Tôi đặt chân đến thành phố Cao Bằng vào lúc 4 giờ sáng, sau gần 8 tiếng di chuyển từ Hà Nội. Cao Bằng một sáng tháng 12 mờ sương, se lạnh và yên tĩnh. Sau vài giờ nghỉ ngơi, tôi thuê một chiếc xe máy với giá 150.000 đồng/ngày và bắt đầu hành trình thăm thú thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao - những địa điểm mà người ta hay nói “chưa đi chưa đến Cao Bằng”.
Từ trung tâm thành phố, chạy chừng 80 km là đến thác Bản Giốc. Rong ruổi trên cung đường nơi biên cương Tổ quốc, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi băng qua những con đèo quanh co, uốn lượn, chìm đắm trong vẻ đẹp nao lòng của núi non trùng điệp và những cánh rừng xanh ngút ngàn. Trái với cuộc sống ồn ào nơi đô thị, những mái nhà nép mình dưới chân núi tạo nên khung cảnh bình dị, yên ả.
Bản Giốc là một trong 7 thác hùng vĩ nhất thế giới thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Thác có độ cao trên 30 m với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua các tầng đá vôi, tung bọt nước trắng xóa làm mờ cả một vùng rộng lớn. Có lẽ chính sự đối nghịch giữa sự dữ dội của thác nước phía trên và hiền hòa của mặt sông bên dưới khiến Bản Giốc được ví von như là dải lụa vắt ngang núi rừng Đông Bắc. Đến đây, du khách có thể chèo thuyền trên sông Quây Sơn để ngắm thác, hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng và tận hưởng cảm giác mát lành.
Cách thác Bản Giốc khoảng 3 km là động Ngườm nổi tiếng với vẻ đẹp huyền bí của hệ thống thạch nhũ kỳ thú. Đây là hang động xếp vào hàng đẹp nhất Việt Nam, có chiều dài 2.144 m, được hình thành từ sự phong hóa lâu đời của đá vôi.
Du khách tham quan động sẽ bắt đầu từ cửa Ngườm Lồm và ra bằng cửa Ngườm Ngao. Các vòm động và nhũ đá muôn hình vạn trạng cứ đóng vào, mở ra khiến tôi như lạc vào mê cung thần tiên. Phần nền hang là những măng đá đang hình thành, có chỗ đã cứng nhưng cũng có đoạn khá mềm, lồi lõm do dòng chảy của nước và những giọt nước đọng lại.
|
|
|
|
|
|
Trên đường từ thành phố đến thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, tôi dừng chân tại một phiên chợ vùng cao. Không chỉ là nơi trao đổi buôn bán mà chợ còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của dân địa phương. Chợ tuy nhỏ nhưng cũng phân chia rõ từng khu hàng hóa khác nhau. Những phiên chợ thế này không có nhiều du khách ghé thăm, chủ yếu là dân địa phương buôn bán với nhau. Giá cả các mặt hàng đều rất rẻ và người dân vô cùng niềm nở, thân thiện.
Một ngày ở Cao Bằng của tôi kết thúc bằng một bữa ăn no nê ở thành phố. Nếu có dịp đến thăm Cao Bằng, bạn đừng quên thưởng thức những món đặc sản như bánh cuốn, bánh rán và một bát bún “chuẩn vị Cao Bằng” với lạp xưởng đượm mùi gác bếp nhé.
Bình luận (0)