Theo đó, tổng diện tích rừng xã này được giao quản lý gần 3.700 ha, tuy nhiên có 850 ha trong số diện tích này đã không còn rừng. Diện tích đất rừng này bị lấn chiếm để trồng mì, lúa, bời lời. Thời điểm diện tích rừng bị chặt phá được xác định trong khoảng thời gian từ 2016 - 2019.
Tuy nhiên, chính quyền không báo cáo lên cấp trên cũng như không có hành động quyết liệt nào để ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, với số gỗ khai thác trái phép vắng chủ, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, ông Thaoh đã thuê xe, chỉ đạo cán bộ, công chức xã tham gia đưa gỗ lên xe nhưng không chở về trụ sở UBND xã mà đưa đi nơi khác cưa xẻ làm mặt bàn, ghế cho gia đình.
Qua thanh tra còn phát hiện có 2 nhóm hộ đã bỏ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng do xã này quản lý từ tháng 4.2018 đến tháng 7.2019, nhưng kế toán UBND xã Hà Tây vẫn lập danh sách, giả chữ ký của người dân, lập khống 6 chứng từ để chiếm đoạt 271 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người dân nhận khoán bảo vệ rừng cũng bị “cắt cò” tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể, 3 cộng đồng làng Kon Chang, Kon Sơ Lăl, Kon Hơ Nglẽh phải trích lại 10% kinh phí được thụ hưởng, nhận khoán bảo vệ rừng với số tiền gần 256 triệu đồng. 2 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng khác phải trích lại 40% kinh phí hơn 368 triệu đồng. Tổng số tiền mà UBND xã “trích” lại sai quy định của 3 làng và 2 nhóm hộ là hơn 624 triệu đồng.
Trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng, UBND xã Hà Tây còn tùy tiện lập khống chứng từ, hợp thức hóa chứng từ, trích lại tiền phần trăm với tổng số tiền sai phạm phải thu hồi là 917 triệu đồng.
Liên quan đến sai phạm của xã Hà Tây trong việc sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng, ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Gia Lai, khẳng định: “Lãnh đạo xã Hà Tây đã cố tình làm sai. Mặc dù theo quy định, UBND xã được trích 10% tổng số tiền chi cho dân để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Thế nhưng, lãnh đạo xã lại thỏa thuận ngầm với đại diện cộng đồng làng, trưởng nhóm hộ nhận khoán để tiếp tục nhận thêm 10% kinh phí chi trả của 3 cộng đồng làng và 40% của 2 nhóm hộ”.
Về xử lý những sai phạm trên, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND H.Chư Pah, nói: “Huyện đã gửi hồ sơ sai phạm sang Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chư Pah và sau khi có các căn cứ vào mức độ sai phạm, huyện sẽ có hình thức xử lý. Đặc biệt là xác minh, ghi nhận ý kiến của người dân đối với việc làm giả chứng cứ, chiếm đoạt tiền dịch vụ môi trường rừng; yêu cầu những người sai phạm nộp lại số tiền do lập khống chứng từ, chi sai mục đích và tiền trích phần trăm dịch vụ môi trường rừng không đúng quy định”.
Bình luận (0)