Nhưng cho EURO này, sự chờ đợi không phải 4, mà 5 năm. Một đại dịch đã tràn qua và không chỉ khiến EURO bị lùi lại một năm, mà còn đẩy họ xa các sân vận động, biến những khán đài thành một bãi sa mạc hoang vắng và mồ côi tiếng hò hét, tiếng hát và cả tiếng huýt sáo của họ. May thay, những ngày chờ đợi đang ngắn dần, và chỉ còn vài ngày nữa, trái bóng EURO 2020 sẽ lăn trên sân cỏ châu Âu, bắt đầu bằng trận khai mạc ở Rome giữa Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng để đợi chờ, bởi rất nhiều lý do. Bởi thay vì 4 năm thì 5 năm rồi chúng ta mới lại được thấy EURO, bởi đấy là giải đấu đầu tiên trong lịch sử diễn ra trong năm lẻ, giải đấu EURO đầu tiên sử dụng công nghệ VAR, giải đầu tiên cho phép thay 5 người trong trận, và cũng là giải đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh của một đại dịch toàn cầu vẫn đang đe dọa tất cả, dù trên thực tế, châu Âu đã kiểm soát được dịch nhờ tiêm vắc xin đại trà. Nhưng dù thế nào đi nữa, trái bóng vẫn sẽ lăn, khán giả được trở lại sân, tiếng reo hò sẽ vang lên và cuộc sống trở lại đầy háo hức trên các khán đài.
|
Và như thế, ý tưởng tổ chức một EURO ở cả 4 phương 8 hướng của châu Âu để kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của giải đấu này sẽ thành hiện thực, với những quyết tâm và nỗ lực không ngừng của UEFA và các nước đăng cai. Nhìn lại 6 thập kỷ trước, khi Chiến tranh lạnh còn chia châu Âu làm hai phía, EURO không đem đến nhiều hứng khởi đến thế. Chỉ có 17 nước tham gia vòng loại. Ý, Anh và Đức không tham gia, Tây Ban Nha thì thà rút lui còn hơn là đối đầu với Liên Xô, đội đầu tiên vô địch EURO. Nhưng rồi những đám mây tan đi, sự thờ ơ dần biến mất, những câu chuyện chính trị bị gạt sang bên nhường chỗ cho những trận đấu hấp dẫn sau đó. Tây Ban Nha vô địch 1964, Ý 1968, Đức 1972, Tiệp Khắc 1976… Cứ thế, EURO 4 năm một lần, ngày càng hay hơn, tạo ra những huyền thoại như quả penalty kinh điển của Panenka năm 1976, 9 bàn thắng - một kỷ lục của Platini năm 1984, bàn thắng đẹp ngất ngây của Van Basten ở trận chung kết 1988, chuyện cổ tích của Đan Mạch năm 1992 và Hy Lạp 2004. Những EURO sau này ít lãng mạn đi, không còn những cá nhân quá nổi trội khi các triết lý bóng đá đã thay đổi, nhưng vẫn đầy ắp kịch tính và chất chứa vô vàn đam mê.
