Cảnh báo mưa giông và cả mưa đá
Trong nhiều ngày qua, trời TP.HCM nhiều mây và mưa trái mùa liên tục xảy ra trên diện rộng. Đầu giờ chiều 9.1, trời từ âm u chuyển sang mây đen đến khoảng 15 giờ 30 thì mưa lớn. Trận mưa kéo dài khoảng 30 phút xảy ra trên hầu khắp thành phố, một số nơi mưa nhỏ đến chiều tối. Sáng sớm 10.1, khi nhiều người chuẩn bị đi làm thì trời lại đổ mưa. Cả ngày trời luôn trong tình trạng mây âm u và mưa nhỏ nhiều nơi.
Người dân TP.HCM đội mưa trong ngày 10.1 |
Đào Ngọc Thạch |
Anh Tâm Nguyễn, một nhân viên văn phòng ở Q.3, thốt lên: “Tôi nhớ mọi năm thời điểm này trời thành phố nắng đẹp và gió nhẹ rất dễ chịu. Vì sao năm nay tết đến nơi rồi mà TP.HCM cứ như đang trong mùa mưa, không biết mấy ngày tết sắp tới thời tiết sẽ như thế nào?”.
Không chỉ tại TP.HCM, nhiều tỉnh Nam bộ cũng đang trong tình trạng tương tự. Đáng chú ý, tại Đồng Tháp mưa lớn từ đêm 9 đến trưa 10.1.
Mưa trái mùa cũng gây lo lắng cho nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng tết. Anh Nguyễn Ngọc Giàu, chủ vườn hoa Ngọc Giàu ở Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: Năm nay thời tiết khá bất thường khi mưa trái mùa xảy ra liên tục. Điều này đã làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên khiến một số cây nở hoa sớm, một số ra nụ không đều, ảnh hưởng chất lượng hoa và giá cả sắp tới. “Tôi phải liên tục theo dõi thông tin dự báo thời tiết để có phương án điều chỉnh lịch lặt lá và chăm sóc phân thuốc cho phù hợp”, anh Giàu nói. Trong khi đó, các nhà vườn trồng sầu riêng và điều rất lo lắng vì mưa trái mùa bất thường như hiện nay làm sâu bệnh phát triển mạnh, cây khó đơm hoa kết trái, ảnh hưởng mùa vụ sắp tới.
Trưa 10.1, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ phát đi bản tin cảnh báo: Giông, tố, lốc, sét và mưa lớn cục bộ trên khu vực TP.HCM như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, vùng trung tâm và các vùng lân cận. Lượng mưa phổ biến từ 5 - 20 mm, có điểm trên 20 mm. Trong cơn giông đề phòng sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá ở cấp độ 1.
Thời tiết ở TP.HCM bất thường, dịp tết vài nơi có thể ngập vì triều cường |
Mùa mưa bão kéo dài
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, giải thích: Năm nay, mưa trái mùa ở Nam bộ xuất hiện nhiều là do rãnh thấp xích đạo vẫn nằm vắt ngang các tỉnh miền Tây; theo đúng thông thường phải dịch chuyển về phía nam bán cầu. Mưa trái mùa xuất hiện thành từng đợt kéo dài 2 - 3 ngày; cụ thể như đợt mưa trái mùa 5 - 7.1 là do có áp thấp cường độ nhẹ ở phía nam Biển Đông. Còn đợt mưa hiện tại là do rãnh thấp xích đạo hoạt động mạnh, đẩy hơi ẩm từ biển vào đất liền gây mưa. Theo quy luật, khi không khí lạnh tăng cường mạnh lên làm rãnh áp thấp suy yếu. Ngược lại khi không khí lạnh suy yếu thì rãnh áp thấp sẽ hoạt động mạnh lên và gây mưa trái mùa diện rộng.
