20 khách hàng muốn mua gần 1.000 MW
Có thể thấy, thời gian còn rất ít, thế nên sau cuộc họp báo cáo với Phó thủ tướng Chính phủ ngày 10.4, hơn 10 ngày qua, Bộ Công thương đã công bố 2 lần bản dự thảo với nhiều quy định được chỉnh sửa sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và góp ý của các bộ, ngành liên quan.
Tại bản dự thảo 2 về cơ chế DPPA được đăng tải trên website của Bộ Công thương vào cuối tuần qua, Bộ đề xuất 2 chính sách lớn gồm: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng; mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn thông qua lưới điện quốc gia.
Với phương án 1, các bên phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư (bao gồm quy hoạch phát triển điện lực); chủ đầu tư nguồn điện phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, vận hành (gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; có hợp đồng mua bán điện… Giá bán điện sẽ do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp phát điện là đơn vị bán lẻ điện tại các khu công nghiệp kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện khác.
Phương án 2 đòi hỏi đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất thiết kế từ 10 MW trở lên. Còn khách hàng sử dụng điện lớn, chỉ áp dụng với tổ chức, cá nhân mua điện đấu nối từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trung bình hằng tháng từ 500.000 kWh, mua qua các tổng công ty điện hoặc các đơn vị bán lẻ điện.
Theo Bộ Công thương, khảo sát cả bên đầu tư điện tái tạo và bên có nhu cầu sử dụng điện lớn (khoảng 1 triệu kWh/tháng trở lên) đều mong muốn tham gia cơ chế DPPA nhằm đạt được các mục tiêu phát triển xanh phù hợp xu hướng chung của thế giới. Cụ thể, phía bán điện có 24 dự án (điện gió và điện mặt trời - ĐMT) với tổng công suất đặt 1.773 MW muốn tham gia cơ chế DPPA; 17 dự án với công suất đặt 2.836 MW đang cân nhắc về điều kiện tham gia và đặc biệt là khả năng tìm, ký hợp đồng với khách hàng. Với bên mua (chủ yếu các tổ chức đang mua điện phục vụ mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên), có 20 khách hàng với tổng nhu cầu khoảng 996 MW.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), chia sẻ: dự thảo nghị định về cơ chế DPPA dựa trên nguyên tắc là giúp doanh nghiệp (DN) linh hoạt, chủ động đàm phán có giá cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu cụ thể của mình. Bộ Công thương sẽ thiết lập khung pháp lý và quy định rõ ràng, đảm bảo tính công khai, minh bạch và bảo vệ lợi ích các bên tham gia. Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế giám sát và kiểm soát, đảm bảo các quy định và quy tắc trong quá trình mua bán DPPA được tuân thủ. "Mục tiêu của cơ chế DPPA là nhằm khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo và tạo động lực cho các DN tham gia thị trường, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch", ông Hòa nhấn mạnh.
Cần mở rộng đối tượng được mua bán điện trực tiếp
Trong khi các "khách hàng lớn" thở phào nhẹ nhõm thì nhiều chủ đầu tư điện tái tạo cho rằng cần mở rộng đối tượng được tham gia mua bán điện trực tiếp hơn. Bởi thực tế, rất nhiều khách hàng đã có nguồn điện sạch sẵn kế bên, muốn mua dùng nhằm đạt được tín chỉ xanh để bán hàng. Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, phân tích, cơ chế DPPA chỉ dành cho xây dựng các dự án điện tái tạo lớn (farm) chứ không phải dành cho ĐMT dân dụng, áp mái nhỏ, mái nhà máy xí nghiệp. Quy định phải có sản lượng tiêu thụ trung bình hằng tháng từ 500.000 kWh, thì DN dùng 499.000 kWh/tháng không thể tham gia. Trong khi số DN tiêu thụ hàng trăm ngàn kWh điện mỗi tháng là không hề ít.
"Việc xây dựng cơ chế nếu cứ bó hẹp trong quy định phải dùng hết 500.000 kWh điện/tháng mới được tham gia mua trực tiếp có gì đó trái với cơ chế cũng đang lấy ý kiến là khuyến khích lắp đặt ĐMT áp mái, dân dụng hay nhà máy xí nghiệp với mục đích tiêu thụ điện tại chỗ. Nhiều DN sản xuất đang tiêu thụ dưới 500.000 kWh điện/tháng có nhu cầu lớn về các chứng chỉ xanh, tín chỉ carbon với hàng hóa. Nay có mái nhà xưởng bên cạnh đang lắp ĐMT để bán, nhưng vì nhà xưởng dùng không hết 500.000 kWh điện trong 1 tháng, vậy muốn mua trực tiếp, DN sẽ tuân theo cơ chế nào? Theo tôi, cơ chế DPPA nên nới rộng đối tượng được mua trực tiếp", ông Việt nêu quan điểm.
GS-TSKH Trần Đình Long (Viện Điện lực VN) cho rằng việc có được nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp là một bước tiến trong tiến trình xây dựng thị trường mua bán điện. Cơ chế này rất quan trọng, nhưng có thể coi là thí điểm chứ trong thực tế chưa giải quyết, tháo gỡ hết những vướng mắc của ngành điện, đặc biệt là chính sách với năng lượng tái tạo.
"Tiêu thụ điện ưu tiên vẫn phải kết nối lưới điện an toàn. Nên phương án đầu tư lưới riêng để bán điện chắc chắn sẽ có ít nhà đầu tư tham gia vì cần khoản tiền rất lớn, trong khi họ chưa bán được điện do cơ chế chậm gần 4 năm. Đổi lại, phương án mua trực tiếp qua lưới điện quốc gia với những cam kết an toàn điện sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Tuy vậy, cơ chế mua bán điện cần được xây dựng dài hơi hơn. Không nên để một cơ chế được mong đợi ban hành rồi, lại khó áp dụng hoặc áp dụng khó có hiệu quả vì những hoàn cảnh khách quan.
Trong tương lai, để có một thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, vẫn phải mở rộng cho đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp, không phân biệt khách hàng lớn hay nhỏ. Cứ có nhu cầu là có thể mua bán trực tiếp được. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước lúc đó là đầu tư mở rộng lưới điện để truyền tải, dạng cho thuê lưới để thị trường mua bán với nhau", GS Long nêu quan điểm.
Cơ chế DPPA thông qua lưới điện quốc gia cũng sẽ đặt ra một số khó khăn nhất định cho các bên tham gia mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh. Cụ thể, để vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, khả năng truyền tải điện khi có các nhà máy điện tái tạo tham gia, cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng hoặc mở rộng đảm bảo sự ổn định của hệ thống.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
Bình luận (0)