Một thoáng miền Tây

01/11/2022 11:00 GMT+7

“Đố ai kiếm được cái vẩy con cá trê vàng Cái gan là con tép bạc mấy ngàn anh cũng mua”.

Trời vừa hừng đông, những giọt sương mai như còn vương trên chậu cúc vàng trước hiên nhà. Ấy vậy mà nơi lũy tre đầu làng, tôi đã nghe những thanh âm ngọt ngào của bài “Lý áo vá quàng” mà các cô, các bác miền Tây ra đồng đang ngân nga.

Hái bông súng mùa nước nổi

Lê Hoàng Vũ

Ôi chao! Một ngày mới lại bắt đầu, một ngày mới ở miền Tây, chỉ đơn giản với nắm xôi vò, hay chén cơm nguội cùng với cá kho rồi lại hăng say cuốc bẫm cày sâu. Có lẽ tôi không thể nào quên được những thói quen sinh hoạt giản dị, gần gũi ấy, chúng đã đi sâu vào tiềm thức của tôi từ thuở mới lên ba đến tận ngày phải rời quê lên thành phố.

Mỗi lần về thăm nhà, cái tình cái nghĩa của miền Tây như giấu nhẹm đi bao buồn bã, gian nan của tôi nơi đất khách quê người. Chỉ cần về tới An Giang, nhìn thấy bao cánh đồng lúa chín vàng ươm, từng đàn cò trắng chao liệng trên nền trời, nhìn thấy mấy đứa trẻ nô đùa trên con đê xanh xanh, thấy má bận bịu ở chái bếp sau nhà, tự nhiên tôi thấy lòng bình yên đến lạ. Miền Tây quê tôi đó, mảnh đất tâm hồn của tôi, những nghĩa tình bền chặt đã nuôi dưỡng tôi từ cái ngày còn đỏ hỏn trong tay mẹ cho đến tận bây giờ.

An Giang quê tôi là một vùng đồng bằng trù phú, hiền hòa với những dòng sông xanh ngắt lượn lờ uốn quanh, mỗi khi mùa nước nổi về, những dòng chảy ấy lại đỏ nặng phù sa như chuyên chở hết thảy những nghĩa tình, cần cù của người dân miền Tây dành cho cánh đồng, cây lúa. Về An Giang mùa gặt là cả một khoảng trời thanh bình, yên ả, chỉ đơn giản là ngắm nhìn từng bông lúa vàng ươm hay nghe tiếng sáo diều vi vu xa thẳm, thế thôi nhưng lại là cả một khoảng trời ký ức đẹp đẽ của tôi. Tôi nhớ cánh diều ngày ấy bay rất cao, mang cả những khát vọng và hoài bão của tôi đến những chân trời mới lạ. Không chỉ thế, những thức quà quê ở miền Tây luôn là những món quà vô giá đối với tâm thức của tôi, tôi thèm món canh chua cá lóc má nấu với bông điên điển, tôi nhớ món cá linh kho, nhớ từng con khô, chén cơm nguội những ngày nhà còn thiếu thốn, vất vả. Mỗi mùa nước nổi về, thân ảnh gầy gò của má trên chiếc xuồng ba lá giữa mênh mông sông nước càng làm cho tôi thấy thương nhiều hơn những điều giản dị. Má đã lam lũ vất vả nuôi tôi khôn lớn, miền Tây đã đùm bọc, nuôi nấng và chắp cánh cho những hoài bão của tôi. Tôi quên làm sao được? Tôi mãi mãi, mãi mãi sẽ khắc sâu hình ảnh thiêng liêng của vùng đất này trong trái tim mình. Những đêm dài ở phố thị, tôi lại mở từng tấm ảnh cũ ra để ngắm nhìn, rồi tôi bất giác bật khóc như một đứa trẻ vì nhớ rặng dừa nghiêng mình trong bóng nước và nhớ cả chiếc cầu tre nghiêng nghiêng bóng mẹ dưới đêm trăng.

“Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau".

