Một hồn thơ thuần Việt

Việt Chiến
Việt Chiến
21/10/2018 07:15 GMT+7

Trong cuộc giao lưu đầu tiên giữa các nhà văn VN và hải ngoại với chủ đề 'Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc' do Hội Nhà văn VN tổ chức tháng 10.2017 tại Hà Nội, tôi đã gặp nhà thơ Trương Anh Tú, một giọng thơ hồn nhiên, trẻ trung, sôi nổi vừa từ Đức về tham dự.

Sau một năm, anh trở lại Hà Nội với lễ ra mắt tập thơ thứ hai của mình - Những mùa hoa anh nói do NXB Hội Nhà văn ấn hành, với 90 bài thơ.
Người đọc có thể nhận ra ngay, bao trùm toàn bộ không gian thi ca của Trương Anh Tú trong tập thơ này là một hồn thơ thuần Việt. Đây là điều sẽ khiến không ít người bất ngờ khi đọc thơ anh vì ta cứ ngỡ rằng, một người sống và viết ở nước ngoài nhiều năm như Trương Anh Tú thì các trào lưu thi ca đương đại châu Âu sẽ ảnh hưởng tới sự sáng tạo của anh, hoặc chí ít cũng làm thay đổi giọng điệu thơ theo hướng hậu hiện đại. Nhưng không, những chặng thời gian thi ca ở hải ngoại đã không ảnh hưởng, không làm thay đổi không gian thi ca thuần Việt của Trương Anh Tú. Trong bài thơ Nhớ về Hoàng Cầm anh viết: “Một đời tìm lá diêu bông/Một đời mang bóng dòng sông quê nhà/Một đời hóa hạt mưa sa/Trắng cùng tóc mẹ/Khóc òa thi nhân”. Rồi trong bài thơ Nhớ Hữu Loan, anh ngâm ngợi: “Người đi về phía chiều mưa/Hoa sim vẫn tím say xưa núi đồi/Người đi về phía đơn côi/Viết thơ trên đá/Đắp bồi nhân gian”... Qua những câu thơ lục bát nói trên, ta nhận ra cái mỹ cảm thuần Việt trong những thi ảnh, thi ngôn, thi cảm, thi ý của ngôn ngữ thơ Việt nơi Trương Anh Tú.
Với giọng điệu thơ trong trẻo và hồn nhiên, gương mặt thơ Trương Anh Tú dần hiện ra theo cách: “Ta ngồi bạc áo phong trần/Mai sau còn lại trong ngần trẻ thơ”. Trong nhiều bài thơ của anh, nhịp đập trái tim trẻ trung vẫn ngân rung đầy bỡ ngỡ và ngạc nhiên trước vẻ đẹp của núi sông đất nước, vẻ đẹp của cuộc đời và của tình người. Phải chăng nỗi nhớ quê hương, đất nước của những người con xa xứ luôn thao thức và thắp lên ngọn lửa nồng ấm trong tâm hồn khi họ hướng về những kỷ niệm của thuở thiếu thời, như mối tình ở thuở mới biết yêu, mặc dù ngày trở về những đổi thay của làng xóm, quê hương thời đô thị hóa cũng khiến đôi lúc ngỡ ngàng, xa xót: “Bên hiên hàng xóm tôi trông/Cô hàng xóm đã mặt hồng phấn son/Hình như trăng đã thôi tròn/Hình như xuân cũng chẳng còn hương cau”...
Đọc thơ Trương Anh Tú, tôi ngỡ như vừa chạm vào một nguồn nước trong lành nơi cái giếng làng bao đời lặng lẽ nằm im lìm dưới những bóng tre. Để hiểu rằng điệu hồn thơ Việt của anh đã và sẽ cất lên những tiếng tri âm, tri kỷ từ nguồn cội ấy của quê hương chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.