|
|
Chính bởi thế, bởi một năm trì hoãn, bởi khán giả đã trở lại và bởi cả một EURO được tổ chức khắp các góc châu Âu, người ta đã rất chờ đợi và hy vọng. Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Đức và Bồ Đào Nha là những ứng viên lớn, nhưng đừng quên những Ý, Hà Lan, Croatia hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể tạo nên những điều kỳ diệu, và nếu Xứ Wales ít ai ngờ đến có thể vào tới bán kết EURO 2016, trong khi Iceland vào đến vòng tứ kết, thì những Phần Lan hay Bắc Macedonia, lần đầu tiên góp mặt, cũng như Ba Lan của chiếc giày vàng Lewandowski và chính Xứ Wales của Gareth Bale hoàn toàn có thể mơ đến việc gây ra những cú sốc ở năm nay. Trái bóng luôn tròn, và EURO chưa bao giờ thiếu kịch tính…
Tuyển Pháp sẽ vô địch, Anh ít cơ hội
Đó là dự đoán trong cuộc thăm dò mới đây của siêu máy tính khi cho rằng tuyển Pháp của HLV Didier Deschamps, đương kim vô địch World Cup và á quân châu Âu có đến 20,5% cơ hội vô địch. Xếp sau là tuyển Bỉ với chân sút Lukaku đang có phong độ tốt có 15,7%. Tuyển Tây Ban Nha đứng thứ ba với 11,3% và Đức 9,8%, còn ĐKVĐ Bồ Đào Nha xếp thứ 5 với 9,6%. Bất ngờ nhất là tuyển Anh không được đánh giá cao khi xếp thứ 9 với 5,2% dưới cả Ý, Hà Lan, Đan Mạch. Dự đoán này khác với tỷ lệ đưa ra của nhà cái khi xếp Anh lên thứ nhì với tỷ lệ 11/2 (đặt 2 ăn 11) chỉ sau Pháp 5/1... T.K
|
EURO 2020 có gì khác so với các kỳ EURO trước ?Lần đầu tiên trong lịch sử được tổ chức ở nhiều quốc gia
Kể từ khi ra đời năm 1960 đến nay, vòng chung kết EURO thường được diễn ra tại 1 - 2 quốc gia chủ nhà đăng cai. Năm nay, do nhiều lý do mà lần đầu tiên trong lịch sử, ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu được tổ chức trên các sân vận động của 11 quốc gia: Anh, Ý, Đức, Nga, Azerbaijan, Hungary, Tây Ban Nha, Romania, Hà Lan, Scotland, Đan Mạch. Trong số các quốc gia chủ nhà năm nay, đáng chú ý nhất là việc Azerbaijan và Romania dù không giành được quyền tham dự vòng chung kết EURO 2020 nhưng vẫn được tổ chức các trận đấu bảng A và C. Trong khi đó, Nga là quốc gia được tổ chức nhiều trận đấu ở vòng bảng nhất với 6 trận gồm 3 trận bảng B (với sự tham dự của tuyển Nga) và 3 trận bảng E.
Cuộc hội ngộ của các nhà vô địch
Với sự trở lại của Hà Lan và Đan Mạch, vòng chung kết EURO năm nay hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn với sự hiện diện của 9/10 đội bóng từng được nâng cao chiếc Cúp vô địch châu Âu trong quá khứ, gồm: Ý, Nga (được coi là thừa kế của Liên Xô - vô địch năm 1960), Tây Ban Nha, Pháp, CH Czech (được coi là thừa kế của Tiệp Khắc - vô địch năm 1976), Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Đan Mạch. Như vậy năm nay chỉ vắng mặt duy nhất nhà vô địch EURO 2004 là tuyển Hy Lạp do không vượt qua được vòng loại.
Trong số này, Đức là đội bóng giàu truyền thống nhất với 3 lần vô địch châu Âu vào các năm 1972, 1980, 1996 (ngang với Tây Ban Nha) và là đội giữ kỷ lục 13 lần liên tiếp lọt vào vòng chung kết EURO kể từ năm 1972 đến nay.
Chào đón 2 tân binh
Trong danh sách 24 đội bóng tham gia tranh tài tại EURO 2020, có tới 19 đội từng hiện diện tại EURO 2016. Bên cạnh đó, vòng chung kết năm nay cũng chào đón sự trở lại của 3 đội bóng từng xuất hiện ở các kỳ EURO trước đó là Hà Lan, Đan Mạch và Scotland.
Còn lại chỉ có đúng 2 đội lần đầu tiên giành được quyền góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất lục địa già là Phần Lan và Bắc Macedona. Đây là con số ít hơn nhiều so với EURO 2016 (có tới 5 tân binh là Iceland, Bắc Ireland, Xứ Wales, Albania và Slovakia).
Hương Thùy
|
Bình luận (0)