Nhớ nhất là những lời ca ngọt ngào, đằm thắm, nồng hậu của anh Tư, chị Sáu. Trong từng câu ca như vẽ lên cả một khung trời thanh bình, ở đó có tình người chan chứa, có tình yêu đôi lứa đẹp đẽ, có tình thân giữa những người ruột thịt và có cả tình nghĩa của một vùng đất mang tên miền Tây yêu mến. Những điệu lý, câu hò hay lời ru đung đưa trên chiếc võng kẽo cà kẽo kẹt trong những giấc mơ trưa của tôi, nuôi lớn tôi từng ngày, từng ngày. Chúng êm dịu đến nỗi khi phải cất bước ra đi, bất giác những lời ca hào sảng ấy cứ vương vẫn mãi chân tôi, níu giữ tâm trí của tôi. Người dân quê tôi họ chọn gửi gắm lòng mình vào những lời ca tiếng hát, một chút nhiệt thành, một chút chân chất ấy đã tô đậm cho nghĩa tình sâu đậm nơi quê nhà tôi. Ở cái mảnh đất này, họ gặp gỡ rồi yêu thương lấy nhau qua những câu hò đối đáp, cảm mến nhau bởi cái bụng dạ “thiệt thà”. Người miền Tây chúng tôi có nụ cười ngọt ngào, có giọng nói xởi lởi và có cái tấm chân tình, gắn bó với nhau đi suốt bao năm ròng.

Về miền Tây nhất định phải đi xem qua những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là vùng bảy núi An Giang, vùng đất thiêng liêng với bao danh lam thắng cảnh cùng những giai thoại được đời đời ca tụng. Không khí thiêng liêng của một lễ hội và những náo nhiệt, hân hoan của dòng người du hành càng làm tôi yêu quý và khắc sâu hơn hình bóng quê hương mình. Nhớ về Châu Đốc dự vía Bà Chúa Xứ 23 tháng 4, dâng hương cầu bình an cho gia đạo, có lẽ nó đã trở thành truyền thống bao đời nay của người dân An Giang nói riêng và người dân các tỉnh lân cận nói chung. Họ ghé lại mảnh đất này gửi gắm chút mong cầu hạnh phúc, sức khỏe cho người thân và rồi họ lại nhận được một món quà vô giá đó là lòng hiếu khách, ân cần của người dân quê tôi.

Tôi vẫn còn nhớ một chiều mưa ở Chùa Hang núi Sam, nơi mà đôi tay bé nhỏ của tôi run run trước cổng chùa nguyện cầu cho bà ngoại qua cơn bạo bệnh. Có lẽ vì tình yêu mà nơi chốn thiêng liêng, hiền hoà này dành cho tôi quá to lớn nên những nguyện cầu của tôi lúc ấy được hiện hữu, tôi lại được ngồi nghe ngoại kể chuyện về mảnh đất và con người An Giang. “An Giang là vùng đồng bằng với nhiều con sông hiền hoà, uốn lượn, là nơi thanh bình, an tĩnh ru cõi lòng ta vào giấc mộng đẹp”.

Có lẽ một thoáng miền Tây trong tôi chỉ đơn giản là nét hớn hở mỗi khi theo má ra chợ Tết, là nồi bánh tét canh đêm Giao thừa, là trưa hè đầy nắng ngoài ruộng chỉ đơn giản thế thôi, đơn giản thế thôi suốt gần chục năm trời. Mỗi đêm dài nơi xứ lạ, tôi vẫn hay ngước mắt lên trời cao để tìm ra vì sao sáng chói nhất, vì sao đó chắc chắn là đang chiếu soi cho An Giang của tôi, cho miền Tây của tôi một tương lai phát triển và bền vững. Chuyến xe thời gian vẫn không ngừng lăn bánh, tôi có thể cảm nhận quê hương mình trở mình thật lộng lẫy và tự hào như thế nào, nhưng trong những đổi mới ấy vẫn có những điều cũ kỹ yêu thương, những điều cũ kỹ đầy ấp tình cảm và kỷ niệm.

Ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai tôi đã, đang và sẽ cố gắng thật nhiều, bởi tôi biết tôi nợ miền Tây một ân tình, nợ một công ơn nuôi dưỡng sâu nặng, thế cho nên, tôi muốn cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho quê hương bằng chính sức lực và tình yêu của mình. Mảnh đất “hóa tâm hồn” của tôi đang đợi tôi trở về, đang mãi dõi theo từng bước chân trên hành trình của cuộc đời tôi. Tôi vẫn luôn khắc ghi một nỗi tự hào rằng mình là một người con của miền Tây, cũng như nguyện xin giữ mãi tấm lòng nhân hậu, hồn nhiên, lạc quan và nghĩa tình son sắt này, bởi với tôi đó là báu vật, là di sản thiêng liêng từ đời ba má, đời bà tôi và bao người dân miền Tây khác nữa.

Miền Tây, thoáng qua trong ký ức,

Miền Tây, thoáng qua một mảnh tình sâu đậm,

Miền Tây dẫu chỉ thoáng qua cũng nhớ nhung và ghi khắc muôn đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.