Một sự thách thức?

27/12/2020 06:32 GMT+7

Câu chuyện quản lý di sản từ công trình Panorama Mã Pì Lèng có thể nói, là một trường hợp điển hình, cho thấy sự qua loa đại khái trong xử lý vi phạm các vụ việc xâm hại đến tự nhiên...

Mới đây, Cục Di sản văn hóa vừa có công văn yêu cầu Sở VH-TT-DL Hà Giang cung cấp thông tin và giải thích về việc công trình Panorama Mã Pì Lèng bị dư luận phản ứng rằng càng cải tạo thì càng bề thế hơn trước.
Trước đó, với áp lực của dư luận, Bộ VH-TT-DL đã ra Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH ngày 14.10.2019, thống nhất với các bên liên quan và hướng dẫn về phương án khắc phục công trình này theo hướng biến Panorama Mã Pì Lèng thành một điểm dừng chân với kiến trúc, cao độ hài hòa với cảnh quan và có hình thái phù hợp với văn hóa bản địa.
Việc cải tạo theo hướng nâng tầng “hoành tráng” hơn của chủ đầu tư Panorama Mã Pì Lèng, qua hình ảnh mà du khách ghi được, là đi trái với tinh thần của công văn nói trên. Hơn thế, sự “ngạo nghễ” của công trình hiện tại trước cảnh quan gần như là một đáp trả có tính công khai thách thức đối với giới quan sát, chuyên môn từng lên tiếng bảo vệ giá trị di sản thiên nhiên Mã Pì Lèng.
Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu trong việc quản lý xây dựng nói riêng, trong vấn đề bảo vệ di sản nói chung.
Chưa rõ các cơ quan chức năng ở Hà Giang sẽ giải trình hay biện hộ thế nào khi để xảy ra sự việc trêu ngươi này. Nhưng cũng cần xác định rằng, nếu như đây là một sai phạm giẫm lên sai phạm, thì chính Bộ VH-TT-DL cũng cần phải nhận một phần trách nhiệm quan trọng trong việc giám sát thực thi hướng dẫn chuyên môn.
Câu chuyện này nhắc nhớ rằng, việc xử lý sai phạm hướng đến bảo vệ di sản được ban hành từ cơ quan chuyên môn trung ương xuống địa phương cần những phương án mang tính chi tiết, cụ thể và những giải pháp chuyên môn, để tránh trường hợp tìm kẽ hở, tự ý diễn dịch, càng sửa càng sai nhiều hơn và sai lộ liễu hơn.
Câu chuyện quản lý di sản từ công trình Panorama Mã Pì Lèng có thể nói, là một trường hợp điển hình, cho thấy sự qua loa đại khái trong xử lý vi phạm các vụ việc xâm hại đến tự nhiên và công trình kiến trúc lịch sử sẽ là cơ hội cho những tiêu cực phát sinh, những “luật chơi ngầm”, những màn phù phép tiêu cực để cái sai không những không bị xóa bỏ mà còn liên tiếp được sinh ra ở mức độ nặng hơn.
Sự việc này có chung bản chất với hàng loạt sai phạm nối tiếp sai phạm trong các dự án xây dựng trái phép, can thiệp thiên nhiên đầy thô bạo tại Lâm Đồng, và mới nhất là tại Đồng Nai. Chắc chắn quy mô các dự án như vậy nếu không có sự tiếp tay của cơ quan chức năng địa phương thì không thể nào diễn ra.
Nếu những sai phạm đó không được xử lý triệt để, thì mất mát nằm ở chính niềm tin của người dân vào sự chính trực, công minh của bộ máy quản lý. Cuối cùng, mất mát lớn nhất, đó chính là công sản, di sản của cộng đồng, là tài nguyên quý giá đang bị rúc rỉa, bào mòn từng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.