Vượt qua ‘cửa tử’ Covid-19, người mẹ trẻ khởi nghiệp trà sữa Sài Gòn nuôi con

23/10/2021 10:08 GMT+7

Sau khi cơn bão Covid-19 đợt 4 quét qua, vợ chồng chị Vi không còn một xu dính túi. Để có tiền nuôi 2 con nhỏ, chị quyết tâm làm lại từ đầu, vay 3 triệu đồng khởi nghiệp bán trà sữa, đồ ăn vặt.

Chị Vi mở quán trà sữa, ăn vặt được gần 1 tuần nay để có thêm thu nhập, cùng chồng nuôi 2 con nhỏ.

cao an biên

Làm lại từ đầu

Một buổi chiều “bình thường mới” ở TP.HCM, chúng tôi ghé quán trà sữa của chị Phạm Nguyễn Kim Vi (33 tuổi) trong một con “hẻm chồng hẻm” trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8). Quán ăn cũng là căn phòng trọ nhỏ chừng 16 m2, nơi vợ chồng chị cùng 2 con trai nhỏ dựng xây tổ ấm.

Quán không có biển hiệu, bên trong là một quầy nhỏ với những hộp nguyên liệu để làm trà sữa, bánh tráng trộn được sắp xếp ngăn nắp. Đang tất bật chăm con, dọn dẹp lại quán, chuẩn bị đơn hàng, thấy chúng tôi chủ quán niềm nở đón tiếp. Chị chủ cho biết quán mình vừa khai trương được 6 ngày, ngay thời điểm vừa hết dịch nên còn nhiều việc phải làm.

Hồi cuối tháng 7, cả 2 vợ chồng chị đều nhiễm Covid-19. May sao 2 con được gửi ở nhà ngoại nên sức khỏe bình thường. Nhiều tháng không làm ra tiền, trải qua khoảng thời gian “thập tử nhất sinh” khiến 2 vợ chồng gần như kiệt quệ.

Gia đình 4 người của chị Vi hiện sống trong phòng trọ nhỏ, cũng là quán ăn thuê hơn 2 triệu đồng/tháng.

CAO AN BIÊN

Nhớ lại những ngày đi bán bánh tráng dạo bị nhiều người “ăn hiếp vì giật chén cơm người khác”, chị rưng rưng. Chị tin tưởng việc kinh doanh online sẽ giúp mình cạnh tranh lành mạnh hơn, thu nhập cao hơn.

cao an biên

“Chúng tôi tự cách ly, điều trị tại nhà, cả xóm ai cũng bị chứ không riêng gì 2 vợ chồng. Có những lúc khó thở tưởng chừng như sắp chết, chúng tôi cứ cầu nguyện mong được sống để nuôi 2 con. Tôi mất mẹ năm 12 tuổi nên biết được nỗi đau đó, không mong nó đến với các con mình”, chị rưng rưng nhớ lại.

Nhờ tinh thần lạc quan và khát vọng sống, giữa tháng 8 sức khỏe của chị Vi và chồng dần hồi phục, nhưng tiền bạc thì không còn một đồng. Anh chị ở yên một chỗ, sống bằng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình nội ngoại, chờ dịch sớm qua để được làm lại từ đầu.

Nhớ lại thời điểm hồi tháng 5, ngay trước đợt dịch Covid-19 bùng phát, chị cảm thấy may mắn khi vừa kịp trang bị cho mình ít “vốn liếng" kiến thức kinh doanh để có thể khởi nghiệp. Lúc đó, chồng chị, anh Thái Ngọc Anh (38 tuổi, tài xế Gojek), nhận được thông tin từ Gojek về chương trình “Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2” nhằm đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp cho người thân của các đối tác tài xế Gojek. Anh Ngọc Anh liền đăng ký và khuyến khích chị Vi tham gia. Trong ba tuần, chị Vi học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng nấu ăn, pha chế, quản lý kinh doanh cũng như cách vận hành gian hàng trên nền tảng công nghệ. Chưa kịp mở gian hàng trên GoFood thì giãn cách xã hội, mọi kế hoạch đành tạm gác lại.

Nhờ Gojek hỗ trợ chiếc điện thoại để kinh doanh, chị mới có thể khai trương quán. Chiếc điện thoại cũng là phương tiện học online của con trai.

CAO AN BIÊN

Chị Vi chọn bắt đầu khởi nghiệp bằng món trà sữa, do chị học được từ khoá đào tạo. Được mọi người khen là nấu ngon, cộng với kiến thức học được về quản lý kinh doanh từ Gojek, chị tự tin là mình sẽ làm được.

