Di dân và ngôn ngữ
Quảng Nam là vùng đất trải qua nhiều biến động trong lịch sử Nam tiến của dân tộc VN, là nơi đầu tiên mà những nhà truyền giáo châu Âu sáng tạo ra chữ quốc ngữ đến sinh sống. Ở đó có sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm, có lịch sử di dân từ miền Bắc vào trong nhiều giai đoạn, có sự đồng hóa và tiếp biến văn hóa…
Lịch sử di dân được nhắc đến trong các thư tịch xưa không nhiều, vấn đề quan trọng là cần phải tìm hiểu và xác định được nguồn gốc cũng như thân phận của những di dân đầu tiên đến sống trên đất Quảng Nam xưa. Có như vậy mới biết được phương ngữ nào được dùng đầu tiên trên vùng đất này, nói khác đi là tìm hiểu ai đã khai sinh ra giọng nói Quảng Nam hiện nay. Một câu hỏi rất khó có câu trả lời khả tín.
Theo Phủ tập Quảng Nam ký sự (niên đại thế kỷ 16), ghi chép việc Bùi Tá Hán tổ chức di dân từ phía bắc vào trấn Quảng Nam…, bấy giờ di dân ồ ạt vào Quảng Nam sinh sống lập nghiệp xuất phát từ Thanh Hóa, Nghệ An và Hải Dương. Và từ nhiều nguồn tài liệu, ghi chép khác được khảo chi tiết trong cuốn sách, Andrea Hoa Pham cho rằng: “Nghệ An và Thanh Hóa đã sớm có cái duyên với đất Quảng Nam, là nơi xuất thân của di dân ngay từ đầu, là quê hương gốc gác của các quan tướng, và của các di dân nghèo. Khi vào đất Quảng Nam, những người này đã mang theo giọng nói từ quê cha đất tổ”.
Ngoài các thư tịch, ghi chép, công trình khảo cứu, Andrea Hoa Pham còn quan tâm đến gia phả dòng họ ở Quảng Nam và vùng phụ cận - “nguồn ghi chép rời rạc về di dân”. Tác giả nhận xét: “Phần lớn các gia phả cho biết tổ tiên họ đã từ Thanh Hóa vào, số ít hơn là từ Nghệ An […], và thi thoảng từ các tỉnh khác ở đồng bằng Bắc bộ, như Hải Dương hoặc Ninh Bình”.
Nghiên cứu về âm vị học của phương ngữ Quảng Nam cũng là một cách gián tiếp đào rộng và sâu về dân tộc học lịch sử, nhân học văn hóa học, lịch sử Nam tiến, lịch sử di dân… Trong bức tranh nghiên cứu rộng lớn không chỉ về ngôn ngữ, Andrea Hoa Pham đưa ra một giả thuyết rằng phương ngữ Quảng Nam, nguồn gốc tiếng Quảng Nam, được hình thành theo những dòng người di cư từ miền Bắc vào từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 18, cụ thể là từ vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh - “hai phương ngữ nền tảng đã cung cấp chất liệu cho việc hình thành giọng nói Quảng Nam”, rằng giọng Quảng Nam “không giống ai” ấy được hình thành trên nền của giọng Thanh Hóa và pha trộn thêm vài yếu tố trong thổ ngữ Nghệ Tĩnh.
Giọng nói là căn cước
Theo Andrea Hoa Pham, khác biệt lớn nhất giữa giọng Quảng Nam, so với giọng Bắc và giọng Nam, là giọng Quảng Nam có thêm một nguyên âm viết bằng a trong chữ quốc ngữ mà những phương ngữ khác không có. Cụ thể, nguyên âm a trong các giọng địa phương khác được người Quảng Nam phát âm như oa (trong âm tiết mở) hoặc ô (trước phụ âm m và p). Ví dụ: ba, má, gà, cá, đạp được người Quảng Nam phát âm nghe như boa, móa, gòa, cóa, độp (xe đạp = xe độp). Hoặc liên quan đến âm ă, một số trường hợp phát âm ă thành “e dài”, ví dụ: ăn không ăn tắt đèn đi ngủ chó cắn nhăn răng được người Quảng Nam nói là eng không eng téc đèng đi ngủ chó céng nheng reng... Theo thời gian, những phát âm kiểu này tồn tại như một chỉ dấu để xác định căn cước dân Quảng Nam.
PGS-TS Andrea Hoa Pham cùng GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) sẽ có buổi trò chuyện về cuốn sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam vào sáng 9.7 tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.
Nguyên âm a, đặc trưng quan trọng trong giọng Quảng Nam, dẫn đến giọng nói “một mình một chợ”, có nguồn gốc và xuất xứ từ đâu? Qua dữ liệu điền dã, tiến hành phân tích ngữ âm - âm vị, Andrea Hoa Pham chứng minh rằng nguyên âm lạ tai như trong các từ lạ, cá, bàn trong giọng Quảng Nam xuất phát từ một số thổ ngữ ở H.Đức Thọ (Hà Tĩnh) và thổ ngữ làng Thạc ở H.Thọ Xuân (Thanh Hóa), nguyên âm ấy đã tìm được “người anh em họ” ở hai thổ ngữ này.
“Nguyên âm ấy được du nhập vào giọng Quảng Nam qua con đường tiếp xúc giữa các di dân và được hòa quyện (integrated) vào hệ thống âm vị giọng Quảng Nam qua các hoạt động nội tại của ngôn ngữ để trở thành một nguyên âm “chính hiệu”, được phân bố rộng rãi trong âm tiết, có chỗ đứng đàng hoàng dưới ánh mặt trời như bất kỳ một nguyên âm nào khác của giọng Quảng Nam”. Việc “vay mượn” này không phải bê nguyên xi từ ngôn ngữ nguồn mà qua các quá trình vận động ngôn ngữ, được âm vị hóa và định hình.
Lý giải cho việc điền dã và phân tích sự dị biệt hữu ích này, Andrea Hoa Pham cho rằng “khi tư liệu lịch sử di dân còn nhiều chỗ trống hoặc mù mờ, thì người ta quay sang những chỗ giống nhau giữa các phương ngữ khác hẳn nhau để tìm kiếm thêm manh mối về nguồn gốc di dân”. Trong bối cảnh thiếu thốn tư liệu, ghi chép, việc phát hiện các thổ ngữ đặc biệt (có nguy cơ bị đồng hóa hoặc dần biến mất) này là điểm mấu chốt cho thấy mối quan hệ chặt chẽ trên nhiều phương diện giữa giọng Thanh Hóa, Hà Tĩnh và giọng Quảng Nam, và cũng là một điểm nhấn của công trình nghiên cứu.
Qua Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, Andrea Hoa Pham muốn lý giải sự khác biệt, và lý do hình thành sự khác biệt, của hệ thống âm vị giọng Quảng Nam so với các phương ngữ khác. Dù đưa ra nhiều luận giải, nhiều tài liệu điền dã khả tín, Andrea Hoa Pham cũng rất tỉnh táo khi cho rằng cuốn sách này không phải là công trình hoàn chỉnh, những luận giải đưa ra mới chỉ là một góc nhìn, một cách hiểu “hợp lý nhất” với những dữ liệu và chứng cứ hiện có.
Bình luận (0)