Những học sinh Việt kiều hoặc người nước ngoài đã và đang trải nghiệm những ngày hè khác biệt tại Việt Nam.
“Khoái”... da đen hơn
Đầu tháng 7 này, Hoàng Tùng Linh (16 tuổi, quốc tịch Nga) đã hoàn tất khóa học kỳ quân đội do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức tại Côn Đảo. Tự nhận xét về sự thay đổi bản thân, Tùng Linh nói: “Em thấy da mình đen hơn”. Chúng tôi hỏi: “Da đen hơn theo em là cái được hay mất?”. Linh dứt khoát: “Em cho rằng đó là cái được. Bởi em thích da mình đen hơn là trắng. Như vậy mới thấy mạnh mẽ, cứng cáp hơn”. Linh cho hay, nhiều mùa hè trước đây ở Nga, Linh thường theo gia đình đi du lịch. Từ khi về Việt Nam nghỉ hè, anh chàng tỏ ra rất thích thú. Linh giải thích: “Em thích đến những miền quê, ăn hải sản, thích khí hậu nóng ở Việt Nam. Em cũng rất thích tính kỷ luật, chịu khó và sự tự tin trong môi trường quân đội”. Được biết, trước khi trở về Nga chuẩn bị vào lớp 10, Tùng Linh đăng ký tiếp khóa trải nghiệm hè “Chúng con đã trưởng thành” tại hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
|
Anh Phan Thành Hổ, Tổng chỉ huy các chương trình giáo dục huấn luyện kỹ năng sống Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, thông tin: Mùa hè này, trung tâm tiếp nhận khoảng 10 học viên là con em Việt kiều ở nhiều nước và những em có bố mẹ là người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam. Anh Hổ đánh giá: “Những em này thể hiện tính tự giác cao và biết chăm sóc bản thân, dễ hòa đồng và thích nghi. Đặc biệt, một khi quyết làm cái gì thì các em làm cho bằng được chứ không xuề xòa cho qua”. Theo anh Hổ, cũng có một số học viên nói tiếng Việt không rành rẽ và chậm hơn những bạn khác, song không phải vì thế mà các em bớt hào hứng, thích thú với những trò chơi như đánh trận giả, té nước... “Có em viết thư bày tỏ rằng ở nước ngoài, em thường chơi hè với những cái máy. Còn ở đây, em được sống với nhiều cung bậc cảm xúc thông qua các trò chơi với bạn bè”.
Theo anh Nguyễn Hồng Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, từ đầu mùa hè đến nay, có 5 học viên Việt kiều từ Mỹ, Nga, Canada, Đức, Thái Lan tham gia những khóa huấn luyện học kỳ quân đội và kỹ năng sống của đơn vị này. Anh Lâm khẳng định: “Điểm chung mà các em bộc lộ là sự lạ lẫm thú vị về môi trường quân đội, nhất là khi tập luyện ném lựu đạn, bắn súng, khám phá bếp Hoàng Cầm...”.
Sống cùng tập thể
Coollson Van Michael Khánh Duy (quốc tịch Mỹ) đang tham gia một khóa huấn luyện của Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam tại Côn Đảo. Cậu học sinh lớp 10 này bộc bạch: “Hè những năm trước em du lịch với ba mẹ. Dù đi nhiều nhưng em chưa bao giờ đặt chân đến đảo. Vì vậy, em rất tò mò muốn đến Côn Đảo”. Khánh Duy so sánh: “Trước nay nghỉ hè với người lớn nên cũng có khoảng cách thế hệ nhất định. Còn ở đây, em thấy mình hòa hợp với những bạn cùng trang lứa, cùng xa gia đình như em. Đi như vậy tạo tính tự lập, kỷ luật, ngay khi tắm cũng phải chờ đến lượt mình. Nói chung, ở đây là một tập thể nên mình phải sống với tập thể đó”. Không những vậy, Khánh Duy còn cho rằng, chuyến đi này giúp em thực hiện hai “mục tiêu” khác, đó là: tập cho mình thói quen không sa đà, lệ thuộc vào internet và Facebook; xa cách thành thị một thời gian để khám phá vùng đất mới.
Cùng khóa huấn luyện với Khánh Duy là Lim Hoa My My (quốc tịch Singapore). My My chia sẻ: “Sống trong này nề nếp hơn, theo kỷ luật của ban tổ chức chứ không phải muốn làm gì tùy ý như khi đi du lịch cùng cha mẹ. Trước giờ, bố mẹ quan tâm đến mình, còn ở đây, mình phải biết quan tâm những bạn nhỏ hơn”.
Vừa trải qua một chuyến nghỉ hè tại tỉnh Bình Dương và ngoại ô TP.HCM, Keisha Tô Johson (cha là người New Zealand, mẹ là người Việt Nam) hào hứng kể: “Rất mệt nhưng cũng rất vui! Em ấn tượng nhất là được tham gia các trò chơi và đu dây trên cao”. Theo Johson, đi du lịch như những năm trước không thể có những hoạt động thú vị như trong mùa hè này. Vừa chơi vừa tập làm vườn, dang nắng nhiều, bị kiến lửa cắn… nhưng vẫn thích thú, thế mới “lạ đời” chứ!
Như Lịch
>> Mùa hè của con trẻ - Kỳ 5: Để trẻ được vui chơi an toàn
>> Mùa hè của con trẻ - Kỳ 3: Nếu không học, trẻ biết chơi đâu ?
>> Mùa hè của con trẻ - Kỳ 2: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Đừng để các em đánh mất tuổi thơ !”
>> Mùa hè của con trẻ - Kỳ 1: Lắng nghe các em bày tỏ
>> Mùa hè của con trẻ: Trẻ thiếu sân chơi
>> Trả lại mùa hè cho bé - Trẻ em có còn háo hức
Bình luận (0)