Một thập niên con người phơi bày sự riêng tư

31/12/2019 08:09 GMT+7

Nghi vấn ca sĩ Văn Mai Hương lộ những đoạn video riêng tư tại nhà do lỗ hổng an toàn camera an ninh chỉ là một trong những biểu hiện của việc công nghệ ngày càng can thiệp quá sâu vào đời sống hằng ngày của con người.

Trong 10 năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, hơn bao giờ hết, đời sống riêng tư của chúng ta hầu như không còn nữa.

Ăn gì, mặc gì, đi đâu cả thế giới đều biết !

Giả sử trong cuộc sống đời thường, nếu gặp ai bạn cũng thông báo sáng nay tôi ăn phở, trưa lại thông báo tiếp ăn cơm ở quán XYZ, chiều truyền thông tin ăn ở quán ABC… thì có khi người ta sẽ trố mắt nhìn tưởng bạn… không bình thường. Nhưng điều này lại hoàn toàn bình thường và trở nên hết sức phổ biến trong thế giới của mạng xã hội. Thậm chí, hôm nay bạn mặc gì, đi đến những đâu, chồng con bạn đang làm gì, tết sắp đến bạn sẽ du lịch ở đâu, tâm trạng của bạn hôm nay ra sao… đều được cả thế giới của mạng xã hội biết.
Mạng xã hội là một khái niệm còn khá mờ nhạt cách đây 10 năm nhưng đến nay thì không ít học sinh bậc tiểu học cũng đã sử dụng khá thành thạo một/nhiều mạng xã hội.
Trái đất hiện có hơn 7 tỉ người nhưng theo số liệu thống kê cho đến năm 2018, có hơn 3 tỉ người sử dụng các mạng xã hội và con số này ngày một tăng nhanh. Điều đó có nghĩa gần một nửa cư dân trên thế giới dùng mạng xã hội.
Đứng đầu hệ thống mạng xã hội hiện nay là Facebook. Dù đã ra đời trước đó, nhưng trong 10 năm qua, mạng xã hội này phát triển với tốc độ chóng mặt. Số người dùng ngày một tăng với hiện nay là hơn 2 tỉ người.
Instagram ra đời vào đúng năm 2010, năm đầu tiên của thập niên này, nhưng nay trở thành mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn với giới trẻ đến mức có ý kiến cho rằng đây là một trong những ứng dụng (app) quan trọng nhất của thập niên này. Hầu như người trẻ nào ngày nay cũng có tài khoản trên Instagram và cập nhật liên tục về những nơi mình đến, món ăn từng thưởng thức... Hầu như người trẻ không muốn bỏ lỡ bất kỳ một giây phút nào trong cuộc sống mà không đưa lên Instagram để cả thế giới này cùng biết, cùng chia sẻ.

“Sao máy tính biết mà quảng cáo đúng sản phẩm tôi đang tìm?”

Một sáng nào đó mở máy tính ra mà bạn thấy màn hình nhảy lên quảng cáo những sản phẩm mà bạn đang tìm kiếm hoặc vào trang web hay vào Facebook mà chỉ thấy toàn những thông tin mà bạn đã, đang quan tâm thì cũng đừng choáng. Đây chính là chuyện thường ngày của thời kỳ gọi là “dữ liệu lớn” hay “trí tuệ nhân tạo” (AI). Bất cứ mọi hoạt động nào của chúng ta trên thế giới mạng đều được lưu trữ lại để mang đến cho từng cá nhân sự tiện ích nhất.
Sống trong thế giới này, chúng ta dễ cảm thấy hết sức thoải mái khi con người cá nhân được “nuông chiều” hết mức. Khi bạn muốn tìm khách sạn cho kỳ nghỉ sắp tới của gia đình thì liền sau đó “máy” sẽ gợi ý cho bạn rất nhiều lựa chọn. Khi bạn theo dõi thường xuyên ai hoặc quan tâm vấn đề gì thì trên News Feed của Facebook chỉ xuất hiện những gì đáp ứng đúng nhu cầu của bạn… Điều này cho thấy chưa bao giờ con người cá nhân được quan tâm sâu sắc đến vậy.
Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt. Mặt trái của câu chuyện này là mọi hành vi của chúng ta trên thế giới mạng đều không còn gì là của riêng mình, thậm chí mọi dữ liệu thông tin của chúng ta đều được sử dụng như một mặt hàng để các công ty công nghệ kinh doanh. Chúng ta gần như bị theo dõi tứ phía nhưng vẫn vô tư, hồn nhiên công khai mọi hoạt động trên thế giới mạng xã hội.
Và dù sự kiện bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng của Facebook liên quan đến Cambridge Analytica trong năm 2018 cho thấy ít nhất 87 triệu người dùng Facebook bị thu thập dữ liệu; còn trong năm 2019 hơn 267 triệu người dùng Facebook, chủ yếu ở Mỹ, đã bị lộ thông tin cá nhân trên một website dành cho hacker thì xem ra con người vẫn không muốn tách rời mạng xã hội nếu chưa muốn nói ngày càng lệ thuộc vào nó.
Mặt khác, khi “cá nhân hóa” quá độ, khi vào mạng xã hội, chúng ta chỉ toàn nhìn thấy những ý kiến, vấn đề cùng phía khiến con người ngày càng ít chịu khó mở lòng tiếp nhận những quan điểm trái chiều.

Robot giống người, con người lại trở thành máy !

Những năm cuối cùng của thập niên này chúng ta thấy rõ giới công nghệ đã tập trung rất nhiều vào sự tự động hóa. Từ xe không người lái đến robot thực hiện các công việc thay thế con người… Chuyện đưa ra một yêu cầu rồi kêu máy móc thực hiện hoặc trả lời trước đây cứ ngỡ như trong truyện khoa học viễn tưởng thì nay đã trở thành đời thực khi con người có các trợ lý ảo, được sử dụng phổ biến như Amazon Alexa, Google Assistant và Apple Siri.
Thế giới ngày nay càng vô cùng nhỏ khi bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể trao đổi trực tiếp và nhìn thấy bạn bè mình cách xa nửa vòng trái đất qua hàng chục ứng dụng. Thế nhưng đó cũng là lúc chúng ta dần mất đi cảm xúc mong muốn được gặp nhau thật ngoài đời, được chạm vào nhau, được nắm tay nhau, có những cái ôm nồng ấm của bạn bè sau bao ngày xa cách.
Trong vòng 10 năm qua, nhờ công nghệ, thế giới và cuộc sống con người đã có những thay đổi khủng khiếp và kỳ lạ. Nó tác động mạnh mẽ đến từng ngõ ngách trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, vào từng bữa ăn, từng phòng ngủ. Bên cạnh những tiện ích, công nghệ còn gây nên những đứt gãy hay làm đổi thay những giá trị.
Nếu đặt câu hỏi trong 10 năm nữa cuộc sống con người sẽ như thế nào, có lẽ không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra vì chính bản thân chúng ta cũng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong vòng xoáy biến đổi của công nghệ trong một thập niên vừa qua.
Trong sự biến động đó, con người cần được giáo dục để đứng trên công nghệ, để tuy sống cùng nhưng không quá lệ thuộc vào nó, để vẫn giữ được những giá trị, phẩm chất của một con người mà không máy móc nào có thể thay thế được - đó là một trái tim đầy yêu thương, sự cảm thông, sự chia sẻ và sức sáng tạo mạnh mẽ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.