Nhiều năm qua, rất đông thanh niên trai tráng ở các làng quê Quảng Trị phải chấp nhận ly hương để mưu sinh. Những ngôi “làng vắng” trở nên phổ biến khi chỉ còn người già và trẻ con. Trong khi đó, lực lượng lao động trẻ vào miền Nam phần nhiều cũng sống đời công nhân trong những khu nhà trọ chật chội.
Doanh nghiệp ở Quảng Trị mạo hiểm đưa nhà máy về làng |
Chị Mai Thị Thanh Hương (phải) sau hơn 1 năm trở về đã được giao phụ trách chuyền may |
NGUYỄN PHÚC |
Giữa năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, đã có dòng người từ miền Nam trở về miền Trung, trong số đó có hàng ngàn người Quảng Trị. Hình ảnh về cuộc trở về không mấy vui đó đã chạm đến rất nhiều trái tim. Nhiều doanh nghiệp Quảng Trị, dù chưa lớn, nhưng đã sớm thể hiện trách nhiệm của mình bằng hành động cụ thể. Công ty CP phát triển may mặc Miền Trung là một điển hình.
Còn nhớ, khoảng tháng 7.2021, khi chuyến tàu nghĩa tình đầu tiên của tỉnh Quảng Trị chở con em từ TP.HCM trở về địa phương tránh dịch, ông Tạ Quang Thuật (thành viên Hội đồng quản trị, Phó giám đốc Công ty CP phát triển may mặc Miền Trung) đã viết trên trang cá nhân kêu gọi bà con “Đừng đi nữa, hãy ở lại quê nhà”.
Theo ông Thuật, cơ hội việc làm tại Quảng Trị hiện nay rất lớn, mặc dù mức thu nhập chưa thể bằng các tỉnh phía nam nhưng đổi lại, các bạn không tốn thêm bất kỳ khoản chi phí nào và đặc biệt là kiếm ra được đồng tiền ngay trên mảnh đất quê hương. Và không chỉ kêu gọi suông, công ty cam kết chỉ cần hoàn thành cách ly, mọi người dân Quảng Trị từ phía nam trở về đều được chào đón ở Nhà máy may xuất khẩu miền Trung (đóng ở Khu công nghiệp Bắc Hồ Xá, TT.Hồ Xá, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) và nhận 1 triệu đồng hỗ trợ. Đối với ngành may, sau khi kiểm tra chuyên môn, công nhân sẽ được nhận ngay vào làm với mức lương 5 triệu đồng/tháng, đầy đủ bảo hiểm, miễn phí cơm trưa, hỗ trợ xăng xe, thưởng đầy đủ… Đối với người chưa có tay nghề, công ty sẽ tiến hành đào tạo và trong thời gian đào tạo vẫn có lương.
Phân tích về lực lượng lao động từ miền Nam trở về, ông Thuật cho biết nếu lao động đó đã từng là công nhân may thì tay nghề rất cứng. “Hoạt động trong ngành may phía nam, công nhân thường có tác phong công nghiệp, có tay nghề. Vì thế, nếu họ trở về địa phương hoạt động trong ngành này thì vẫn tạo ra thu nhập ổn định. Nói đúng ra là họ cần chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng cần họ”, ông Thuật nhấn mạnh.
Trần Xuân Hữu (26 tuổi, trú xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh) vốn là đầu bếp ở TP.HCM được 3 năm, trở về quê hơn 1 năm vào làm công nhân ở bộ phận hoàn thành sản phẩm của công ty nói trên, thu nhập 7 triệu đồng/tháng... Còn Mai Thị Thanh Hương (31 tuổi, trú xã Vĩnh Trung, H.Vĩnh Linh) chỉ sau hơn 1 năm đã lên chức tổ trưởng phụ trách chuyền may mấy chục người ở đây. “Về quê làm việc lương không cao bằng, nhưng tiền tiết kiệm hằng tháng nhiều hơn. Có lẽ do vật giá ở quê rẻ hơn”, chị Hương phân tích.
“Đối với chủ doanh nghiệp, việc đưa nhà máy về làng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển và một số chi phí khác. Đổi lại, người lao động lại có lợi, đáp ứng được tâm niệm của chúng tôi là công nhân được đi bộ tới nhà máy và ăn cơm nhà đi làm”, ông Thuật nói.
Bình luận (0)