Một tượng đài Cách mạng

10/09/2009 00:16 GMT+7

Hồ Chí Minh là một tượng đài Cách mạng. Tôi sẽ không bao giờ quên được ấn tượng toát lên từ ánh mắt của Người, ấn tượng về sự chính trực và đức độ trong sáng.

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày mất của Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người đã chiến đấu không mệt mỏi cho quyền lợi của dân tộc và viết lên những trang mới chói lọi trong lịch sử vẻ vang của đất nước này...
Cái tên Hồ Chí Minh đã trở nên hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ thanh niên Đức trước đây nhất là trong những năm 60 của thế kỷ trước. Các cuộc biểu tình lớn của sinh viên Tây Đức và Tây Berlin năm 1968 đã hô vang khẩu hiệu “Hồ - Hồ - Hồ Chí Minh” như sự thể hiện tình đoàn kết gắn bó với nhân dân Việt Nam. Họ kêu gọi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương và yêu cầu Chính phủ CHLB Đức (Tây Đức cũ) ngừng ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến này.
Những năm 60, Hồ Chí Minh là người lãnh đạo cao nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam với những đóng góp vô cùng to lớn cho phong trào cách mạng và sự nghiệp phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khi Quốc hội Việt Nam đề nghị trao cho Người Huân chương Sao vàng vào năm 1963, Hồ Chí Minh đã từ chối với lý do nước nhà vẫn còn chiến tranh, và để đợi đến ngày nước nhà hoàn toàn độc lập, non sông 2 miền thống nhất thì lúc đó Người được nhận tấm Huân chương này từ chính tay những đồng bào miền Nam cũng chưa muộn.
Năm 1967, khi Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô muốn trao tặng Hồ Chí Minh Huân chương Lênin vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp của giai cấp vô sản quốc tế nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng 10 Nga thì một lần nữa Người đã khiêm tốn từ chối nhận với lý do “để chờ đến khi nhân dân chúng tôi đánh bại hoàn toàn những kẻ xâm lược và đất nước Việt Nam được hoàn toàn giải phóng”.
Có lẽ không quá khó để tìm câu trả lời cho câu hỏi của nhiều thế hệ sau này: “Vậy, Hồ Chí Minh là ai?”. Nikita Khrushnev, người đã gặp Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1950 với tư cách Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô và từ năm 1953 trở đi, sau khi Stalin mất, trở thành Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Liên Xô, Chủ tịch nước Cộng hòa Liên bang Xô viết đã hồi tưởng lại về Hồ Chí Minh: “Những người theo đạo vẫn thường nói về vị lãnh tụ tinh thần tối cao của họ. Thông qua cách mà Hồ Chí Minh đã sống và ảnh hưởng đến những người xung quanh, có thể nói Người cũng là một “Lãnh tụ tinh thần tối cao” như vậy.
Hồ Chí Minh là một tượng đài Cách mạng. Tôi sẽ không bao giờ quên được ấn tượng toát lên từ ánh mắt của Người, ấn tượng về sự chính trực và đức độ trong sáng. Đó là sự chính trực của một người cộng sản chân chính và đức độ của một con người luôn trung thành với lý tưởng và những nền tảng truyền thống cốt lõi. Từng lời nói của Hồ Chí Minh đều như muốn khẳng định quan điểm rằng, tất cả những người cộng sản đều là anh em và do đó trong cư xử phải luôn chân thành và đúng mực với nhau. Hồ Chí Minh thực sự là “một vị thánh” của chủ nghĩa Cộng sản”.
Hồ Chí Minh giành được sự kính trọng không chỉ từ phía những người cộng sản mà còn từ nhiều nhân vật nổi tiếng của các nước tư bản phương Tây. Bertrand Earl of Russell, nhà toán học và lô-gic học người Anh, đồng thời cũng là một triết gia và nhà phê bình nổi tiếng, người cực lực phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ gây ra, đã từng nói: “Những nỗ lực chiến đấu không ngừng nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì độc lập và thống nhất của Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ đã làm cho Người không chỉ trở thành nhà sáng lập của một nước Việt Nam mới mà còn là một trong những nhân vật kiệt xuất góp phần tạo dựng nên diện mạo của bản đồ chính trị thế giới thời kỳ hậu chủ nghĩa thực dân”.
Năm 1954, giữa lúc các cuộc tấn công càn quét của thực dân Pháp tại Đông Dương lên đến mức cao điểm nhất, Jean Sainteny, đặc phái viên của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle về vấn đề Đông Dương giai đoạn 1946 - 1954, đã có nhiều lần tiếp xúc đàm phán với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngay lần gặp đầu tiên với Hồ Chí Minh, tôi đã có ấn tượng rằng, đằng sau vẻ ngoài giản dị của con người này là một nhân cách vĩ đại. Dáng vẻ và khuôn mặt của Hồ Chí Minh toát lên đồng thời sự thông minh, khả năng nắm bắt nhạy bén và khôn ngoan. Kiến thức và sự hiểu biết toàn diện, quá trình tham gia vào rất nhiều hoạt động cách mạng cũng như phẩm chất giản dị không màng danh lợi bản thân đã làm cho nhân dân Việt Nam và thế giới dành sự kính trọng và yêu mến đặc biệt đối với Hồ Chí Minh. Dù Hồ Chí Minh nói hay làm gì thì tất cả đều nhắm hướng đến hòa bình. Không có gì phải nghi ngờ khi chúng ta nói rằng, ở thời kỳ này, Hồ Chí Minh giống như “một Mahatma Gandhi của Đông Dương” vậy”.

