Những bóng hồng băng qua bão Covid-19: Chủ quán chân giò vỡ nợ chạy xe công nghệ

21/10/2021 10:20 GMT+7

Từng là chủ quán chân giò quay với nhiều dự định về kinh doanh nhưng dịch Covid-19 khiến chị Trang phải đóng cửa, chuyển sang bám đường, bám xe khi trở thành tài xế công nghệ. Dù công việc chạy xe, giao hàng khá vất vả với phụ nữ, nhưng chị luôn xem đó là cái duyên, thoải mái với công việc mình lựa chọn.

5 giờ chiều, trời Hà Nội mưa tầm tã, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (32 tuổi, quê Hòa Bình) hoàn thành đơn hàng cuối cùng. Chị ghé khu chợ gần chỗ mình trọ mua ít thịt gà, rau củ để chuẩn bị bữa tối đợi chồng về cùng ăn. Gần 1 năm nay, giữa dịch bệnh, cuộc sống với nghề xe ôm công nghệ cứ thế diễn ra bình yên, nhẹ nhàng cùng chị và gia đình.

Vượt qua nợ nần, nuôi con khôn lớn

Căn phòng nhỏ hơn 10m2 ở thị trấn Văn Điển (H.Thanh Trì) đủ đặt một tấm ván gỗ làm chỗ ngủ, chiếc tủ lạnh cùng vài đồ sinh hoạt lặt vặt là nơi ở của vợ chồng chị Trang. Trên gác xép chất đầy bàn ghế, quạt hơi nước – những thứ chị sắm từ khi mở cửa hàng bán chân giò.

Chị vừa chuẩn bị bữa tối vừa tâm sự về cuộc sống và quyết định đến với nghề tài xế xe ôm công nghệ của mình. Chị Trang cho biết, đầu năm 2020, vợ chồng chị mở cửa hàng bán chân giò quay. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối năm ngoái khiến việc kinh doanh trở nên ế ẩm, chị đóng quán, chuyển sang đi chợ rau. Bán rau được gần 4 tháng nhưng chỗ ngồi không ổn định, chị nghỉ và chuyển sang làm tài xế Gojek từ tháng 4.2021 đến giờ.

Chị Trang làm tài xế Gojek từ tháng 4.2021

dương lan

“Vốn liếng dành dụm trước đó vợ chồng tôi tập trung vào quán bán chân giò. Mới đầu lượng khách cũng ổn định nhưng đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát, khách mất dần, nhà tôi phải vay mượn để duy trì hoạt động. Vợ chồng dự định kinh doanh ổn hơn sẽ mở quán bia nhưng khách không có nên nhiều áp lực, dần trở nên chán nản. Tôi chuyển sang bán rau được mấy tháng, anh bán thịt quay nhưng cũng không thành. Lúc đó nợ khá nhiều, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang làm tài xế Gojek và xem đó như cái duyên của mình, không tiếc nuối. Tài xế vất vả thật nhưng thoải mái về đầu óc, không phải suy nghĩ nhiều”, chị chia sẻ.

Dù trời mưa nhưng chị vẫn chạy xe để kiếm tiền bù vào thời gian nghỉ dịch Covid-19

dương lan

Mới vào nghề, chị Trang cũng gặp khó khăn, chưa quen với chỉ đường trên ứng dụng. Gặp khách say rượu còn trêu ghẹo đi xe ôm là phải ôm, chị từ chối khéo léo để nhận được tiền nhưng không khiến họ phật ý. Có nhiều khách đặt vị trí trên định vị ở đầu ngõ nhưng thực tế lại yêu cầu đưa vào tận nhà cách đấy gần 2km, khiến chị hơi buồn. “Với nhiều người khác có thể sẽ xin thêm tiền ship nhưng tôi không như vậy. Dù trong lòng không vừa ý, đặc biệt vào giờ cao điểm hoặc dưới trời nắng nôi, tôi vẫn cố vui vẻ, làm cho tốt công việc”, chị tâm sự.

“Với nhiều người khác có thể sẽ xin thêm tiền ship nhưng tôi không như vậy. Dù trong lòng không vừa ý, đặc biệt vào giờ cao điểm hoặc dưới trời nắng nôi, tôi vẫn cố vui vẻ, làm cho tốt công việc”

Chị Trang nói

Chị Trang cùng chồng là anh Lương Ngọc Tuấn (34 tuổi) có một bé trai năm nay học lớp 6, gửi ở quê với ông bà ngoại. Dịch Covid-19 bùng phát khiến chị phải nghỉ làm từ tháng 7, về quê chồng ở Mỹ Đức (Hà Nội) để đỡ tiền ăn uống, sinh hoạt. Thời gian khó khăn này, vợ chồng chị may mắn cũng được công ty hỗ trợ tài chính, dù số tiền không nhiều nhưng là nguồn động viên tinh thần rất lớn lúc khó khăn.

Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, chị phấn khởi, vui mừng khi được chạy xe trở lại kiếm tiền trả nợ và gửi về nuôi con ăn học. “Nghỉ ở nhà cũng oải người nên được chạy xe trở lại tôi thấy thoải mái, phấn khởi vì được ra ngoài, được đi làm kiếm tiền. Ở xa cũng nhớ con nên hôm nào đạt định mức sớm, vợ chồng đi xe máy về thăm con, sáng hôm sau lại đi làm. Tôi và chồng cùng chạy xe từ sáng sớm nên tầm chiều tôi sẽ về sớm, cơm nước đợi anh ấy về ăn cùng. Hôm nào anh có việc về quê, một mình tôi ở phòng cũng buồn, chả muốn ăn uống gì vì vợ chồng ăn cơm với nhau quen rồi”, chị Trang vui vẻ kể.

Chị không tiếc nuối khi nghỉ bán chân giò chuyển sang làm tài xế công nghệ

dương lan

Duyên nợ nghề của chồng và vợ

Chị Trang cho hay trời nóng không ngủ được, vợ chồng chị thường xuyên dậy sớm, mở app Gojek từ 4 rưỡi sáng. Nếu không có dịch, chăm chỉ làm ăn, có tháng riêng chị cũng kiếm được 12 triệu đồng, đủ tiền sinh hoạt, nuôi con và tích góp trả nợ dần.

“Đến giờ tôi nhận ra chạy xe trở thành niềm đam mê của mình. Bố tôi trước cũng chạy xe ôm 20 năm. Làm tài xế cũng có lúc vất vả, nắng nôi, mưa gió nhưng cũng có nhiều niềm vui khi được chở khách, mang đồ đến cho mọi người. Về tương lai, tôi không dám chắc gì nhưng hiện tại tôi vui vì được làm nghề mình yêu thích, được va chạm với nhiều người để biết thêm mọi điều trong cuộc sống, từ đó có thêm bài học cho mình”, chị chia sẻ.

Chị hy vọng vợ chồng chị sẽ nhận được đơn đều đều để có thêm thu nhập vì đó là nghề chính nuôi gia đình. “Tôi luôn nghĩ trong cuộc sống không ai là không nợ. Tôi không nợ tình sẽ nợ tiền nên trời cho sức khỏe, tôi sẽ gắn bó với nghề dài, kiếm tiền nuôi con, trả tiền nợ, hi vọng dần dần cuộc sống sẽ khấm khá hơn”, chị bộc bạch.

Anh Tuấn chồng chị đặt định mức chạy đơn cao hơn vợ nên thường xuyên về muộn. Về phòng trọ thấy cơm nước đã sẵn sàng, anh vui vẻ kể chuyện với vợ về những đơn hàng trong ngày. Vừa là chồng vừa là đồng nghiệp nên anh hiểu được những khó khăn, vất vả khi phụ nữ làm tài xế công nghệ.

Căn phòng nhỏ hẹp vợ chồng chị thuê với giá 900.000 đồng/tháng để có chỗ ở

dương lan

“Làm nghề tài xế xe ôm cũng có những rủi ro trên đường, tôi cũng chạy xe nên hiểu được khó khăn của chị em khi đi làm. Tôi thường xuyên nhắc nhở vợ đi từ từ, bình tĩnh, với cả phụ nữ đêm hôm nguy hiểm nên tôi cũng không để vợ về muộn. Trời mùa hè tôi thường đi sớm, cũng muốn vợ ngủ thêm chút nhưng tôi dậy vợ cũng tỉnh nên hai vợ chồng cùng đi”, anh Tuấn tâm sự.

“Tôi cũng chạy xe nên hiểu được khó khăn của chị em khi đi làm. Tôi thường xuyên nhắc nhở vợ đi từ từ, bình tĩnh, với cả phụ nữ đêm hôm nguy hiểm nên tôi cũng không để vợ về muộn. Trời mùa hè tôi thường đi sớm, cũng muốn vợ ngủ thêm chút nhưng tôi dậy vợ cũng tỉnh nên hai vợ chồng cùng đi”

Anh Tuấn tâm sự

Chị Trang nấu bữa tối sau một ngày chạy xe

dương lan

Những năm trước, chị Trang vẫn theo nghề bán hàng nên thường không có ngày nghỉ hay ngày lễ cho chị em phụ nữ như ngày 20.10 hay 8.3. “Những dịp lễ thường có nhiều khách, bán được hàng nên chúng tôi rất bận, không tổ chức gì. Khi bán hết hàng cũng đã muộn nên vợ chồng thường ăn uống linh tinh rồi về nghỉ ngơi mai lại tiếp tục công việc.

Niềm hạnh phúc bình dị trong cuộc sống của chị là được cùng chồng đi làm, ăn cơm với nhau

Dương Lan

Dịp 20.10 năm nay khác hẳn mọi năm, với công việc chạy xe, chiều chúng tôi sắp xế về sớm nấu ăn, vợ chồng cùng ăn bữa tối. Tôi cũng mong tất cả chị em phụ nữ luôn vui tươi, trẻ khỏe và thực hiện ước mơ mà mình mong muốn”, chị Trang bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.