Kỳ thi tốt nghiệp THPT do đó luôn được chờ mong phải sạch tiêu cực, đủ để tạo niềm tin cho xã hội.
Dù có những nỗ lực rất lớn từ các ban ngành, tổ chức xã hội chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo an toàn, nghiêm túc, không để cho bất kỳ thí sinh nào khó khăn mà không đến được trường thi, nhưng khi kết thúc kỳ thi thường vẫn có những vấn đề gây bức xúc trong dư luận.
Vụ gian lận điểm thi “rúng động lịch sử” thi năm 2018 khiến Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy trình chấm thi tốt nghiệp. Nghi vấn lộ lọt đề thi môn sinh trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 dẫn đến năm nay Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy trình ra đề thi. Việc phát hiện và khởi tố vụ án gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi năm ngoái khiến năm 2022 những người tổ chức thi đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn; trong đó có yêu cầu thí sinh để vật dụng, trang thiết bị cách phòng thi 25 m. Một số địa phương như Hà Nam, công an tỉnh phối hợp với các trường THPT tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời yêu cầu tất cả học sinh lớp 12 và phụ huynh ký cam kết không vi phạm… Thoạt nhìn thì giải pháp này tỏ ra hiệu quả để tạo nên một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng. Tuy nhiên, tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đâu chỉ có thí sinh mà còn lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, các ban ngành hỗ trợ, cán bộ giảng viên trường đại học, giám thị… Vì vậy, nếu chỉ mỗi học sinh và phụ huynh cam kết không vi phạm thì cũng không giải quyết được vấn đề. Đó là chưa kể, nhìn lại những tiêu cực thi cử trong thời gian qua thì gian lận có tính hệ thống và gây hậu quả nghiêm trọng lại không phải thuộc về thí sinh.
Thi tốt nghiệp THPT dù vẫn có mục đích xét tuyển đại học nhưng chủ yếu vẫn là để tốt nghiệp, vì vậy trách nhiệm rất lớn thuộc về địa phương. Thế nên lãnh đạo địa phương cần thoát khỏi những ràng buộc về thành tích, công tâm tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, đánh giá đúng thực lực của ngành để có những điều chỉnh dạy học phù hợp, giúp nâng cao chất lượng giáo dục, cũng là chất lượng của nguồn nhân lực tương lai.
Hiện nay các trường đại học thực hiện nhiều phương thức xét tuyển riêng nên với nhiều thí sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn áp lực như vài năm trước. Những thí sinh này xem kết quả thi tốt nghiệp như điều kiện đủ để vào đại học. Tâm lý này cũng góp phần khiến thi tốt nghiệp cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, với nhiều trường đại học lớn, những ngành học có sức hấp dẫn thì chỉ cần chênh nhau từ 0,25 điểm trong kỳ thi này cũng có thể khiến thí sinh trượt cơ hội trúng tuyển. Vì lẽ đó, trong “cuộc đua” này cần sự công tâm của tất cả những người tham gia để tránh tình trạng mất công bằng.
Tuy nhiên không thể cứ chống tiêu cực trong thi cử bằng cách chạy theo “bịt lỗ hổng” từng năm mà cần những giải pháp bền vững hơn. Và trên hết trong từng nhà trường, từng giáo viên, học sinh cần dạy thực, học thực, thi thực ngay trong mỗi giờ học, xem đó như là một nét văn hóa học đường thì sẽ không còn lăn tăn với tiêu cực thi cử vào mỗi mùa thi.
Bình luận (0)