“Khi nói chuyện hay trao đổi với bất kỳ chuyên gia nào thành thạo về các vấn đề ở Đông Dương, thì cả tôi và họ đều phải đồng ý rằng, nếu bầu cử diễn ra (thống nhất Việt Nam vào năm 1956 - PV) công bằng, ít nhất cũng phải có đến 80% người dân Việt Nam bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh” 

DWIGHT D.EISENHOWER
Tổng thống thứ 34 của nước Mỹ

Ngay cả những người ở bên kia chiến tuyến cũng không thể phủ nhận sự kính trọng mà họ dành cho Hồ Chí Minh. Dwight D.Eisenhower (1890 - 1969), Tổng thống thứ 34 của nước Mỹ (nhiệm kỳ 1953 – 1961), người đề xuất và hiện thực hóa bản hiệp ước Geneve về vấn đề Đông Dương năm 1954, và chỉ một năm sau đã ngầm phá vỡ bản hiệp ước đó, ủng hộ thành lập một chính phủ ở miền Nam Việt Nam để ngăn cản tổng tuyển cử 2 miền dự kiến diễn ra năm 1956, cũng đã viết trong cuốn hồi ký của mình như sau: “Nhìn chung tất cả mọi người đều thừa nhận rằng, trong trường hợp bầu cử tự do được diễn ra ở Việt Nam, thì chắc chắn Hồ Chí Minh sẽ được cử tri cả 2 miền tín nhiệm bầu làm người đứng đầu chính phủ. (...) Khi nói chuyện hay trao đổi với bất kỳ chuyên gia nào thành thạo về các vấn đề ở Đông Dương, thì cả tôi và họ đều phải đồng ý rằng, nếu bầu cử diễn ra công bằng, ít nhất cũng phải có đến 80% người dân Việt Nam bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh”.
Còn William Fulbright, từng là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ trong thập niên 60, đã nhận xét vào năm 1966 rằng: “Sau 11 năm với rất nhiều công sức cả về quân sự, chính trị và tài chính để thiết lập và bảo vệ một chính quyền dưới sự bảo trợ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam thì cho đến hôm nay (1966), tất cả những gì mà Washington làm được ở đây chỉ là việc: cái tên Hồ Chí Minh đã trở nên phổ biến trên toàn miền Nam và toàn bộ người nông dân Việt Nam đều chỉ biết đến một chính trị gia duy nhất, đó chính là Hồ Chí Minh”...
Chiều 9.9 (tức 21.7 âm lịch), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phu nhân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn nhà 67 thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch, nơi cách đây tròn 40 năm Người đi vào cõi vĩnh hằng.
Sau lễ dâng hương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xúc động phát biểu, mong muốn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hãy nguyện cùng nhau tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thực hiện tốt hơn nữa Di chúc của Người, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc VN, tiếp bước con đường cách mạng vinh quang mà Hồ Chủ tịch, Đảng ta và dân tộc ta đã lựa chọn, nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, như Bác Hồ hằng mong muốn.
Theo Website Chính phủ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.