các nước đế quốc, những quốc gia tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang. Với nước Anh, ông miêu tả người đại diện có “mái đầu trắng xóa của thi sĩ và đôi mắt tinh tường nói chuyện sống động về việc săn bắt cá hồi”, hay Thủ tướng Pháp với “động tác sống động, giọng nói to, chắc chắn và rõ ràng "je ne sais quoi - tôi chẳng biết gì" đã tiết lộ ngài từng là luật sư” hoặc Đại sứ Nhật Bản “từ chối mọi đồ uống, lặng lẽ lắng nghe và mỉm cười như thể miệng ông ta ngậm đầy nước”.
Mặc dù là nhà văn khoa học viễn tưởng, Capek vẫn luôn có cách nhìn khác với sự nghiệp cầm bút của mình. “Đây không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó”. Nhà máy chế tạo siêu nhiên chính là tấm gương phản chiếu về xã hội đương thời, trong cuộc cách mạng công nghiệp và cuộc chạy đua vũ trang nhằm phục vụ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Dưới những tiếng cười mà cuốn sách mang lại, là sự lụi bại khủng khiếp của xã hội; một sự thối nát không thể kiểm soát bắt nguồn từ lòng tham và suy nghĩ nông cạn. Những nhà đại tư bản với lòng tham không đáy sẵn sàng bất chấp tất cả sản xuất hàng loạt những chiếc lò phản ứng để chạy đua trong cách mạng công nghiệp. Bên cạnh đó, giai cấp nông dân lại được ông ca ngợi hết lời là “những người nuôi sống chúng ta”, “nông dân anh hùng của chúng ta” và “vẫn còn chung thủy với bản chất của mình”.
Với giọng văn dí dỏm, phong cách siêu thực, cùng kiến thức đi trước thời đại, Karel Čapek đã tiên lượng được sự băng hoại đạo đức, tôn giáo cuồng tín và chủ nghĩa bá quyền, cùng cuộc chạy đua sản xuất hàng loạt vũ khí nguyên tử... Như những tác phẩm khoa học viễn tưởng khác của ông, câu hỏi được đặt ra là liệu những sự tiến bộ, những sáng tạo khoa học sẽ đem lại những hậu quả gì cho con người? Liệu khi máy móc thay thế sức lao động thì chúng ta có thật sự hạnh phúc?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.