40 năm kể từ cái đêm định mệnh xảy ra vụ án cướp vàng chấn động xã Đôn Thuận, Tây Ninh năm 1979, các nạn nhân từng nghĩ mình sẽ chết mà không được minh oan nay như hồi sinh khi nhận lại quyết định đình chỉ vụ án và được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh công nhận oan sai, công khai xin lỗi và ngồi lại để tính toán, bồi thường.
Tết này, họ đã có những tính toán của riêng mình.
Chờ cái tết đoàn viên
Ở cái tuổi 95 khi mái tóc chỉ còn lưa thưa vài sợi bạc cắt gọn, cụ Võ Thị Thương lại ngồi ngóng tết như hồi còn son trẻ. Với cụ, cái tết này là đặc biệt nhất trong đời, bởi ngoài 3 cái tết ở trong tù không chút tình thân đầy tủi nhục thì mấy chục cái tết sau đó của cụ chỉ quẩn quanh xó bếp với cà dưa muối mắm không khác ngày thường. Cụ bảo, có năm cũng muốn ăn cái tết cho ra tết nhưng sợ người ta nhìn trước ngó sau xỉa xói “cướp mà cũng bày đặt ăn tết”. Vậy là lại thôi.
Cũng vì những mặc cảm như thế mà 40 năm qua cả nhà cụ Thương mất tết. Trong cái ngày được công khai xin lỗi ở xã Đôn Thuận, tôi vẫn nhớ cái níu tay nặng trĩu cụ Thương dành cho mình. Cụ siết tay tôi thật chặt, bảo: “Hôm giỗ ông, con nhớ lên nghen. Bận con nhỏ lên không được thì tết. Tết phải lên với bà. Tết này bà ăn lớn”. Nhìn đôi mắt đục ngầu nhăn nheo chực khóc của cụ, tôi chỉ biết gật đầu.
Khi cụ Thương đang tính toán cho một cái tết đủ đầy năm nay thì ông Dũng (Dũng lớn), bà Ngọc Lan và ông Chiến dắt nhau về lại bến đò ông Tám Bá (ông nội của ông Dũng, ông Chiến và bà Ngọc Lan). Vẫn trên nền ngôi chùa cũ, mảnh đất ông Bá dựng lên để tu tập ngày nào, anh em ông Dũng nhắc mãi chuyện xưa. Đưa tay chỉ ra bạt ngàn cao su, ông Chiến không nén được xúc động: “Trước đây chỗ này là cánh đồng lúa đang mùa chín rộ. Tôi bị bắt, ruộng lúa không biết ai thu hoạch, còn giờ đã không còn dấu tích mà thay vào đó toàn là cao su của người ta”.
Rồi họ nhớ lại những cái tết đầm ấm trước kia. Bà Nguyễn Thị Đỏ (em út ông Dũng) rưng rưng: “Cái ngày anh chị tôi chưa bị bắt, tết nào anh em cũng hợp nhau lại nấu nồi cháo gà, nói vài câu chuyện vui. Bặt từ khi anh chị tôi ở tù rồi sau đó ra tù, gia đình tôi không còn một cái tết nào sum họp đủ đầy. Năm nay, năm đầu tiên sau 40 năm đằng đẵng anh em tôi mới có dịp tụ họp ở đây, nhắc lại chuyện cũ. Mong mỏi cái tết này sẽ là cái tết nhắc nhở chúng tôi đã có những ngày tháng ấm êm và hy vọng từ đây nỗi đau kết thúc. Anh chị tôi được sống những ngày tháng cuối đời thanh thản”.
Họ hẹn nhau: “Tết này, mình về đây thắp hương báo với ông bà là đã được minh oan”. Ông Dũng còn nói nếu từ giờ tới tết được tạm ứng tiền bồi thường, ông sẽ đưa vợ, con về Đôn Thuận nhận họ hàng. Để con ông được biết mình cũng có tổ tông, gốc gác.
Đối với tất cả các nạn nhân trong vụ án cướp vàng năm đó, cái tết này thật nhiều ý nghĩa nhưng nó đặc biệt hơn nữa đối với chị Nguyễn Thị Tuyết (đứa con gái được sinh ra trong tù của bà Ngọc Lan và ông Hồ Long Chánh, sau đó được một gia đình cán bộ công an nhận nuôi). Trước đây, dù đủ đầy vật chất nhưng Tuyết vẫn khao khát tình thân. Khát khao một lần được nhìn cha, nhận mẹ. Sau hàng thập niên bị mẹ Lan dứt ruột chối từ vì sợ con phải chịu cảnh mặc cảm, tết này chị Tuyết đã có ba mẹ đẻ bên cạnh mẹ nuôi hết mực yêu thương. Với chị, đó là sự bù đắp tuy muộn màng nhưng tràn đầy ý nghĩa.
