Thứ nhất, giải quyết lệch pha cung - cầu mà lâu nay chúng ta vẫn nói nhưng lại chưa có giải pháp gì để điều chỉnh. Đó là phân khúc nhà ở cao cấp nhiều, thậm chí chiếm tới 100% nguồn cung trên thị trường tính đến thời điểm hiện tại, theo quan sát của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoRea). Trong khi phân khúc căn hộ vừa túi tiền, phân khúc tập trung đông nhất nhu cầu xã hội thì biến mất.
Thứ hai, tạo điều kiện tăng cung nhà ở thương mại trên thị trường, từ đó kéo giá mặt bằng bất động sản của VN, vốn bị đánh giá là quá cao so với thu nhập, xuống để nhiều người hơn nữa tiếp cận được chỗ an cư. Giải quyết được bài toán trên thì thị trường bất động sản tự động sẽ phát triển lành mạnh, bền vững và hiệu quả hơn.
Việc này thực chất cũng không khó và không có gì quá đặc biệt. Chính sách ưu tiên, ưu đãi vẫn được chúng ta sử dụng khi cần điều tiết hay khi cần tập trung phát triển lĩnh vực, ngành nghề nào đó. Đơn cử ở thời điểm hiện tại, Chính phủ muốn thu hút các nguồn vốn vào bán dẫn, AI nên đã ban hành chính sách ưu đãi 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các ngành này. Hay để thúc đẩy sản xuất thì lãi suất cho vay ngắn hạn 5 nhóm ngành lĩnh vực gồm: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, và DN ứng dụng công nghệ cao… được ưu tiên thấp hơn mức lãi vay trên thị trường. Bất động sản cũng không ngoại lệ, chúng ta cũng có nhiều chính sách ưu đãi về đất, lãi suất, thuế... với cả chủ đầu tư cũng như người mua nhà ở xã hội, nhà tái định cư. Riêng nhà ở thương mại thì chủ yếu do thị trường tự quyết. Thế nhưng mấy năm nay nguồn cung nhà ở thương mại khan hiếm, dự án ra thị trường nhỏ giọt, phân khúc trung cấp và vừa túi tiền thậm chí đã biến mất. Vì thế, trong bối cảnh Nhà nước tăng cung nhà ở thương mại, việc bổ sung quy định ưu tiên cho phân khúc trung cấp và vừa túi tiền như đề xuất của HoRea là hợp tình, hợp lý.
Đề xuất của HoRea là cần thiết. Nhưng có một việc thiết thực, hiệu quả và cấp bách mà chúng ta nói bao lâu nay nhưng vẫn chưa thực hiện được. Đó chính là tháo ách tắc về pháp lý, thủ tục hành chính; cán bộ dám quyết, dám chịu trách nhiệm thì chưa cần đến dự án mới, thị trường bất động sản cũng sẽ được bổ sung hàng trăm, hàng ngàn dự án đang dở dang ở khắp nơi.
Tại TP.HCM, nhiều chủ đầu tư phải thất tín với khách hàng, bởi dù nỗ lực hết sức vẫn không thể khởi công dự án sau nhiều năm lo pháp lý; có dự án dở dang 2 thập niên, đơn thư xin ý kiến gửi nhiều lần không nhận được hồi đáp, cả khách hàng lẫn DN đều bế tắc. Hàng trăm dự án ách tắc, công bố họp hành, tháo gỡ công khai, nhưng vướng mắc vẫn hoàn vướng mắc. Tháo gỡ chủ yếu là hô hào, không thực chất. Vì thế, nguồn lực đất đai của nhà nước, vốn liếng của DN, tiền bạc tích cóp của người mua nhà đổ vào đây rồi chôn lưu cữu bao năm..., lãng phí không thể nào kể hết.
Nếu thủ tục cho một dự án từ lúc xin chủ trương đầu tư cho tới lúc ra đến tay người tiêu dùng rút ngắn nhất xuống còn 6 tháng - 1 năm thay vì 3 - 5 năm, thậm chí hàng chục năm như hiện tại, thì chi phí được tiết giảm, giá nhà giảm, nguồn cung tăng nhanh, các vi phạm xây dựng, chủ đầu tư bán lúa non, khách hàng khiếu kiện... cũng tự động giảm bớt.
Mấu chốt của khan hiếm nguồn cung nhà ở thương mại trên thị trường vẫn nằm ở vướng mắc pháp lý. Bốc thuốc đúng bệnh thì trị mới dứt điểm.
Đó cũng là điều mà thị trường bất động sản mong mỏi lâu nay.
Bình luận (0)