Một phụ nữ sở hữu gần 10.000 sim điện thoại

Mai Hà
Mai Hà
15/04/2020 17:08 GMT+7

Lợi dụng lỗ hổng trong quy định không giới hạn số lượng sim mỗi mạng di động với 1 cá nhân, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký sở hữu hàng nghìn sim điện thoại .

Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông vừa kết luận về việc chấp hành pháp luật quản lý thông tin thuê bao di động tại các nhà mạng VNPT - VinaPhone, Viettel, MobiFone.
Theo kết luận thanh tra, các nhà mạng đều chấp hành nghiêm các quy định, đặc biệt là việc triển khai đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước bằng công nghệ AI.
Tuy nhiên, có tình trạng cá nhân, tổ chức đang sở hữu hàng nghìn sim điện thoại, không phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của cá nhân.
Cụ thể, tại Viettel, đoàn thanh tra phát hiện nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng sim di động với số lượng lớn, trong đó lớn nhất là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Duy Thịnh (Hà Nội), sở hữu 88.637 thuê bao di động.
Đoàn thanh tra cùng cán bộ Viettel đã mời 13 tổ chức và 2 cá nhân sở hữu số lượng thuê bao lớn để xác minh thông tin. Tuy nhiên, chỉ có 5 tổ chức là các công ty cung cấp dịch vụ giám sát hành trình đến làm việc. Các công ty này đăng ký thông tin thuê bao đúng quy định và sử dụng đúng mục đích.
Các công ty và 2 cá nhân còn lại viện lý do ốm hoặc đi công tác không đến làm việc. Qua xác minh, đoàn thanh tra phát hiện địa chỉ đăng ký Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Duy Thịnh là nhà riêng, không có biển hiệu công ty. Một trường hợp khác là Công ty TNHH Đầu tư thương mại tổng hợp Liên Minh (Hà Nội) sở hữu 33.308 thuê bao, nhưng địa chỉ đăng ký không đúng, một số doanh nghiệp khác thì đóng cửa.
Tại VNPT - VinaPhone, kết quả rà soát cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao trong thời kỳ thanh tra cho thấy có 20 chủ thuê bao đăng ký sở hữu lớn nhất số lượng thuê bao, không phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của cá nhân. Trong đó, bà N.T.H.M sở hữu 9.661 thuê bao, bà T.T.P sở hữu 6.906 thuê bao…
Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng, do Nghị định 49/2017/NĐ-CP không quy định hạn chế số lượng sim, do vậy, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng quy định này để đăng ký số lượng lớn thuê bao, sau đó bán ra thị trường.
Theo Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, việc doanh nghiệp mua sim cho nhân viên sử dụng là vô lý và không có trên thực tế, trừ trường hợp doanh nghiệp sử dụng sim dữ liệu để giám sát hành trình. Đặc biệt, dù đoàn thanh tra có cả thành viên là cán bộ công an nhưng cũng không thể yêu cầu các cá nhân, tổ chức đến làm rõ các sim này đang ở đâu.
Vì vậy, Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông kiến nghị bổ sung quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu 3 sim/mạng di động, doanh nghiệp sở hữu tối đa 100 sim/mạng di động.
Ngoài ra, điểm bất cập khác của Nghị định 49, theo Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, là quy định doanh nghiệp viễn thông di động phải kiểm tra, giám sát, đảm bảo các số thuê bao đó được sử dụng cho bản thân, con đẻ, con nuôi đối với chủ thuê bao là cá nhân; cho nhân viên, thiết bị đối với chủ thuê bao là tổ chức.
Tuy nhiên, do không quy định rõ về nội dung kiểm tra giám sát là gì, như phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ, hợp đồng lao động… dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân đã đăng ký hàng vài chục nghìn thuê bao, nhưng không thể khẳng định doanh nghiệp viễn thông có thực hiện kiểm tra trước khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.