Tấm lòng người dưng
Để gia đình cụ Thương, bà Lan, ông Chiến có được cái tết trọn vẹn, nhóm hỗ trợ pháp lý cho gia đình cụ Thương, ông Dũng gồm luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (đại diện pháp lý cho 7 nạn nhân), các ông Phạm Công Út, Nguyễn Thận và nhà báo Trịnh Duy Sơn (đại diện cho các nạn nhân) cũng đẩy nhanh tiến độ yêu cầu bồi thường. Trong quá trình đợi chờ kết quả cuối cùng, nhóm thiện nguyện cùng nhiều người có tấm lòng cũng đã vận động, quyên góp giúp đại gia đình cụ Thương chuẩn bị đón tết.
Không chỉ kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng, để kịp sửa lại mái nhà dột nát, trải xi măng trên nền đất và xây lại cái bếp cho cao ráo giúp cụ Thương đón tết, ông Nguyễn Công Trung (đại diện đòi quyền lợi cho 7 nạn nhân) đã lấy sổ hồng của chính gia đình mình đem thế chấp ngân hàng lấy 500 triệu đồng. Với số tiền này, ông giúp cụ Thương sửa chữa nhà cửa, giúp bà Nguyễn Thị Lan trang trải những khoản nợ do thiếu trước hụt sau. Bên cạnh đó, ông Phạm Công Út, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cũng kêu gọi từ nhiều phía để giúp cụ Thương, bà Lan, ông Chiến duy trì sức khỏe, chống chọi với bệnh tật để có thể đón cái tết khỏe mạnh ở nhà.
Hay như dịp cuối năm, khi chứng kiến cơn mưa lớn cuốn bay mái tôn trên ngôi nhà tạm bợ khiến bà Lan phải cầm cố cái điện thoại là vật dụng duy nhất có giá trị trong nhà để khắc phục hậu quả, thì nhà báo Trịnh Duy Sơn đã rút tiền túi nhét vào tay bà Lan: “Số tiền này chị đi trả cho người ta, chuộc ngay cái điện thoại về. Còn phần này chị cầm lấy để dành trả nợ tiền tôn…”.
Trước đó, khi ông Chiến phải nhập viện vì chứng nhồi máu cơ tim, huyết áp cao..., nhà báo Trung Hiếu (Báo Thanh Niên) đã lên trang Facebook cá nhân kêu gọi bạn bè giúp đỡ ông có tiền chữa bệnh. Kết quả, 30 triệu đồng kêu gọi được, với danh sách người ủng hộ đã được nhà báo Trung Hiếu trao tận tay gia đình ông Chiến...
Trong suốt những ngày tiếp xúc với những người hỗ trợ đưa vụ án ra ánh sáng, tôi đã chứng kiến sự đau đáu của nhóm luật sư, người đại diện, nhà báo… Họ không chỉ thấu hiểu nỗi đau của người trong cuộc, mà đôi khi họ đã đau chung nỗi đau của các nạn nhân. Chính sự đồng cảm, những cử chỉ ấm áp từ nhóm thiện nguyện đã giúp nuôi dưỡng niềm tin nơi những nạn nhân.
Vào đêm 26.7.1979, chỉ vì tin báo có vụ cướp vàng xảy ra tại nhà máy xay xát lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) do ông Nguyễn Văn Đơ làm chủ, 8 người trong “đại gia đình” đang sống cuộc đời yên ấm bỗng nhiên bị bắt. Sau đó là những ngày các nạn nhân bị tra khảo, ép cung buộc phải nhận tội. Những người này đã bị tù oan hơn 3 năm 9 tháng, đến năm 1983 mới được tha. Tuy nhiên, chỉ ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) do khi bị bắt đang là quân nhân tình nguyện Campuchia về phép thăm nhà nên nhận được quyết định đình chỉ điều tra, sau đó được bồi thường oan sai.
7 người còn lại mang thân phận bị can gần 40 năm dù họ đi gõ cửa đủ nơi để minh oan; trong đó bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và Nguyễn Thị Lan khi bị bắt người có con mới 2 tháng rưỡi, người mang bầu 5 tháng…
Tháng 10.2018, Báo Thanh Niên có loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, điều tra, phản ánh về vụ việc. Các cơ quan chức năng sau đó vào cuộc, xác minh; Viện KSND tối cao yêu cầu làm rõ... Kết quả, ngày 31.10.2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh tổ chức buổi xin lỗi công khai 7 nạn nhân còn lại gồm các ông bà: Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918, đã mất), Võ Thị Thương (94 tuổi), Nguyễn Văn Chiến (66 tuổi), Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ, 58 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Lan (73 tuổi), Nguyễn Thị Lan (66 tuổi), Hồ Long Chánh (67 tuổi) tại UBND xã Đôn Thuận - địa phương xảy ra vụ án oan sai.
|
Bình luận (0)