Sống nhờ vườn tược
Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, 25 tuổi, công nhân ở khu công nghệ cao TP.Thủ Đức (TP.HCM) mới cùng nhiều đồng hương khác thuê xe để về quê ở TP.Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk được hơn 1 tuần nay. Gia đình có rẫy trồng cà phê, rau màu và nuôi gà, vịt, thời gian này chị phụ giúp gia đình làm nông, chủ yếu là chăm sóc, thu hoạch cà phê.
Khi về các vùng quê, người trẻ có thể sử dụng thế mạnh công nghệ, mạng xã hội để bán nông sản từ địa phương lên TP lớn |
Hạnh Phan |
“Ở quê, tôi không phải lo tiền thuê trọ hằng tháng, ra vườn hái rau cũng được bữa cơm, ít nhất trong mấy tháng này tôi cũng được thoải mái tinh thần, không phải lo lắng vì tiền nhà trọ, sinh hoạt phí đắt đỏ ở TP.HCM và nỗi căng thẳng vì dịch”, chị Nhung nói.
Chị Nhung cho hay trước mắt chị tính ở nhà tới qua tết sẽ lên lại TP.HCM tìm việc mới, vì công việc ở quê chỉ mang tính thời vụ, rất vất vả để có thu nhập. Chị đang tính phương án khi trở lại TP, vừa đi làm ở công ty, vừa bán nông sản sạch từ quê nhà Đắk Lắk kiếm thêm chút đỉnh. “Cây nhà lá vườn như trái cây, hạt cà phê, tiêu đen nhà tôi rất được nhiều người ưa chuộng. Lần trước tôi mang xuống 30 kg bơ, mọi người tranh nhau mua, còn dặn là sau có gì cứ gọi để họ mua”, chị Nhung chia sẻ.
Bạn trẻ Tô Tiểu Tường từ TP.HCM về quê ở Thái Bình sau đợt dịch 2020 và đang làm YouTube rất thành công |
NVCC |
Quyết định dừng bước tha hương
Anh Huỳnh Tấn Lộc, 35 tuổi, quê ở xã Đông Thạnh, H.Cần Giuộc, Long An cho biết trong nhiều người em của anh từ TP.HCM về quê Long An, Vĩnh Long, có một số thì xác định kiếm việc làm thời vụ ở quê nhà, chờ qua tết rồi lên TP.HCM tìm việc trở lại. Còn một số xác định ở quê lâu dài, tìm việc ở khu công nghiệp địa phương để không tha hương nữa.
“Trải qua đợt dịch căng thẳng, khó khăn ở TP, còn khỏe mạnh về đoàn tụ với gia đình là điều ai cũng mừng. Về quê có thể ra vườn hái nắm rau, bắt con cá cũng được bữa cơm, nhưng lâu dài vấn đề làm gì để có thu nhập thì nhiều người vẫn loay hoay. Khu công nghiệp tại quê cũng gặp khó khăn, tuyển dụng công nhân ít đi, việc thời vụ nhà nông ở quê cũng ổn định khi bà con địa phương đã làm từ trước đó rồi”, anh Lộc nói.
Còn chị Nguyễn Thị Diễm Trang, người khởi nghiệp về cây giống với dự án Vườn Út Trang tại xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, An Giang, chia sẻ vấn đề nan giải hiện nay là bà con về quê rồi, thì việc làm như thế nào. Việc sản xuất nông nghiệp hầu hết đã cơ giới hóa, nhu cầu nhân lực không nhiều. Chưa kể trước đây nông sản, trái cây từ các vùng quê mang lên TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ tiêu thụ chủ yếu, đặc biệt tại các khu vực có đông khu công nghiệp.
Song bây giờ người dân về quê hết, chắc chắn “cầu” giảm, do đó “cung” sẽ giảm, từ đó nhu cầu tuyển thêm người làm cũng sẽ không cao. “Người lao động rất mong nhận được những tư vấn hướng nghiệp, thông tin đơn vị đang tuyển dụng, hỗ trợ về vốn… từ các cơ quan ban ngành của địa phương”, chị Trang nêu quan điểm.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Diễm Trang, khởi nghiệp với Vườn Út Trang, đã khai thác thế mạnh từ mạng xã hội để bán được nhiều trái cây và cây giống hơn |
NVCC |
Cơ hội để tự tạo việc làm
Anh Phạm Hoàng Hậu, 33 tuổi, chủ Hợp tác xã trồng rau mô hình Aquaponic (vừa nuôi cá, vừa lọc nước nuôi cá để trồng rau thủy canh trên giàn) tại xã Phước Lại, H.Cần Giuộc, Long An, cho biết hợp tác xã của anh cũng đang tuyển một số lao động, sẵn sàng tạo điều kiện cho bạn trẻ từ TP.HCM về quê làm việc.
Theo anh Hậu, không chỉ thuê nhân viên trả lương tháng, anh sẵn sàng dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra sản phẩm để thanh niên có thể khởi nghiệp ở quê với mô hình rau Aquaponic như của anh. Trong mùa dịch vừa qua, mô hình rau của anh Hậu đã cung cấp rau đi khắp TP.HCM, Long An, lợi nhuận có thể từ 37 - 40 triệu đồng/tháng/1.000 m2 trồng rau.
Tuy nhiên dù là trồng trọt, chăn nuôi, làm gì ở quê cũng cần có vốn. Anh Hậu cho hay mong mỏi của nhiều lao động về từ TP.HCM là được hỗ trợ về nguồn vốn từ ngân hàng chính sách để an tâm khởi nghiệp tại quê nhà.
Anh Nguyễn Trương Tuyến (37 tuổi), nhà khởi nghiệp, Giám đốc điều hành của TGS Books (TP.HCM), cho hay khi người lao động ồ ạt rời TP.HCM về quê sẽ là cơ hội để các địa phương khuyến khích nhân lực có thể sáng tạo ra những mô hình kinh doanh phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người. Đồng thời, mỗi người có thể có thu nhập từ bán nông sản, đặc sản địa phương về các TP lớn theo hình thức trực tuyến, dựa trên nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo rất phát triển. Theo anh Tuyến, bạn trẻ cũng có thể học hỏi, trau dồi kỹ năng, ý tưởng sáng tạo để có thể làm YouTube về đời sống nông thôn, những món ăn quê nhà…; đây vẫn là mảnh đất rất màu mỡ để có thể cho thu nhập cao.
Bình luận (0)