Covid-19 sáng 23.10: 881.522 ca nhiễm, 803.326 ca khỏi | TP.HCM hỗ trợ đợt 3 đến tháng 11

Khi shipper là… chồng

Với quan niệm “vạn sự khởi đầu nan, cứ đi rồi sẽ đến”, ngoài số vốn nhỏ chị Vi được Gojek hỗ trợ từ chương trình “Để không ai bị bỏ lại phía sau", chị Vi vay mượn thêm người thân hơn 3 triệu đồng rồi mua các nguyên vật liệu cần thiết để mở bán. Gojek cùng Đài truyền hình TP.HCM và một đối tác phân phối hỗ trợ chị một chiếc điện thoại thông minh để chị có thể bắt đầu việc kinh doanh trực tuyến. Món quà bất ngờ có giá trị sử dụng cao, vì trước đó 2 vợ chồng chị dùng chung 1 chiếc điện thoại, khi nào anh chạy xe thì phải mang điện thoại theo để nhận khách. “Cái điện thoại này rất quý với gia đình tôi, vừa để mình kiếm cơm nhưng cũng là để cho đứa con lớn mới vô lớp 1 học online. Hai mẹ con cứ chia nhau mà dùng, đôi lúc bất tiện nhưng cũng phải cố gắng”, chị kể.

Quán không có biển hiệu, nhưng được đặt tên trên app là Soobin theo tên của con trai út.

CAO AN BIÊN

Những ngày qua, vì mới bắt đầu bán nên lượng khách vẫn chưa nhiều, chủ yếu là hàng xóm đến mua ủng hộ và một số đơn hàng đặt qua GoFood của Gojek. Tuy nhiên, chị tin tưởng khi mình nấu ngon kết hợp với việc kinh doanh qua nền tảng công nghệ. thời gian tới sẽ được nhiều người biết đến hơn, dần dần việc buôn bán sẽ khởi sắc.

Chi Vi dứt lời, anh Ngọc Anh cũng vừa hoàn tất một đơn hàng và về phòng trọ để nghỉ ngơi, sẵn phụ vợ những công việc lặt vặt. “Trước đó, vợ tôi từng bán bánh tráng trộn dạo ở nhiều nơi nhưng không được khả quan, khi thì ế ẩm, khi lại bị những người khác “ăn hiếp” vì họ thấy mình giành mất khách của họ. Nhà tôi thì ở hẻm sâu nên nếu mở quán kiểu thông thường thì chả mấy người biết mà mua. Giờ bán qua app như vậy vừa khỏe cho mình vì có thêm thời gian chăm con, vừa quảng bá cho nhiều khách ở các quận khác biết tới”, anh bày tỏ.

Có những đơn hàng ở quán của vợ “nổ” vào tài khoản của anh Ngọc Anh, vì vậy hàng xóm hay chọc: “Vợ thì bán, chồng thì giao chẳng mấy chốc mà giàu”. Hai vợ chồng nhìn nhau cười, cũng mong ngày đó tới lắm.

Tất cả vì “2 cục vàng”

Chiều chiều, bà Đỗ Thị Ngọc Anh (50 tuổi, hàng xóm) ghé quán chị Vi mua 2 phần bánh tráng trộn và 1 ly trà sữa. Bà nói mình là khách “ruột” ở đây từ ngày đầu mở bán, phần vì chủ quán làm ngon, phần vì muốn ủng hộ đôi vợ chồng trẻ.

“Nhìn hai vợ chồng nó thấy thương lắm, ai cũng hiền, cũng dễ thương. Tụi nó thì khó khăn nhưng chí thú làm ăn nuôi con, mong là quán sẽ được nhiều người biết tới”, bà nói rồi cầm những phần ăn vặt về cho chồng.

Bà Ngọc Anh là khách ruột của quán.

CAO AN BIÊN

Chị Vi cho biết mình không ngừng lắng nghe đóng góp của khách để món ăn được hoàn thiện hơn.

CAO AN BIÊN

2 con của anh chị, bé lớn hiện đang học lớp 1, bé nhỏ mới 4 tuổi. Đó là “cục vàng”, là tài sản lớn nhất của anh chị sau 13 năm quen nhau rồi nên vợ nên chồng.

Thời gian tới, chị Vi lường trước việc kinh doanh của mình sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cũng như sự hỗ trợ từ Gojek, chị tin mình sẽ thành công, cùng chồng nuôi con ăn học thành tài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.