Theo SCMP, Foxconn - đối tác sản xuất và lắp ráp lớn nhất của Apple đã chốt kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việc Apple muốn dịch chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, bao gồm cả thiết bị quan trọng như iPhone không còn là điều phải che giấu. Từ khoảng năm 2019, "táo khuyết" đã cân nhắc rất nhiều về kế hoạch này sau khi Mỹ áp thuế mới lên một số sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vai trò của Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất iPhone ngày càng tăng |
chụp màn hình nikkei |
Tuy Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại trước khi iPhone nằm trong danh mục bị đánh thuế đặc biệt, một số sản phẩm Apple vẫn bị ảnh hưởng. CEO Tim Cook "đứng ngồi không yên" vì mức thuế mà Apple phải chi trả do chính phủ Mỹ khởi xướng. Nếu hãng không muốn trả thì số tiền này sẽ đánh vào khách hàng dưới hình thức tăng giá bán sản phẩm.
Ngoài ra, cũng còn vài lý do khiến CEO Tim Cook muốn đưa việc lắp ráp ra khỏi Trung Quốc. Một trong số đó là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt hoàn toàn, nên luôn có khả năng xảy ra xung đột thương mại giữa hai bên. Apple cũng sợ Bắc Kinh có thể tiếp tục ban bố lệnh phong tỏa nhằm giảm đà lây lan của Covid-19 tại đây. Trong diễn biến gần nhất vào tháng 11.2022, dây chuyền sản xuất của Foxconn đã bị ảnh hưởng vì công nhân cố gắng trốn lệnh phong tỏa nhà máy.
Apple cũng phải thừa nhận đại dịch đã tác động tiêu cực tới cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất của Foxconn tại thành phố Trịnh Châu (Trung Quốc), gây sụt giảm nguồn cung các mẫu iPhone 14 series cho thị trường. Khi đó, Apple đã giảm kỳ vọng lượng máy xuất đi cũng như thông báo khách hàng sẽ phải đợi lâu hơn dự kiến mới có thể nhận sản phẩm mới.
Theo Phone Arena, nhanh nhất vào tháng 5.2023, dòng iPad và MacBook sẽ bắt đầu sản xuất tại nhà máy Foxconn ở Việt Nam. Mục tiêu của Apple là đưa sản phẩm vốn lắp ráp tại Trung Quốc sang dây chuyền tại Việt Nam. Theo kế hoạch này, Foxconn Việt Nam đã sẵn sàng với khoảng 60.000 nhân công địa phương.
Ngoài Trung Quốc, Apple còn đang sản xuất iPhone ở Ấn Độ. Từ năm 2017, hãng bắt đầu ráp iPhone SE ở đây và đã tăng số lượng mẫu từ dây chuyền sản xuất tại cơ sở của hãng Wistron. Theo chuyên gia phân tích Ming-Chi Kuo, năm 2022, Apple "bật đèn xanh" cho Wistron lắp ráp iPhone 14 với sản lượng lớn. Dù vẫn sau Trung Quốc tới 6 tuần, khoảng cách giữa 2 thị trường đang dần được rút ngắn lại.
Dự báo về năm 2023, ông Kuo nói: "Có lý do để tin rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ cùng bắt đầu lắp ráp iPhone 15" - dấu hiệu cho thấy khả năng Apple dời dây chuyền lắp ráp iPhone khỏi Trung Quốc, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Chuyên gia phân tích Luke Lin của DigiTimes cho rằng tới năm 2027, Ấn Độ sẽ là quốc gia xuất xưởng khoảng 50% tổng lượng iPhone có trên thế giới. Còn theo ngân hàng đầu tư JP Morgan tính toán, năm 2025 sẽ có 25% iPhone toàn cầu được lắp ráp tại Ấn Độ.
Từ tháng 4 tới 12.2022, số lượng iPhone xuất đi từ Ấn Độ đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đó. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của Apple. Lượng iPhone tiêu thụ tại đây tăng 36% vào quý 3/2022, trong khi các đối thủ nội địa như Xiaomi, Oppo đều ghi nhận sụt giảm.
Bình luận (0)