Một năm hội nghị văn hóa toàn quốc: Nở rộ 'thành phố sáng tạo'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/11/2022 07:01 GMT+7

Sau Hà Nội , một loạt thành phố đang chuẩn bị hồ sơ để trở thành thành viên mạng lưới “thành phố sáng tạo” của UNESCO.

Người vào đường đua, người thực thi cam kết

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào ngày 24.11.2021, một hội thảo lớn mang tên “Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo VN” được tổ chức vào tháng 12 cùng năm. Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), khi đó cho biết hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề án xây dựng mạng lưới “TP sáng tạo” VN. Theo kế hoạch, đề án tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế về sáng tạo vì sự phát triển bền vững của một số TP ở VN như: TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu.

Không gian đèn lồng vẽ tranh dân gian, một sáng tạo của họa sĩ Xuân Lam trong lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội

BTC

Nếu như hội thảo tháng 12 năm ngoái, nhiều TP còn đang phân vân khi chọn lĩnh vực để đăng ký hồ sơ sáng tạo thì năm 2022 các địa phương có quan điểm rõ ràng hơn. Tháng 8.2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản cho phép UBND TP.Đà Lạt xây dựng hồ sơ, đề án tham gia mạng lưới các “TP sáng tạo” của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Trong khi đó, TP.Hội An xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian theo đề nghị của các chuyên gia. Huế muốn trở thành “TP sáng tạo” lĩnh vực ẩm thực đã có những chương trình nghiên cứu ẩm thực chuyên nghiệp để kiểm kê và tìm cách phát huy lĩnh vực này. Đà Nẵng muốn tham gia trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thông…

Huế có lợi thế ẩm thực khi làm hồ sơ “TP sáng tạo”

NVCC

Cũng sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hà Nội tiếp tục đi những bước đầu tiên trên con đường “TP sáng tạo”. Theo đó, thủ đô phải hoàn thành một số cam kết mình đưa ra khi nộp hồ sơ “TP sáng tạo” về thiết kế. Về chính sách, năm nay Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về công nghiệp văn hóa thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn 2030, định hướng 2045. Lễ hội thiết kế sáng tạo của Hà Nội có chủ đề “Thiết kế và công nghệ” được tổ chức tháng 11.2022. Trong đó, Hà Nội khởi động cuộc thi Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội (thường niên) để khuyến khích giới trẻ khám phá các giá trị văn hóa lịch sử trong khu vực phố cổ Hà Nội và đề xuất ý tưởng thiết kế các không gian nghệ thuật công cộng.

Lễ hội thiết kế sáng tạo lần này có nhiều điểm đến thu hút công chúng. Có thể gặp ở lễ hội năm nay trải nghiệm triển lãm và game tương tác Airskylen tại không gian di sản Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm). Không gian do nghệ sĩ Quang Lâm thực hiện cho phép khách được “lái máy bay” trong không gian mô phỏng của thủ đô Hà Nội. Không gian cũng có những đồ vật nhắc nhớ đến bầu trời, ký ức, hàng không và cả những ước mơ: postcards, máy bay mô hình, đồng hồ...

Những điểm đến văn hóa

Theo hai tác giả Kiều Việt Cường và Nguyễn Bích Ngọc (Chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc tại VN UN-Habitat Vietnam), khái niệm “TP sáng tạo” bắt đầu từ những năm cuối 1970 tại châu Âu và sau đó tại Úc. Nó thể hiện sự kết hợp giữa quy hoạch đô thị với góc nhìn xã hội học nhằm thúc đẩy một cái nhìn toàn diện về cuộc sống đô thị ở các TP. Mạng lưới các “TP sáng tạo” của UNESCO cũng lấy sáng tạo và công nghiệp văn hóa làm yếu tố chiến lược vì sự phát triển bền vững của TP mình.

Hai tác giả đánh giá cao việc các dự án nghệ thuật công cộng cải tạo không gian trở nên đẹp hơn, kể những câu chuyện tái hiện lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, và đóng góp không gian tổ chức các hoạt động nghệ thuật cộng đồng cho TP. Họ cũng đánh giá cao dự án cải tạo bờ ven sông Hồng cùng với người dân đã mang đến một không gian nghệ thuật ngoài trời hoàn toàn mới cho Hà Nội, mở ra nhiều tiềm năng cho TP và tạo điều kiện cải thiện sinh kế cho cộng đồng nghèo ven sông. Đấy cũng chính là điều mà một “TP sáng tạo” cần làm.

Tác giả Việt Cường và Bích Ngọc hiến kế nên xây dựng ủy ban chuyên trách gồm đại diện nhiều bên để cùng cơ quan quản lý liên quan hỗ trợ kinh tế sáng tạo. Sáng kiến này có tham khảo ví dụ của TP.Bandung (Indonesia), nơi có một ủy ban kinh tế sáng tạo gồm các học viện, cộng đồng và truyền thông. Ủy ban có nhiệm vụ tạo ra một lộ trình, chiến lược và kế hoạch hành động, hợp tác chặt chẽ với chính quyền để phát triển nền kinh tế sáng tạo, quản lý và hỗ trợ các sáng kiến từ dưới lên dựa theo mục tiêu “TP sáng tạo”.

PGS-TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cũng đưa ra nhiều ví dụ kinh nghiệm phát triển “TP sáng tạo” trên thế giới mà VN có thể học tập. Tại “TP sáng tạo” về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian Baguio (Philippines), nhiều lễ hội được hình thành trên lợi thế này. Trong đó, lễ hội hoa Panagbenga là nền tảng sáng tạo chính, thu hút nghệ nhân từ các nhóm ngôn ngữ khác nhau quảng bá nghề thủ công như điêu khắc gỗ, nghề dệt. Lễ hội này là một sáng kiến chung do TP và khu vực sáng tạo tổ chức, nhằm mục đích tăng cường sự tiếp xúc quốc tế của ngành thủ công địa phương.

Bà Thủy cũng có thiện cảm với cách “TP sáng tạo” về điện ảnh Sydney (Úc) cam kết hỗ trợ thử nghiệm và đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra không gian để thử và sai. TP tập trung nguồn lực vào các dự án và chiến lược cho phép các nghệ sĩ và những người thực hành sáng tạo duy trì tính độc lập, linh hoạt và khả năng chấp nhận rủi ro của họ.

PGS-TS Thủy đặc biệt lưu ý kinh nghiệm về việc hợp tác công - tư. Theo đó, ở một số TP, bên cạnh chính phủ thì khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng giúp hiện thực hóa các sáng kiến trong nền kinh tế sáng tạo. Trường hợp của TP âm nhạc sáng tạo Frutillar (Chile) cho thấy giá trị của các quỹ tư nhân trong phát triển kinh tế sáng tạo khi sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương còn hạn chế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.