Theo mô hình dự báo của Úc hiện tại trên vùng biển ở phía đông của miền nam Philippines đang tồn tại một vùng áp thấp. Vùng áp thấp này đang di chuyển khá nhanh về phía tây. Đến khoảng 15.1 vùng áp thấp sẽ di chuyển vào khu vực Biển Đông, ở phía đông quần đảo Trường Sa của VN. Cũng trong khoảng ngày 15.1, một đợt không khí lạnh từ phía bắc sẽ tăng cường xuống phía nam. Vào khoảng thời gian này, trên khu vực Biển Đông sẽ chịu sự tác động cùng lúc của gió mùa đông bắc, không khí lạnh và vùng áp thấp gây nên gió giật mạnh và biển động. Bà con ngư dân đi biển chuyến cuối năm cần đặc biệt chú ý đề phòng và theo dõi các diễn biến thời tiết tiếp theo. Vì đây chỉ mới là những thông tin cảnh báo sớm. Sẽ còn nhiều biến đổi trong những ngày tới.
Cũng theo chuyên gia Xuân Lan, ở Nam bộ thời điểm này là mưa trái mùa nhưng ở các tỉnh miền Trung vẫn đang trong mùa mưa. Tuy nhiên mưa lớn và nhiều như hiện nay là một biểu hiện dị thường của thời tiết. Nguyên nhân là do hiện tượng La Nina kéo dài và sâu xa hơn đó chính là tác động của biến đổi khí hậu. Từ khoảng năm 2012 trở về trước, mùa mưa bão thường chỉ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Tuy nhiên, hiện nay mùa mưa bão thường kéo dài đến tháng 1 - 2 của năm sau. Chính vì vậy, trong thời điểm này nếu các vùng thấp trên Biển Đông có mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão cũng được xem là của mùa bão năm 2022.
Những tuyến đường này tại TP.HCM dễ bị kẹt xe ngày cận tết |
Giao thừa có thể có không khí lạnh
Khoảng ngày 15, một đợt không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía bắc nước ta. Từ ngày 15 - 19.1 (28 tết) các tỉnh miền Bắc trời rét. Trong những ngày từ 29 tết đến mùng 1 và 2, không khí lạnh tăng cường khiến các tỉnh miền Bắc trời tiếp tục rét. Các vùng núi có độ cao trên 2.000 m như Fansipan (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có thể xuất hiện băng giá. Trong khi đó, các tỉnh miền Trung, đặc biệt là bắc Trung bộ và trung Trung bộ, cũng bị ảnh hưởng của rét và mưa.
Tại các tỉnh Nam bộ, trời phổ biến mát mẻ trong khoảng trung bình 21 - 22 độ C. Trừ một số nơi ở Bình Phước và Đồng Nai, nhiệt độ có thể xuống dưới 20 độ C. Ở Nam bộ, khi không khí lạnh ở phía bắc suy yếu lại có khả năng xảy ra mưa trái mùa diện rộng.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dự báo: Từ nay đến Tết Nguyên đán, trên cả nước chỉ có 2 ngày trời nắng đẹp vào 13 - 14.1. Sau đó, đợt không khí lạnh xuất hiện ở nước ta từ ngày 15.1 với cường độ mạnh gây lạnh sâu nên sẽ lan nhanh xuống đồng bằng Bắc bộ rồi đến các tỉnh bắc Trung bộ và trung Trung bộ gây mưa lạnh kéo dài từ 16 - 17.1 đến những ngày cận tết. Trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, miền Bắc sẽ đón một cái lạnh sâu và kéo dài. Các tỉnh từ Nghệ An trở ra phía bắc trời rét, ít mưa. Vùng núi các tỉnh phía bắc nhiệt độ trong khoảng từ 5 - 10 độ C, vùng núi cao có thể xuống dưới 5 độ C và xuất hiện băng giá. Vùng đồng bằng Bắc bộ nhiệt độ ban ngày trong khoảng 15 - 17 độ C. Khu vực từ Hà Tĩnh vào tới Đà Nẵng, trời lạnh kèm mưa nhỏ. Các khu vực còn lại như Tây nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL, trời mát có thể có những đợt mưa nhỏ lác đác vài nơi.
Bình luận (0)