Một thời vó ngựa trường đua

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
06/06/2020 08:30 GMT+7

Nhà văn Hồ Biểu Chánh có thuở làm chức việc ở Sài Gòn, thấu hiểu mọi sự lẽ đời. Cụ từng viết về trường đua Phú Thọ (nay thuộc Q.11) trong những quyển tiểu thuyết của mình.

Một đoạn trích được viết từ năm 1935 trong cuốn tiểu thuyết Ở theo thời đọc lại vẫn thấy rất vui. Văn cụ ngộ lắm: “Đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ”.
Mấy chữ đờn ông đờn bà, lãnh tiền, tính coi độ kế... đã tạo ra một bản sắc rất riêng của văn chương Nam bộ đầu thế kỷ 20, mà ngoài Hồ Biểu Chánh ra, ít ai viết được.

Ngậm ngùi nghề nuôi ngựa

Nhưng, cái sự ăn chơi của người Sài thành thuở trước, nhất là cá cược đua ngựa ở trường đua Phú Thọ do Pháp xây dựng chỉ là một “dặm chân” trong hành trình dài của cụ Hồ Biểu Chánh dồn nén vào những suy nghiệm về thế thái nhân tình trong các tác phẩm: Ở theo thời, Nhơn tình ấm lạnh, Một chữ tình, Chị Đào chị Lý… và nhất là cuốn Ngọn cỏ gió đùa, phỏng cốt truyện của Victor Hugo trong tiểu thuyết Những người khốn khổ, được Việt hóa một cách tài tình, nâng tầm đỉnh cao của văn chương lục tỉnh thời ấy, bằng văn phong rặt chất miền Nam.
Năm 2000 khi về ngụ ở làng hoa Gò Vấp, biết nơi đây là xứ ngày trước chuyên nuôi ngựa đua, để “ăn thua đủ” những khi trường đua Phú Thọ mở kèo, nên tôi đi tìm. Từ Gò Vấp, tôi lang thang qua Hóc Môn, bắt đầu từ trại ngựa của ông Bảy trong một con hẻm đường Quang Trung. Bước vô nhà, ông đang ở ngoài chuồng cho ngựa ăn. Hai con ngựa cỏ gầy yếu còn sót lại khiến tôi nghe trong ông hắt ra cái giọng ngậm ngùi: “Nhớ nghề chăm chơi vậy thôi, chứ giờ đua gì nữa”. Con trai ông hai đứa, mỗi sáng thay nhau dẫn ngựa đi rong cho bớt cuồng chân, từ đường Quang Trung vòng xuống ngã năm Chuồng Chó, chạy qua Nguyễn Oanh, rồi về lại theo hướng đường Phan Văn Trị. Vó ngựa lóc cóc bên vệ đường, theo cùng dòng người xe lũ lượt. Cũng coi như để nhớ một thời quá vãng Phú Thọ còn lắm nô nức kẻ đặt kèo!
Đầm Sen với những ngày hè vui

Đầm Sen với những ngày hè vui

Ảnh: Cảnh An

Riết rồi cũng quên đi với cuộc mưu sinh. Một ngày gần đây, buổi sáng đi làm bỗng chợt thấy bên đường có chàng trai dắt con ngựa gầy chạy long tong. Chắc cũng nuôi để kéo xe thổ mộ cho mấy nơi làm du lịch, để người ta chụp hình, selfie gì gì đó, chớ còn đâu không khí như trong đoạn này: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp”, như cụ Hồ Biểu Chánh từng mô tả.
Biết là có một dạo, trường đua Phú Thọ mở cửa trở lại, lèo tèo với một số ít là ngựa nhập để đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách và bà con mê coi đua ngựa. Nhưng năm 2009, cái quy định về nài ngựa phải đúng tuổi lao động (18 tuổi trở lên), nhiều người đã cho rằng quy định ấy hoàn toàn không hợp lý. Vì nài ngựa dù nhỏ con, nhưng khôn ngoan lanh lẹ, biết trị ngựa chứng, thì việc lớn nhỏ không thành vấn đề. Chỉ đừng quá nhỏ tuổi mà thôi!

