Từ trưa đến chiều 1.4, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ liên tục phát đến 4 bản tin cảnh báo mưa giông trên khu vực từ Đồng Nai đến Cà Mau, có nơi mưa vừa, mưa to.
Đúng như dự báo, một trận mưa lớn trắng trời xảy ra khắp Nam bộ. Tại TP.HCM, khoảng 15 giờ mây đen dày đặc kèm theo giông sét; khoảng 1 tiếng sau bắt đầu mưa.
Tại nhiều khu vực như quận 1, 3, 10, 11, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức... trận mưa kéo dài đến gần 19 giờ làm nhiều người có cảm giác như đang ở trong mùa mưa.
** Nhiều chuyến bay hủy, hoãn, hạ cánh nơi khác
Đây là cơn mưa rất to, quá hiếm gặp khi mưa trái mùa. Trận mưa trắng trời kéo dài từ trưa đến tối 1.4, hiện vẫn tiếp diễn khiến cho cả trên trời lẫn dưới đất đều 'kẹt cứng'. Xe máy chết ngộp khiến người Sài Gòn đẩy bộ.
Nhiều tuyến đường bị biến thành sông như: đường Thái Thị Nhạn, đường Ni Sư Huỳnh Liên (Q.Tân Bình), đường Lâm Hoành, Đỗ Năng Tế (Q.Bình Tân), đường An Dương Vương (Q.5), khu vực Q.6, Bình Tân các tuyến đường cũng bị ngập nặng. Nơi ngập nặng nhất là tuyến đường An Dương Vương.
Tại đây, nước ngập kéo dài suốt tuyến, mực nước lên đến hơn đầu gối, nhiều phương tiện bị chết máy la liệt. Đến 17 giờ cùng ngày, một số khu vực ở đường Trương Vĩnh Ký, Gò Dầu (Q.Tân Phú) ngập lênh láng. Mỗi lần xe hơi chạy ngang tạo sóng lớn làm nước tràn vào nhà dân hai bên đường.
“Mưa trái mùa thường chỉ xảy ra trên diện hẹp, rải rác ở một vài nơi với lượng phổ biến từ 10 - 20 mm. Tuy nhiên tại TP.HCM, lượng mưa phổ biến ước tính trung bình khoảng 30 mm, nhiều nơi lên đến 50 - 60 mm là hết sức bất thường. Rất hiếm có chuyện mưa trái mùa thường xuyên và với lượng lớn đến vậy. Tại Tây Ninh trong liên tiếp hai ngày 30 - 31.3, tổng lượng mưa lên đến trên 80 mm”, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan nhận xét.
Nhiều người Sài Gòn bị chết máy xe phải dẫn bộ Ảnh: Đ.L
Sân bay Tân Sơn Nhất trong cơn mưa ngày 1.4.2017 Ảnh: H.Quỳnh
Cũng theo bà Lan, hiện vẫn đang là mùa khô nên những trận mưa gần đây vẫn là mưa trái mùa, không phải mưa chuyển mùa. Mưa sẽ tiếp tục kéo dài đến khoảng ngày 3 - 4.4. Nguyên nhân là rãnh áp thấp xích đạo hoạt động mạnh dần và dịch chuyển lên phía bắc, không khí lạnh khuếch tán xuống kết hợp của nhiễu động trong đới gió đông từ biển vào đi ngang qua phía nam quần đảo Trường Sa vào gần vùng biển Cà Mau.
Người dân cần đề phòng trong cơn giông có kèm theo sấm sét, lốc xoáy, gió giật cả trên biển và đất liền. Sau đợt mưa trái mùa này, trời sẽ trở lại nắng nóng của mùa khô.
** Ngày mai dự báo sẽ còn mưa
Hàng loạt tuyến đường Sài Gòn bỗng chốc ngập nước sau trận mưa lớn bất ngờ đổ xuống chiều 1.4. Đây là cơn mưa thứ 3 trong vòng một tuần nay, diễn ra khiến nhiều người không phòng bị. Lượng mưa tại quận 1 là 37 mm, tại Tân Bình là 159,8 mm.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, đợt nắng nóng sắp tới sẽ xảy ra trên diện rộng nhưng chủ yếu ở miền Đông Nam bộ. Nhiệt độ cao nhất tại khu vực này và TP.HCM phổ biến từ 37 - 390C, có nơi trên 390C. Khu vực miền Tây Nam bộ ở mức 35 - 370C, riêng vùng ven biên giới VN - Campuchia các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp có khả năng trên 370C.
Từ khoảng giữa tháng 4, khu vực có khả năng xuất hiện các đợt mưa chuyển mùa. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn đến rất lớn cục bộ trong thời đoạn ngắn; giông mạnh kèm theo tố, lốc, sét, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa. Lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Như vậy năm nay mùa nắng sẽ ngắn và không gay gắt như mọi năm.
Nhiều chuyến bay tại Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng
Mưa lớn kéo dài vào chiều 1.4 đã khiến nhiều chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM bị chậm, hủy. Tối qua 1.4, Vietnam Airlines (VNA) thông báo có 35 chuyến bay đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng giờ khai thác từ 30 phút đến 2 tiếng do tình hình thời tiết xấu.
Theo ông Lê Hoàng Dũng, Chánh văn phòng, người phát ngôn của VNA, việc vận chuyển hành khách, hàng hóa tại khu vực sân đỗ cũng gặp khó khăn do mưa lụt.
Còn theo đại diện Hãng hàng không Vietjet, do mưa lớn nên nhiều máy bay tại Tân Sơn Nhất không đỗ được. Vì vậy, nhiều chuyến bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất phải chờ 1 - 2 tiếng đồng hồ sau. Đồng thời, cũng do mưa lớn nên có 4 chuyến bay đến không thể hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất mà phải hạ cánh tại sân bay Cam Ranh và 1 chuyến phải hạ cánh xuống sân bay Cần Thơ để chờ quay về Tân Sơn Nhất. Cũng do mưa lớn, Vietjet quyết định không khai thác 2 chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội và ngược lại.
Bình luận (0)