Sở Y tế TP.HCM vừa báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 144 ngày 5.11.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc báo cáo này là theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị, sửa chữa trang thiết bị y tế nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm để tránh xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, được quy định tại mục 2 Nghị quyết số 144 năm 2022 của Chính phủ (về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế).
Các cơ sở y tế đã cố gắng, nỗ lực và thực hiện các giải pháp để mua sắm thuốc, sửa chữa trang thiết bị. Nhưng các cơ sở y tế thuộc ngành y tế TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm và sửa chữa trang thiết bị y tế vì rất nhiều nguyên nhân.
Không xác định được giá dự toán của gói thầu
Khoản 7, Điều 1, Thông tư 68 năm 2022 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58 năm 2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên tại các đơn vị. Thông tư 68 quy định về xác định giá gói thầu (sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 11, Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính).
Theo đó, giá gói thầu dựa trên cơ sở dự toán mua sắm được phê duyệt. Giá gói thầu được xác định căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây để sát giá thị trường: giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau; kết quả thẩm định giá; giá trúng thầu của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 90 ngày.
Thực tế, tại các cơ sở y tế TP.HCM có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt hoặc dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành…). Các trang thiết bị đặc thù, riêng biệt (chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất) nên không thể có được 3 báo giá.
Bên cạnh đó, việc thẩm định giá cũng không thực hiện được vì các tổ chức thẩm định giá hiện nay không nhận thực hiện thẩm định giá trang thiết bị y tế, các dịch vụ phi tư vấn.
Rất nhiều trang thiết bị, dịch vụ không có giá trúng thầu của các gói thầu tương tự trong thời gian không quá 90 ngày, kể cả dựa vào kết quả được công bố trên cổng công khai kết quả đấu thầu của Bộ Y tế.
Giá kê khai và công khai của trang thiết bị y tế trên cổng thông tin chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng, chưa được kiểm soát nên việc các cơ sở y tế tham khảo để xây dựng giá dự toán gói thầu cũng không đầy đủ, phù hợp.
Hết hạn giấy phép nhập khẩu và giấy chứng nhận đăng ký lưu hành
Hiện nay rất nhiều trang thiết bị (hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế kỹ thuật cao) theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp.
Thế nhưng, đến nay, các giấy trên đã hết hạn từ ngày 1.1.2023 và vẫn chưa được Bộ Y tế cấp mới, gia hạn nên các sản phẩm hàng hóa dự thầu không thể trúng thầu (không đáp ứng được tiêu chí kỹ thuật về giấy phép nhập khẩu/giấy chứng nhận đăng ký lưu hành). Vì vậy, cơ sở y tế không thực hiện được việc mua sắm trang thiết bị.
Thực hiện đấu thầu qua mạng: Quá khó
Theo điểm c, khoản 2, Điều 37, Thông tư 08 năm 2022 của Bộ KH-ĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu tuốc gia, quy định: "Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức 2 giai đoạn 1 túi hồ sơ, 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ".
Theo Sở Y tế TP.HCM, với quy định này thì tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa của các cơ sở y tế đều phải thực hiện đấu thầu qua mạng, kể cả các gói thầu mua sắm thuốc, gói thầu mua sắm vật tư y tế với hàng trăm đến hàng ngàn mặt hàng/gói thầu, và được chia thành nhiều phần với hồ sơ tài liệu kỹ thuật của hàng hóa rất nhiều. Hằng năm, ngành y tế TP.HCM có hàng ngàn gói thầu, trong đó có đến hàng trăm gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gồm nhiều phần với quy mô lớn.
Trong khi đó, hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được. Ví dụ như khi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có danh mục hàng hóa nhiều, thì thường bị gián đoạn, nếu gói thầu trên 300 khoản là gần như không đăng tải được.
Bình luận (0)