Đầm sen thơ mộng

Một đồng nghiệp thân có hôm giới thiệu với tôi một vị lãnh đạo công viên văn hóa Đầm Sen, ở Q.11. Vị ấy say sưa kể về Đầm Sen, có đủ thứ trong đó với 50 ha khuôn viên mà thành phố luôn... nâng niu. Nơi đây, nhiều lần tôi và vài người bạn ngồi ở chiếc thuyền rồng neo trên hồ, để đón làn gió lao xao trên những tán cây ven mặt nước. Nhìn ra những đôi tình nhân hoặc các gia đình về đây chơi đạp vịt. Những lúc ấy, Đầm Sen quả thật rất đẹp và có chút thơ mộng rất riêng. Một nơi hầu như không bao giờ chịu cảnh “xâm nhập” của đô thị hóa ồn ào nhộn nhịp ngoài kia.
Trong 50 ha ấy của diện tích Đầm Sen, có 20% là mặt nước và có đến 60% đất cây xanh. Chưa kể một khu du lịch nước là Đầm Sen Water Park kế bên, mà mỗi dịp hè như bây giờ, lúc nào cũng “bão hòa” vì các gia đình cho các em đến tránh nóng, nhất là vào dịp cuối tuần. Vậy nên, người ở tỉnh xa về, ai cũng tìm cách sắp xếp có dịp để “đi Đầm Sen cho biết”. Đó là một nét đặc trưng của Sài Gòn, là khoảng lặng để người ta nhớ về, sau khi rời nơi đô hội.
Mới đây, trong cuộc thi Thành phố tôi yêu do Báo Thanh Niên tổ chức viết về Sài Gòn - TP.HCM, có bạn viết ở Tây Ninh đã ghi dấu kỷ niệm của mình một lần được cha dẫn đi chơi Đầm Sen cách đây 30 năm, bằng một đoạn văn hoài niệm trong bài Tấm hình Đầm Sen được chọn trao giải: “Tôi cầm tấm hình đi ra ngoài hiên nhà nơi ba đang nằm võng đưa kẽo kẹt. Người đàn ông rắn rỏi, phong trần trong ảnh giờ tóc đã bạc trắng, mặt nhăn nheo da lốm đốm đồi mồi. Ba có nhớ lần chở con đi Đầm Sen bằng xe đạp không ba?”. Đọc đoạn này với câu hỏi hồi tưởng ấy, mới thấy câu chuyện không chỉ là một chuyến đi đến nơi này, mà là một… trời kỷ niệm với một địa chỉ du lịch đã từng ghi dấu ấn với biết bao người!

Đường “thập đạo tướng quân”

Vị tướng lừng danh Lê Hoàn với biệt hiệu “thập đạo tướng quân” được ghi danh xưng trong bài viết này chính là vua Lê Đại Hành, vị vua có nhiều nét đặc biệt của một giai đoạn lịch sử, và là người được Thái hậu Dương Vân Nga, vị thái hậu triều Đinh nhường ngôi, nay được đặt tên cho một con đường thuộc Q.11. Đường Lê Đại Hành là một con đường đẹp và thoáng, có thể xem đó là một trục lộ nối liền với nhiều con đường lớn để xuôi về Q.5 hoặc ngược hướng Tân Bình.
Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (lên ngôi là vua Lê Đại Hành), chính là một con người uy vũ và nhận lãnh một trách nhiệm lớn lao khi nhà Đinh đến hồi suy tàn. Từ câu chuyện chuyển tiếp từ triều Đinh cho đến triều Tiền Lê trong lịch sử, có thể thấy tài năng và sự mẫn cán với đất nước của Lê Hoàn trong một thời đoạn rối ren của triều đại bởi sự xung đột giữa ông với các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Lê Hoàn đã sắp xếp quy củ và thao thức tận cùng để từ nội loạn được dẹp yên, cho đến định đoạt việc ngoại bang xuất sắc là bình Chiêm và đánh Tống. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Thái hậu Dương Vân Nga đã có một quyết định vĩ đại là nhường ngôi cho ông. Dù bà biết rằng khi bước qua một triều đại mới, sẽ là một bước đối diện có thể lắm rủi ro, hoặc thân phận mình và con trai còn nhỏ không biết sẽ được phán quyết ra sao.
Vậy nên, cặp đôi lừng danh trong sử Việt ấy là một áng văn tuyệt tác cho rất nhiều sử gia, nhà văn và cả soạn giả cải lương khai thác, với vở Thái hậu Dương Vân Nga nổi tiếng trong kho tàng vở diễn sân khấu cải lương nước nhà.
Và cũng chính bởi vậy, mỗi khi đi qua con đường Lê Đại Hành rồi rẽ qua con đường kế bên, mang tên vị tướng Lý Thường Kiệt oai hùng, lại vọng về câu chuyện của thuở cách đây gần 10 thế kỷ, nghe như âm vang tự ngàn xưa áng thơ bất hủ bên bờ sông Như Nguyệt trong cuộc chiến đánh Tống năm nào: “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận ở sách trời…”.
Q.11, một quận nội thành TP.HCM, được thành lập năm 1969, giáp với 5 quận khác. Quận có 16 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc, diện tích tự nhiên là 5,14 km2. Dân số 209.000 người, mật độ 40.800 người/km2.
Nhà Tiền Lê khởi sự lên ngôi là Lê Đại Hành có 3 đời làm vua, tại vị được cả thảy chỉ 29 năm (980 - 1009) nhưng đã phá quân nhà Tống và đánh dẹp Chiêm Thành.
Về chuyện Lê Hoàn lên ngôi và trở thành Đại Hành hoàng đế, Việt Nam Sử lược của học giả Trần Trọng Kim ghi: “Bên ta được tin quân Tàu sắp sang, Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng làm đại tướng đem quân đi chống giữ. Trước khi khởi hành, Phạm Cự Lượng họp cả quân sĩ lại ở trong điện, rồi nói rằng: “Bây giờ quân nghịch sắp vào cõi, mà vua thì còn bé, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng mình. Dẫu chúng mình có hết sức lập được chút công nào, thì rồi ai biết cho? Chi bằng nay ta tôn Thập đạo tướng quân lên làm vua rồi ra đánh thì hơn”. Quân sĩ nghe nói đều hô vạn tuế. Thái hậu thấy quân sĩ thuận cả, mới sai lấy áo long cổn mặc vào cho Lê Hoàn” (trang 99 - 100).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.